Ý nghĩa lớn từ hội thảo chuyên môn tháng 4 của Tổ Toán-Tin học
Tiến tới Hội thảo cấp trường về xây dựng tiêu chí tiết dạy từng bộ môn, hôm nay 14/4/2013 Tổ-Toán tin đã tổ chức hội thảo tích hợp “Xây dựng tiêu chí tiết dạy Toán-Tin học, xây dựng ma trận đề kiểm tra theo cấp độ tư duy, viết sáng kiến kinh nghiệm, và ứng dụng Tin học trong giải quyết một số vấn đề thực tiễn”.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Danh Chiến – Phó Hiệu trưởng đại diện Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, Bí thư Đoàn trường và các đồng chí Tổ trưởng chuyên môn trong toàn trường.
Với báo cáo tham luận mởi đầu về tiêu chí tiết dạy, đồng chí Nguyễn Văn Đằng – Tổ trưởng Tổ Toán-Tin học đã phân tích những tiêu chí chính cần đạt của một tiết dạy trên cơ sở nghiên cứu Luật giáo dục, Điều lệ trường phổ thông hiện hành, nhiệm vụ của môn Toán, chuẩn kiến thức kỹ năng và tham khảo Phiếu đánh giá tiết dạy đang dùng trong nhà trường. Các thành viên tham dự đã có nhiều ý kiến thảo luận về tiêu chí tiết dạy nói chung và môn Toán, Tin học nói riêng, nhất trí cao với những mục “tiêu chuẩn” cần đạt trong thời gian sắp tới.
Xây dựng ma trận đề kiểm tra cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Đồng chí Nguyễn Đăng Thuyết đã trình bày khái quát quy trình xây dựng ma trận đề kiểm tra, làm rõ một số điểm chính trong quá trình xây dựng đề thi. Các đại biểu cũng đã chia sẻ thực tế là xây dựng ma trận đề kiểm tra không phải là vấn đề mới nhưng không phải giáo viên nào cũng biết. Trước đây giáo viên thường ra đề theo ý chí chủ quan. Ngay cả hiện nay, mặc dù nhận thức được rằng ra đề theo ma trận là cần thiết nhưng không ít giáo viên lại làm theo quy trình “ngược” – đó là làm đề xong mới làm ma trận. Vì sao? Vì làm ma trận trước khi xây dựng đề thi khó hơn. Nhiều ý kiến đều đồng tình rằng (1) xây dựng ma trận đề trước khi xây dựng đề thi là cần thiết, (2) mỗi giáo viên khi xây dựng ma trận phải sử dụng Chuẩn Kiến thức kỹ năng của bộ môn mình, vạch ra những đơn vị kiến thức và kỹ năng cần kiểm tra, nắm chắc yêu cầu về cấp độ tư duy nào chuẩn KTKN nêu (nhận biết, thông hiểu hay vận dụng), (3) tiến hành phân bổ điểm cho từng loại câu hỏi khi thiết kế, v.v.
Bên cạnh đó, nội dung tham luận về viết sáng kiến kinh nghiệm do đồng chí Nguyễn Đình Hữu trình bày cũng nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến thảo luận. Giải đáp câu hỏi “Tại sao giáo viên cần viết sáng kiến kinh nghiệm? các đại biểu nhất trí rằng viết sáng kiến kinh nghiệm cũng có thể coi là một nhiệm vụ của giáo viên, đồng thời đây là cách tốt để mỗi giáo viên nghiên cứu thực tế, hiểu thực tế, biết cách giải quyết vấn đề, chia sẻ kinh nghiệm, là động lực phát triển chuyên môn và nâng cao trình độ chuyên môn, thêm yêu nghề hơn và thành công hơn trong công việc, v.v. Tuy vậy, viết sáng kiến kinh nghiệm là một việc không dễ bởi cần có sự quan sát tỷ mỉ của giáo viên về những vấn đề xung quan để hình thành ý tưởng, có những phát hiện mới cần khai thác hoặc những trải nghiệm thành công của mình, cần có thời gian… Phong trao trào viết sáng kiến kinh nghiệm trong nhà trường những năm gần đây chưa phát triển mạnh do kinh phí đầu tư kinh phí còn hạn chế, chưa đủ tạo động lực, mỗi giáo viên cần tìm kiếm những động lực cho riêng mình. Tuy nhiên, vượt qua các khó khăn, có niềm tin viết sáng kiến kinh nghiệm, biết viết và dám viết (bởi nhiều giáo viên chưa viết bao giờ) sẽ là yếu tố quan trọng để có một “công trình khoa học” cho riêng mình.
Ngoài các nội dung chính, Hội thảo đã được nghe tham luận về ứng dụng tin học trong giải quyết một số bài toán về tính toán trong nhà trường do đồng chí Ngô Thị Nhà trình bày và ứng dụng phần mềm Geoplan trong vẽ hình học phẳng, hình học không gian một cách chính xác do đồng chí Ngô Thị Tuyên trình bày. Đây là những ứng dụng thực tế, có ý nghĩa và cần được phổ biến rộng rãi hơn.
Phát biểu kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Danh Chiến đã hoan nghênh Tổ Toán-Tin học kịp thời tổ chức hội thảo với nhiều nội dung nhưng hết sức cần thiết, tham dự đông đủ và có nhiều ý kiến thảo luận. Đồng chí chỉ đạo các Tổ chuyên môn trong nhà trường tiến hành những hội thảo tương tự trong tháng 4, đặc biệt là tập trung vào xây dựng tiêu chí tiết dạy sát với yêu cầu của dạy học tích cực, làm tiêu chuẩn lên lớp đối với mỗi giáo viên từ năm học tới, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Về công tác xây dựng đề thi, đồng chí nhấn mạnh Nhà trường đang trang bị máy tính và phần mềm ngân hàng đề nhằm thực hiện mục tiêu của Chuyên môn là xây dựng ngân hàng đề thi phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, tránh những tác động chủ quan của giáo viên. Đồng chí yêu cầu mỗi đề thi phải được xây dựng đúng quy trình, có ma trận đề trước khi xây dựng nội dung đề, đảm bảo độ chính xác của kiến thức, trên cơ sở chuẩn kiến thức-kỹ năng do Bộ GD&ĐT quy định đối với từng bộ môn. Điều đó cũng sẽ giúp cho người nhập giữ liệu dễ dàng hơn và khi đề thi được xuất ra ngẫu nhiên sẽ vẫn đáp ứng yêu cầu theo ma trận đề và cấp độ tư duy. Về những nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, đồng chí khuyến khích các ý tưởng mới và chỉ rõ sự cận thiết phải có nhiều hội thảo tập huấn trong năm học tới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giáo viên cùng môn và giáo viên giữa các bộ môn khác nhau.
Chuyên môn nhà trường
Bình luận :