Ý nghĩa mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc

Ngày 06/2/2012 vừa qua, đoàn cán bộ quản lý và giáo viên Trường THPT Cao Bá Quát-Quốc Oai rất vinh dự được mời và tham gia chương trình “Mùa xuân tôn vinh văn hóa dân tộc” do Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng, Viện Bảo tồn Di tích, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội, Hội Kiều học Việt Nam, Công ty CP Quốc tế Minh Hoàng Gia tổ chức tại tại Nhà Giảng Kinh-Chùa Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Chương trình được khởi động ngày 06/02/2011 với Lễ cầu Quốc thái dân an tại quần thể Đình - Đền - Chùa làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội, được Truyền hình An ninh truyền hình trực tiếp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã gửi thư chào mừng.



Đây là hoạt động tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc vào dịp đầu xuân mới với nhiều lễ hội linh thiêng và nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Lễ bái tạ Phật hoàng Trần Nhân Tông; Lễ cầu quốc thái, dân an; Khởi động dự án Bản đồ chùa Hà Nội; Tọa đàm Truyện Kiều với Kiều bào, Phát động cuộc thi cảm ngẫm và bình thơ Truyện Kiều; Trưng bày thư họa Cố đại lão thư pháp Lê Xuân Hòa; Phát động xây dựng chùa Vân và Giới thiệu ý tưởng phục dựng Rồng Việt ngự trên đỉnh Tam Đảo và Ngày xuân nói chuyện về Thánh Quát. Cùng đó là nhiều hoạt động phi vật thể tôn vinh dòng văn hóa dân gian Bắc Bộ tiêu biểu: ca trù, hát văn, quan họ, chèo…   


Đỉnh cao của chương trình là Đêm Xuân văn hóa Việt 2012 vào 20h00 ngày 24/03/2012 (03/03/2012 năm Nhâm Thìn), được Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp. Tại đây - chùa Sủi, sẽ diễn ra nhiều hoạt động quan trọng: Lễ hội Vinh danh danh nhân Nguyên phi Ỷ Lan, Tọa đàm về Phù Đổng Thiên Vương, Hội thảo bảo tồn phát huy giá trị di sản dân tộc trong đời sống hiện đại, Giới thiệu sản phẩm gốm Việt, tôn vinh dòng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, v.v.


Tham dự sự kiện này là một dịp rất có ý nghĩa đối với cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường, thể hiện sự trân trọng đối với danh nhân Cao Bá Quát và quê hương Cao Bá Quát tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, và là dịp để tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Nhân dịp tham dự buổi lễ khởi động, Đoàn đã  đến thăm và dâng hương tại Khu tưởng niệm Danh nhân Cao Bá Quát, trò chuyện, chụp ảnh lưu niệm với nhà văn Xuân Cang, các cụ Cao Bá Ấm, Nguyễn Huy Thuân… trong Ban quản lý di tích Phú Thị, Gia Lâm.





(Ảnh: Chùa Sủi)



(Ảnh:
Quần thể di tích đình-đền-chùa Sủi)

 

Bình luận :