Vai trò bộ môn lịch sử ở trường phổ thông với vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:

 “Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Những lời thơ giản dị ấy là lời nhắn nhủ thâm tình của Người đối với mỗi con dân Việt Nam về trách nhiệm cần phải tìm hiểu lịch sử để hiểu rõ về “ gốc tích”- lịch sử của nước nhà, về quá trình hình thành, phát sinh, phát triển của dân tộc, về truyền thống hào hùng trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta.

Sử học hay khoa học lịch sử là một trong những ngành khoa học xuất hiện sớm giúp cho con người nhận thức và cải tạo thế giới khách quan. Tri thức lịch sử giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về bản sắc và cội nguồn của các nhân, cộng đồng trong mọi thời đại, là cơ sở để con người hiểu chính mình và thế giới. Đây chính là nền tảng để tồn tại, giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa cộng đồng và chung sống trong một thế giới đa dạng. Lịch sử sẽ giúp cho thế hệ hiện tại và tương lai tiếp cận chân lý một cách nhanh nhất và hành động một cách hiệu quả nhất. Chúng ta không thể hình dung được sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người nếu bị tách ra khỏi quá khứ hoặc sống trong một quá khứ mịt mù.

Tất cả giá trị lịch sử, văn hóa của người Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước thường được đúc kết bằng những trang sử, đặc biệt là chủ nghĩa yêu nước và truyền thống chống ngoại xâm hào hùng, bất khuất của dân tộc ta. Từ việc nhận thức đúng vị trí và vai trò của khoa học lịch sử cho thấy việc dạy sử, học sử là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia, cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi mặt trái nền kinh tế thị trường cùng những tác động của lối sống thực dụng, ham hưởng thụ đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ và việc các thế lực thù địch luôn tìm cách “tấn công” vào đối tượng thanh niên và xuyên tạc lịch sử thì việc giáo dục lịch sử càng trở lên quan trọng hơn bao giờ hết.

Như chúng ta đều biết, giai đoạn lứa tuổi học sinh THPT là thời kì quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách, thế giới quan, nhân sinh quan của các em. Học lịch sử để có một thế giới quan đúng đắn, hiểu được mỗi bước đi của dân tộc để không chỉ tôn vinh những thế hệ người Việt Nam đã làm nên cơ đồ đó, mà còn biết ứng xử, dự báo để có cuộc sống bình yên, đặc biệt trong bối cảnh có rất nhiều thách thức như ngày nay

 Để sản phẩm của quá trình giáo dục đạt kết quả cao nhất là định hướng người học tiếp cận được với chân- thiện-mĩ; bồi dưỡng và phát triển được những phẩm chất năng lực của học sinh đòi hỏi sự giáo dục là toàn diện với những cách thức tiếp cận mới có tính khoa học và thực tiễn. Dù là chương trình giáo dục cũ hay chương trình giáo dục phổ thông mới thì những phẩm chất hướng đến của người học là yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Có thể nói, môn Lịch sử có thế mạnh, chức năng rõ nét trong việc giáo dục lòng yêu nước, định hướng trách nhiệm của cá nhân đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc trong hiện tại và tương lai.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, với việc Lịch sử đã trở thành môn học bắt buộc đã khẳng định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy-học môn Lịch sử. Không chỉ cung cấp cho học sinh kiến thức mà quan trọng là mang lại cho các em phương pháp đúng đắn để nhận thức quy luật phát triển của quá khứ và hiện tại, lịch sử thực sự là "bài học kinh nghiệm" cho thế hệ sau khi tìm hiểu về lịch sử dân tộc của cha công trong quá trình dựng nước và giữ nước. Từ thực tiễn của lịch sử chỉ ra con đường dân tộc ta đã đi qua những bước thăng trầm như thế nào, có cạm bẫy gì, có những dấu mốc quan trọng ra sao, nguyên nhân nào để có được thắng lợi đó… để thế hệ sau cảnh giác và không lặp lại sai lầm của người đi trước. Các em học sinh hình thành tri thức từ “biết” đến “hiểu”, từ hiểu lại càng trân trọng, tự hào về những chặng đường lịch sử dân tộc, khâm phục những tấm gương anh dũng, bất khuất của các bậc tiền nhân. Nhờ vậy thế hệ sau sẽ nhận thức được quy luật phát triển và tìm ra con đường phát triển phù hợp với thời đại mình đúng như nhận định Lịch sử là tấm gương phản chiếu quá khứ để hiểu hiện tại và tiên đoán tương lai.

Cuộc cách mạng khoa học-công nghệ hiện nay, nhất là công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, các thế lực thù địch đang lợi dụng những phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet, thông qua các trang mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen, bóp méo lịch sử dân tộc, phủ nhận giá trị của những sự kiện, nhân vật lịch sử đích thực trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Thủ đoạn của chúng là triệt để khai thác, cắt xén, nhào nặn những thông tin sai sự thật, không được kiểm chứng, làm cho thật-giả lẫn lộn, tạo ra sự tò mò, hoài nghi trong dư luận.

Thậm chí chúng còn đòi “nhận thức lại lịch sử” và “xét lại lịch sử”. Đối tượng chủ yếu mà chúng nhắm đến là thế hệ trẻ. Vì vậy, giáo dục lịch sử dân tộc ở bậc học phổ thông lại càng quan trọng khi định hướng cho học sinh nhận thức đúng hiện thực lịch sử để có cái nhìn khách quan với các sự kiện, hiện tượng lịch sử và vai trò của những người thầy, người cô trong quá trình dạy học đóng vai trò không nhỏ.

