Tuyên truyền, phổ biến bộ luật Hình sự - Chuyên đề phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh THPT
Việt Nam, bạo lực học đường đang trở thành mối lo của cha mẹ học sinh, ngành Giáo dục và toàn xã hội. Hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang đưa tin rất nhiều về tình trạng bạo lực học đường và đã gây ra nhiều tranh cãi về hành vi cũng như vượt quá những chuẩn mực về đạo đức, thậm chí còn vi phạm pháp lý và để lại những dư luận xấu trong toàn xã hội, về sự xuống cấp đạo đức cũng như vi phạm về pháp luật và bộc bộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng vi phạm pháp luật hình sự.
Bạo lực học đường là một thuật ngữ chỉ những hành vi bạo lực diễn ra trong môi trường học đường, là hệ thống xâu chuỗi lời nói, hành vi mang tính miệt thị, đe dọa, khủng bố người khác, để lại thương tích trên cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong.
Tính từ ngày 01/9/2021 cho đến ngày 05/11/2023 cả nước có xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, bình quân 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra 1 vụ bạo lực học đường trong số đó có 854 học sinh là nữ.( Chất vấn bộ trưởng GD ngày 07/11/2023).
Bạo hành học đường cũng tồn tại ở rất nhiều hình thức khác nhau tùy vào nhiều nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Bao gồm:
- Bạo lực về thể chất: Đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, trấn lột, đổ đồ ăn lên người…
- Bạo lực bằng lời nói: Xúc phạm, bôi nhọ, sỉ nhục, bắt người khác làm theo ý mình.
- Bạo lực xã hội: Phân biệt đối xử, cô lập, tẩy chay, nói xấu, bêu rếu xung quanh hay thậm chí là trên mạng xã hội.
- Bạo lực điện tử: Uy hiếp bằng các phương tiện điện tử như gọi điện, nhắn tin, đe dọa và bêu rếu người nào đó trên mạng xã hội.
Về nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, Bộ trưởng cho biết, về phía ngành Giáo dục, trách nhiệm trong phát hiện, xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực học đường chủ yếu vẫn được giao cho giáo viên, kiêm các công việc như tư vấn tâm lý. Hiệu trưởng cũng như giáo viên khi phát hiện tình huống dẫn đến bạo lực học đường vẫn còn lúng túng về kỹ năng xử lý. Ngoài ra, qua quá trình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, học sinh học trực tuyến lâu dẫn đến những vấn đề về tâm lý, bên cạnh những vấn đề về tâm lý lứa tuổi. Đáng chú ý, Bộ trưởng dẫn thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao, 220 nghìn vụ ly hôn hằng năm có đến 70-80% là có lý do liên quan đến xung đột, bạo lực gia đình."Số học sinh có bối cảnh bạo lực gia đình liên quan đến bạo lực học đường có tỷ lệ rất lớn”..
Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 1999 (văn bản mới nhất: bộ luật hình sự năm 2015) thì:
“Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Hành vi này có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 Bộ luật này:
"Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
- Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
- Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
- Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;”
Ngoài ra, cũng có thể thuộc tội làm nhục người khác:
"Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm” (Điều 121)
Áp dụng biện pháp xử phạt hành chính:
"Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý” (Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012) với hình thức Cảnh cáo "Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện” (Điều 22 Luật này).
Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần như: "Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình” ( Điều 586 Bộ luật dân sự 2015).
Việc giáo dục cho mỗi học sinh có nhận thức đúng đắn về pháp luật, đồng thời biết kiểm soát hành vi của mình, đặc biệt mong muốn mỗi học sinh biết lựa chọn và xử lí các tình huống học đường một cách thông minh, đúng pháp luật để “Nói không” với bạo lực học đường./.
Thực hiện: Nguyễn Thị Thanh Hải
Duyệt bài: NTH
Bình luận :