Văn hóa mạng

 Sáng ngày 29/2/2016  nhà trường phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức buổi ngoại khóa đầu tuần cho học sinh với chủ đề: Văn hóa mạng - Những mặt tích cực và hạn chế của học sinh hiện nay khi sử dụng mạng xã hội”. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm, “ nóng” và hết sức thiết thực đối với học sinh toàn trường. Tham dự buổi ngoại khóa có các em học sinh toàn trường và các thầy cô giáo chủ nhiệm.  Trong buổi ngoại khóa, cô giáo Nguyễn Thị An Thái- Phó bí thư Đoàn trường với vốn hiểu biết phong phú, cùng với sự nhiệt tình, tâm huyết và năng lực sư phạm đã tâm tình, trao đổi hết sức  sâu sắc mà gần gũi, cởi mở với các em học sinh .

     Trước hết cô đã nêu được thực trạng của việc sử dụng mạng xã hội đã trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với giới trẻ, đặc biệt là sự phát triển của các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, nó cũng là con dao hai lưỡi nếu như không kiểm soát và để giới trẻ sa vào những cái không hay

        Cô Thái đã chia sẻ: Tại Việt Nam, mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook, với khoảng 12 triệu người sử dụng, bên cạnh hàng trăm mạng, diễn đàn xã hội khác. Phải thừa nhận rằng, Facebook có rất nhiều tiện ích, nhất là sự kết nối thông tin và những ứng dụng giải trí thú vị. Nếu sử dụng đúng mục đích và ở chừng mực phù hợp, mạng xã hội này sẽ là công cụ hữu hiệu cho những công dân hiện đại ưa chuộng công nghệ.

Thông tin bổ ích cũng nhiều và thông tin tiêu cực cũng không phải ít và thật khó kiểm soát. Rất nhiều người đã không thể cưỡng nổi sự lôi cuốn như mê hoặc của Facebook. Và học sinh trường THPT Cao Bá Quát- Quốc Oai cũng không nằm ngoài thực trạng trên.

Vào Facebook dần trở thành một thói quen khó từ bỏ, không ít người bị “nghiện” lúc nào không biết... Bên cạnh tính tiện ích, thì việc không thể kiểm soát thông tin, hoặc đua theo những trào lưu vô cảm, đang biến các trang mạng xã hội thành những cái bẫy nguy hiểm cho người sử dụng. Xa rời đời sống thực, hết đưa những hình ảnh phản cảm khoe thân, khoe của rồi đến chửi bới người thân, văng tục, có khi còn nói xấu cả cha mẹ, thầy cô, bạn bè... có lúc lại là nguyên nhân của các cuộc ẩu đả giữa các nhóm học sinh với nhau.  Đó là thực trạng đáng lo ngại của các trang mạng xã hội hiện nay.

Thực tế hiện nay có rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để xả stress, để soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi có phần tầm thường và ít va chạm xã hội, hoặc có định kiến với xã hội của mình. Sự nhanh chóng của Facebook, với việc có thể đưa lên ngay lập tức theo thời gian thực một quan điểm, càng khiến họ trở nên thiếu suy nghĩ, càng bộc lộ sự thiếu chín chắn của mình. Do sức lan tỏa của mạng nhanh tới mức chóng mặt, nên rất nhiều người bị cuốn hút vào một sự việc, rồi không ngần ngại đưa ra những bình luận (cả đúng, cả sai). Thật đáng lo ngại, rất nhiều người mượn Facebook để đưa ra quan điểm cá nhân, cái tôi cục bộ, nói xấu người khác, thậm chí còn lợi dụng diễn đàn này để bôi xấu chế độ.

Tư duy sai lầm khi cho rằng đây chỉ là thế giới ảo, cho nên có thể nói gì, làm gì cũng được mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do những lời mình viết lên sau bàn phím, đã tạo ra một sự dễ dãi trong cách hành xử với nhau trên mạng. Khi các mạng xã hội, mà ở đây là Facebook, được sử dụng để truyền tải những nội dung và quan điểm lệch lạc, dễ dãi, thiếu trách nhiệm với xã hội và cộng đồng, nó trở thành một công cụ nguy hiểm khi nằm trong tay của một số đông cùng “sở thích”. Tâm lí đám đông, hiếu kì cùng với suy nghĩ thiếu chín chắn đã tạo ra những làn sóng ập lên những “nạn nhân” không cùng sở thích, suy nghĩ với họ. Thật nguy hại khi số đông đã bám lấy những hình ảnh, những thông tin chưa qua kiểm chứng để quy chụp, thậm chí bình luận bằng những lời lẽ vô cảm, thiếu văn hóa.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là những hệ lụy từ việc quá lạm dụng mạng xã hội. Không ít người, nhất là giới trẻ do bị cuốn sâu vào mạng xã hội mà quên đi cuộc sống thật của mình, tìm thú vui qua những dòng bình luận, thích thú khi được nhiều người “like”. Những nội dung độc hại, khó kiểm soát đã tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lí, hành vi của một bộ phận nhân dân, đặc biệtt là học sinh; làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Qua buổi ngoại khóa Văn hóa mạng, các em học sinh nhà trường đã hiểu rõ hơn về những mặt tích cực và hạn chế  của mạng xã hội ( mạng xã hội được biết đến và sử dụng phổ biến nhất hiện nay là Facebook),  đồng  thời các em cũng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân khi sử dụng mạng xã hội.

                                                    Nguyễn Thị Huệ, P.HT

Bình luận :