Học sinh cần được tiếp cận môn học bằng phương pháp, tư duy khoa học lịch sử sao cho các bài học trở nên dễ nhớ, dễ hiểu, đi vào trọng tâm, làm rõ ý nghĩa của các sự kiện lịch sử... thành các bài học để bồi dưỡng nhân cách, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương cho học sinh. Đổi mới phương pháp dạy-học môn Lịch sử và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử là một yêu cầu mới là cấp thiết . Người thầy sẽ hỗ trợ học sinh hiểu và đánh giá đúng ý nghĩa, giá trị của các sự kiện lịch sử đối với tiến trình phát triển của một đất nước, một dân tộc. Và làm sao để học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu rõ để không “ quay lưng lại với bộ môn lịch sử” “không quay lưng với lịch sử dân tộc” bởi đó sẽ là một bi kịch của tương lai. Và bởi lẽ con đường ngắn nhất để phá hủy một quốc gia chỉ cần khiến cho quốc gia đó quay lưng lại với lịch sử của dân tộc mình. Cũng như cái cây không có cội nguồn, gốc rễ; con người không cần biết đến tổ tông...

Vậy làm thế nào để khơi gợi được sự hứng thú, tìm tòi, say mê tìm hiểu về lịch sử đối với các bạn trẻ chúng ta cần có được sự phối hợp nhịp nhàng của 3 chủ thể: các cơ quan quản lý Nhà nước ( Bộ Giáo dục và Đào tạo), người dạy và người học. Ơ đây tôi chỉ xin đề cập đến việc dạy và học lịch sử. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, người thầy cần phải tự giác học tập và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị. Có thể nói đây là điều quan trọng nhất. Vì người thầy dạy lịch sử mà không giữ vững được lập trường chính trị thì rất dễ dao động và bị trở thành đối tượng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” dưới tác động của các thế lực thù địch. Và thực tế cho thấy đã xuất hiện những người đã từng học tập, nghiên cứu về lịch sử, giờ đây lại muốn “ xét lại lịch sử”. Lập trường vững vàng mới có thể đủ bản lĩnh, lí luận để phản bác lại những quan điểm sai trái, quan điểm “giả danh khoa học lịch sử” và cung cấp thông tin và cái nhìn đa chiều cho học sinh trong quá trình giảng dạy.

Người thầy trong thời kì mới cần cập nhật thông tin, ứng dụng công nghệ và phương tiện dạy học đặc thù để giúp người học tiếp cận được gần nhất hiện thực lịch sử. Tri thức về lịch sử biến đổi và phát triển không ngừng, gắn liền với sự xuất hiện của các nguồn sử liệu mới, những quan điểm và nhận thức mới, lĩnh vực nghiên cứu mới...Do đó, người giáo viên cần tiếp cận với nguồn thông tin tin cậy về quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về những vấn đề mới, tỉnh táo để nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực giáo dục, đối với thanh niên...để định hướng học sinh biết đến những “cạm bẫy”, “chiêu trò” của chúng.

Trên con đường hình thành tri thức lịch sử: từ trực quan sinh động đến tư duy trìu tượng, từ tư duy trìu tượng đến thực tiễn người thầy có thể tìm ra những phương pháp dạy học phù hợp để học sinh biết, hiểu và yêu lịch sử. Ví dụ như qua thước phim tài liệu, phim lịch sử có hội đồng uy tín thẩm định, sân khấu hóa lịch sử... Có lẽ con đường gần nhất là dạy cho học sinh cách người thầy yêu lịch sử như thế nào, bài học thực tiễn rút ra cho bản thân ra sao với cách thức truyền đạt giản dị và gần gũi nhất. Nói cách khác đó là truyền ngọn lửa đam mê của thầy sang trò.

Bên cạnh đó, người học cần hiểu rõ vai trò của môn Lịch sử. Từ nhận thức việc quan trọng và cần thiết học tập Lịch sử, học sinh sẽ chủ động, sáng tạo và linh hoạt hơn trong việc học tập và chiếm lĩnh tri thức. Các con sẽ chủ động trong hoạt động học dưới sự hướng dẫn của thầy cô, chủ động tìm tòi những tri thức thông qua các kênh thông tin khác nhau, chủ động rèn luyện tư duy phản biện trong lịch sử khi đứng ở các góc độ khác nhau để nhận thức lịch sử...

Với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao thăng trầm. Các thế lực xâm lược nước ta đã dùng trăm phương, nghìn kế để xóa bỏ lịch sử và văn hóa dân tộc ta, hòng đồng hóa dân tộc nhưng chúng đều thất bại. Điểm cốt lõi nhất để chúng ta giữ được độc lập, chủ quyền và thành tựu như ngày hôm nay chính là niềm tự hào dân tộc, là lòng yêu nước hay còn gọi là chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam. Ngay cả khi bị phong kiến phương Bắc đô hộ suốt hơn một nghìn năm, điều họ không thể đồng hóa được chính là cốt cách văn hóa, tình yêu đất nước, chủ nghĩa dân tộc hết sức chính đáng của chúng ta. Việc dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông góp phần không nhỏ để thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc, phát huy bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam trong thời đại mới, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng tưởng của Đảng – kim chỉ nam xuyên suốt cho những thắng lợi cách mạng nước ta dưới thời đại Hồ Chí Minh.

Người viết: Nguyễn Thị Thắm
Duyệt: NTH

Bình luận :