Tuyên truyền Bộ luật hình sự về Tội đánh bạc và Trộm cắp tài sản.

Thực hiện kế hoạch tháng 3 về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của trường THPT Cao Bá Quát-Quốc Oai. Ban tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tuyên truyền đến các thầy cô và các em học sinh một số nội dung trong Bộ luật hình sự về tội đánh bạc và trộm cắp tài sản.

Với mục đích ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của học sinh cũng như trang bị cho các em những kiến thức cần thiết về Luật Hình sự. Sau đây là một số quy định liên quan đến Tội đánh bạc và Trộm cắp tài sản:


Hình thức đánh bạc

I.Tội đánh bạc

Đánh bạc trực tiếp xâm hại đến trật tự công cộng, gây ra những thiệt hại nặng nề về cả vật chất và tinh thần cho gia đình người phạm tội lẫn bản thân những người đó, là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm khác như cướp, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người... đánh bạc cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm, hạnh phúc gia đình, làm cho nhiều gia đình đứng trên bờ vực đỗ vỡ hạnh phúc, dẫn đến cảnh bạo lực gia đình, vợ chồng ly hôn, con cái bơ vơ lang thang trộm cắp, cướp giật. Theo nghiên cứu dưới góc độ tội phạm học cho thấy, tệ nạn cờ bạc là một trong những con đường ngắn nhất dẫn đến những tệ nạn khác như nghiện hút, mại dâm, côn đồ càn quấy gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và gây ra những hậu quả xã hội khác hết sức nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của nhân dân, làm tha hóa đạo đức của một bộ phận dân cư, gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần cho nhiều gia đình và là nguyên nhân gây ra nhiều loại tội, tệ nạn xã hội khác.  

Đối với học sinh, đánh bạc khiến mất tiền, ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng học hành, dẫn đến các tệ nạn xã hội khác và có thể  đi vào con đường tù tội. Ngày nay còn có nhiều hình thức như đánh bạc qua mạng, lô, đề, game tài xỉu... thu hút lôi kéo nhiều học sinh sa vào cạm bẫy.

Căn cứ theo điều 321,Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội đánh bạc, về tội này hành vi đánh bạc thắng thua bằng tiền mà có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:

Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua thắng bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.


Cách phòng chống trộm hiệu quả

 II. Trộm cắp tài sản

Trộm cắp tài sản gây hậu quả  từ vừa đến nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe thậm chí gây chết cho người bị hại nhằm tẩu thoát hoặc bịt đầu mối của tội phạm. Ngoài ra, còn những thiệt hại phi vật chất cũng cần được xác định để đánh giá hậu quả do hành vi trộm cắp tài sản gây ra, như: ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho nhiều người trên một địa bàn nhất định.   

Đối với học sinh, trộm cắp khiến làm tha hóa nhân cách, ảnh hưởng tâm lý (hoang mang lo lắng, lén lút...) trộm cắp nên có tiền tiêu pha hoang phí, ăn chơi đua đòi, học hành sa sút, dẫn đến các tệ nạn xã hội khác và có thể  đi vào con đường tù tội.

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."

Đánh bạc và trộm cắp là tệ nạn xã hội, là một hiện tượng xã hội tiêu cực, biểu hiện bằng những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả xấu đời sống xã hội, là những thói hư, tật xấu, coi thường các chuẩn mực đạo đức, xã hội và pháp luật, làm tha hóa các giá trị tốt đẹp của phong tục tập quán, văn hóa, phá vỡ tình cảm, hạnh phúc gia đình, phá hoại nhân cách, phẩm giá con người, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, sức khoẻ, giống nòi dân tộc… là con đường nhanh nhất dẫn đến tội phạm.

Các em học sinh là chủ nhân tương lai của đất nước cần phải cảnh giác, hết sức thận trọng và đủ tỉnh táo để đưa ra những biện pháp đấu tranh, phòng chống có hiệu quả tệ nạn cờ bạc, trộm cắp, tránh xa tệ nạn và chung tay góp phần đẩy lùi tệ nạn trong xã hội, vì cuộc sống tươi đẹp, đất nước văn minh, nhân dân ấm no hạnh phúc./.

Người tuyên truyền: Nguyễn Thị Huệ

Bình luận :