Tuyên truyền về biển đảo Việt Nam

Biển Đông là một biển tương đối kín, nằm ở rìa phía Tây Thái Bình Dương với diện tích 3,447 triệu km2 . Biển Đông tiếp giáp với 9 quốc gia và có vị trí chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương nói riêng và nhiều quốc gia khác trên thế giới

        Vùng biển thuộc chủ quyền nước ta rộng khoảng 1 triệu km2 và bao gồm 5 bộ phận: nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo luật pháp Quốc tế về biển, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc và luật biển năm 1982 cùng các tuyên bố, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước được ban hành trong mấy chục năm qua Việt Nam có chủ quyền và quyền tài phán đối với những vùng biển và hải đảo của mình với các chế độ pháp lý khác nhau.

          Các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia ven biển gồm vùng nội thủy và lãnh hải:

      - “Nội thủy” (còn gọi “vùng nước nội địa”) là vùng nước nằm phía bên trong đường cơ sở. Ngày 12/11/1982 Chính phủ nước ta đã ra tuyên bố quy định đường cơ sở ven bờ biển để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Vùng nội thủy được xem như bộ phận lãnh thổ trên đất liền.

     - “Lãnh hải” là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia trên biển rộng.Theo công ước quốc tế về Luật biển 1982 tại Điều 3 Công ước nêu rõ: “Mỗi quốc gia có quyền định chiều rộng của lãnh hải đến một giới hạn không quá 12 hải lý từ đường cơ sở được xác định phù hợp với công ước này”. Ngày 12/5/1977 Chính phủ nước  Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam  đã ra tuyên bố: “Lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở”.

       Các vùng biển quốc gia ven biển có quyền và quyền tài phán gồm vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

     - Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển được quy định nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chủ quyền của nước ven biển. Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 12-5-1977 cũng nêu rõ: “Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài của lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam”.

         -Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm ở ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có phạm vi rộng không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Như vậy phạm vi lãnh hải rộng 12 hải lý bên trong vùng đặc quyền kinh tế nên chiều rộng riêng của vùng đặc quyền kinh tế là 188 hải lý. Vùng đặc quyền kinh tế bao gộp trong nó cả vùng tiếp giáp lãnh hải. Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng đặc thù trong đó quốc gia ven biển thực hiện thẩm quyền riêng biệt của mình nhằm mục đích kinh tế được Công ước về Luật biển 1982 quy định.

            - Thềm lục địa:là phần ngầm dưới biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần lục địa kéo dài, mở rộng ra ngoài lãnh hải cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, có độ sâu khoảng 200m hoặc hơn nữa. Nhà nước ta có chủ quyền hoàn toàn về thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam.

          
Sơ đồ các vùng biển và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

             Nước ta có đường bờ biển dài 3260km ( kéo dài từ Móng Cái đến Kiên Giang), có 28 tỉnh, thành phố giáp biển, với hơn 4000 hòn đảo lớn nhỏ và 2 quần đảo xa bờ Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với Việt Nam, biển đảo đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Nó là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc như ông cha ta thường nói “ Đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Chủ quyền trên biển đã được ông cha ta khẳng định cách đây hàng trăm năm. Đó là sự thật không thể bàn cãi. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ luôn là trách nhiệm lớn lao không của riêng ai trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó ”

           Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã từ lâu là những phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam “ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Đây là điều hiển nhiên không chỉ trong suy nghĩ, lời nói và hành động của mỗi người dân Việt Nam mà đã được Quốc tế công nhận. Những cứ liệu lịch sử đã khẳng định từ bao đời nay do vậy Hoàng Sa, Trường Sa luôn là máu thịt, là một phần không thể tách rời của cơ thể Việt Nam chúng ta. Để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biết bao nhiêu chiến sỹ đã ngã xuống để giữ vững biển trời, giữ màu xanh yêu thương của biển. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết trong bài thơ Sao chiến thắng:

“Ôi Tổ quốc! ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc! nếu cần ta sẽ chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, dòng sông.”

           Hai tiếng “Tổ Quốc” khi cất lên trong tim mỗi người dân Việt Nam thật thiêng liêng và mang sức mạnh lạ thường. Để giữ được phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc biết bao nhiêu chiến sỹ đã chiến đấu quên mình để bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng. Tuổi xuân của các anh đã hiến dâng cho đất nước, những tấm lòng ấy, tinh thần bất khuất ấy mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.

         Không chỉ những chiến sỹ Hải quân mà cả những cư dân ven biển, những người lao động bình dị cũng luôn là những tấm gương sáng về tinh thần dân tộc. Họ đã dũng cảm vươn khơi bám biển trước những khó khăn của thời tiết, thiếu thốn về vật chất. Họ vươn khơi bám biển không chỉ để khai thác tài nguyên từ biển, làm giàu cho quê hương đất nước mà quan trọng hơn là để bảo vệ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

         Trong lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển đất nước và con người Việt nam, nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển KT - XH, bảo đảm an ninh quốc phòng. Vì vậy Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển, đảo cũng như việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

         Đại hội XIII đã khẳng định, chúng ta đã: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên biển, trên không và trên bộ; hợp tác quốc tế về biển, đảo được tăng cường, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy quan hệ với các nước”

           Việc phát triển kinh tế biển- đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển- đảo  của nước ta trong thời gian vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo, trong đó, một lần nữa khẳng định vị trí và tầm quan trọng trong phát triển kinh tế biển- đảo, đồng thời, nhấn mạnh nhiệm vụ phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

           Việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào, là quyền lợi và trách nhiệm cao cả, thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam yêu nước đối với các thế hệ tiền nhân, đối với lịch sử truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để nhân dân ta an tâm sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; là điều kiện để phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đó là ý chí quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta

        Nhằm phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta; thực hiện tốt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp. Tập thể CBGV, NV và HS trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai hãy luôn tự hào về truyền thống mà ông cha ta để lại, mãi nhớ ơn các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm túc các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ra sức thi đua học tập tốt, lao động động tốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao nhằm góp phần chung tay xây dựng và phát triển nước ta ngày càng giàu mạnh hơn, Sẵn sàng chung tay chia sẻ những khó khăn với các cư dân ven viển khi gặp thiên tai., tích cực tham gia các phong trào ủng hộ “Vì biển, đảo Việt Nam”;  “Vì Trường Sa- Hoàng Sa thân yêu” ; “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” ,“Cả nước vì Trường Sa”,…Hãy luôn là những sứ mệnh làm cầu nối truyển tải những tình cảm chân thành của người dân đất liền tới các chiến sỹ nơi đảo xa đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Nguyện hướng trọn trái tim mình về biển đảo để lắng nghe “ Tổ Quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá”./.

Thực hiện : Tống Thị Hà
Duyệt bài: NTH

Bình luận :