Tuyên truyền về phòng chống pháo nổ trong dịp tết nguyên đán

Trong những năm qua, các hành vi về sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo, vũ khí, vật liệu nổ trong dịp trước, trong và sau tết đã ảnh hưởng xấu đến đời sống và trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê hàng năm vẫn có nhiều vụ cháy nổ và nhiều người bị thương do pháo và thuốc pháo gây ra. Ngoài việc  gây tổn thất về người, thương vong, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, việc đốt pháo còn gây tổn thất nhiều tỉ đồng.
Chính vì những tác hại trên, ở nước ta đã có những quy định cấm đốt pháo và đã được đại đa số nhân dân, ủng hộ đồng tình tự giác thực hiện. Năm 1994 Thủ tướng chính phủ đã có chỉ thị 406/CT/TTg ngày 08/08/1994 “Về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo”. Năm 2009, ban hành Nghị định 36/2009/NĐ-CP 15/04/2009 “Về quản lý, sử dụng pháo”, đến ngày 27/11/2020 Chính phủ ban hành NĐ 137/2020/NĐ- CP thay thế NĐ 36. NĐ 137/2020/NĐ-CP đã có một số điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý Nhà nước và đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm về pháo.

Bắt đầu từ ngày 11/01/2021, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Theo đó, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP (Nghị định 137) quy định nhiều điểm mới phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo. Việc sử dụng pháo phải tuân thủ những điều kiện, quy định ra sao; các loại pháo nào được phép sử dụng đang là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.

Để đón cái Tết vui tươi, hạnh phúc và đảm bảo an toàn, người dân cần hiểu đúng, hiểu rõ Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nghị định mới nghiêm cấm người dân mua bán và sử dụng pháo hoa nổ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một bộ phận người dân vẫn hiểu nhầm loại “pháo hoa” mà Chính phủ cho phép sử dụng thành “pháo hoa nổ”, dẫn đến những vi phạm xảy ra.

 Trước hết, phải phân biệt rõ pháo bao gồm: pháo hoa và pháo nổ. Trong đó, pháo hoa là loại pháo được Chính phủ cho phép sử dụng, được hiểu là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, không chứa thuốc pháo nổ, khi đốt chỉ phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Pháo hoa thường được bán trong các tiệm bánh sinh nhật hoặc sử dụng để phát sáng trong đám cưới, hội nghị, gồm các loại như: que khi đốt phát ra các tia sáng, nến khi châm lửa phụt ra các loại tia sáng đủ màu sắc. Loại pháo hoa nói trên chỉ bán tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa (bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường)…

Như vậy, pháo hoa mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng là loại pháo được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian, không gây ra tiếng nổ (điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137 quy định).
Đối với loại pháo này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng theo quy định tại Điều 14 Nghị định 137.
     Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Trường hợp nếu đốt pháo tại nơi công cộng mà gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015.

Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ (điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 137 quy định). Khoản 1 Điều 5 của Nghị định 137 cũng đã nghiêm cấm việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ. Do đó, người dân cần phân biệt rõ giữa pháo hoa và pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật.

 
Ảnh: (Nguồn Internet)

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng cần lưu ý về điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, Nghị định 137 đã quy định rõ: Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất pháo hoa, thuốc pháo hoa thì được phép thực hiện việc nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, thuốc pháo hoa; phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường; bảo đảm kho, phương tiện vận chuyển, thiết bị, phương tiện phù hợp, người quản lý, người phục vụ có liên quan phải được huấn luyện về kỹ thuật an toàn; kinh doanh pháo hoa phải bảo đảm chất lượng, quy chuẩn và các điều kiện khác theo quy định...

Các hành vi vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Mức tiền phạt thấp nhất là 500.000 đồng, mức tối đa là 40.000.000 đồng, cụ thể:
- Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;
- Sử dụng các loại pháo mà không được phép bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
-  Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Bên cạnh bị phạt tiền, toàn bộ số pháo là tang vật sẽ bị tịch thu theo quy định.
Đặc biệt, nếu đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra. Các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể sẽ bị xử lý hình sự theo các tội quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015...

Để đón một cái tết bình yên và hạnh phúc bên gia đình, mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên và toàn thể học sinh trường THPT Cao Bá Quát- Quốc Oai nói không với các vi phạm pháp luật, trong công tác phòng chống cháy nổ trong dịp Tết. Đặc biệt mỗi cá nhân cần thực hiện nghiêm túc NĐ 137/2020/NĐ- CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo./.

Người tuyên truyền: Nguyễn Thị Thanh Hải
Người duyệt: NTH

 

Bình luận :