Ý nghĩa chuyến đi giao lưu, học tập thực tế tại Ninh Bình

Thực hiện kế hoạch chuyên môn của Trường THPT Cao Bá Quát-Quốc Oai, ngày 03 và 04 tháng 03 vừa qua, Nhà trường cùng Công đoàn Nhà trường đã tổ chức chuyến đi giao lưu chuyên môn và học tập thực tế lịch sử, văn hóa tại Ninh Bình cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Đây là chuyến đi rất ý nghĩa, để lại nhiều bài học và kinh nghiệm quý báu cho các thành viên tham dự.

Hành trình hơn 3 tiếng từ Quốc Oai-Hà Nội đến Hoa Lư-Ninh Bình dài hơn 120 km trong thời tiết mùa xuân có chút lạnh của mùa đông pha một chút hơi ẩm của mùa xuân tạo ra một ấn tượng khó quên đầu tiên đối với các thành viên trong đoàn trong buổi sáng 03/3/2012.

Đến Ninh Bình, đoàn đi thẳng đến Khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình – một danh thắng đang được làm hồ sơ trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xét công nhận là di sản thiên nhiên thế giới sẽ được, được ví như Vịnh Hạ Long trên cạn, bảo tàng địa chất ngoài trời, mang lại cho đoàn những hiểu biết rất hữu ích về tính chất nổi bật đại diện cho những giai đoạn quan trọng của lịch sử trái đất, các quá trình địa chất lớn đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, sự chứa đựng các hiện tượng thiên nhiên siêu việt, vẻ đẹp thiên nhiên khác thường, giá trị quan trọng về thẩm mỹ…


Buổi chiều cùng ngày, đoàn cũng đã đến thăm Khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính - một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á.


Đặc biệt nhất và là mục tiêu thứ nhất của chuyến đi là cuộc giao lưu chuyên môn với Trường THPT Đinh Tiên Hoàng của thành phố Ninh Bình – một ngôi trường hơn 15 tuổi nhưng có chất lượng giáo dục và giảng dạy hàng đầu của tỉnh Ninh Bình với nhiều thành tích cao, đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, đã được cấp chứng nhận đạt cấp độ 3 (cấp độ cao nhất sau khi được đánh giá ngoài).

Trường có nhiều giáo viên giỏi, nhiều học sinh giỏi và ngoan, tỷ lệ học sinh vào đại học cao luôn ở mức cao (năm 2011 đạt 67,5%), đã có hàng trăm học sinh đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, có một số học sinh đạt giải HS giỏi quốc gia, việc dạy của thầy và học của trò rất nề nếp và hiệu quả, v.v.



Tại đây, đoàn đã được nghe lãnh đạo nhà trường giới thiệu về trường, tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin bổ ích về công tác quản lý, tổ chức, giảng dạy và giáo dục học sinh, thăm Phòng Truyền thống và cơ sở vật chất của trường.



Sau
cuộc giao lưu, đoàn đã đến dâng hương tại Cố đô Hoa Lư - quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử Việt Nam, cảm phục trước kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với nhiều  dấu ấn lịch sử, phát tích quá trình định đô Hà Nội, gắn liền với năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội) và từ đó Hoa Lư trở thành Cố đô.


Chuyến giao lưu
càng thêm ý nghĩa bởi trên đường về Hà Nội, đoàn đã ghé thăm và thắp hương tại Đền Trần (Trần Miếu) tại TP Nam Định - di tích thờ các vị vua nhà Trần (hoặc Trần Hưng Đạo), gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa; nơi có lễ hội độc đáo mở đầu bằng lễ khai ấn.

Nhiều ấn tượng, nhiều cảm xúc, nhiều bài học và được mở mang hiểu biết thực tế là cảm nhận chung của hầu hết các thành viên trong đoàn, tạo niềm tin cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên Nhà trường hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn của năm học 2011-2012 này.

Danh Chiến

Bình luận :