Thư gửi Bác! Nhân kỷ niệm mừng 132 năm ngày sinh nhật Bác Hồ.

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2022

Bác kính yêu!

Mới hôm nào, trên cành cây những nụ hoa còn e ấp thẹn thùng thì sáng nay cái sắc tím biếc dịu dàng của bằng lăng đã nhuộm cả một góc trời. Vậy là tháng 5 đã đến, mang theo cái mùi thơm nắng cũ và sự rộn ràng của tiếng mưa. Bầu không khí đầy xao xuyến và hoài niệm ấy như đang nhắc nhở con người ta về một ngày thật đặc biệt của tháng 5 – ngày sinh nhật Bác – vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Còn nhớ thuở tấm bé, khi mà cháu còn chẳng thể hiểu được thế nào là tình yêu Tổ quốc thế nhưng hình ảnh một ông cụ với râu tóc pha sương, đôi mắt biết nói và nụ cười phúc hậu đã in sâu trong tâm trí non nớt của đứa bé ấy qua bức ảnh sờn màu treo trên bảng, qua tấm bìa tập vở ghi và qua cả những bài thơ mà cả lớp ê a đọc mỗi giờ truy bài:

“Đêm nay bên bến Ô Lâu
Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ
Nhớ hình Bác giữa bóng cờ
Hồng hào đôi má bạc phơ mái đầu”


Học sinh 11D5 trang trí bảng tin mừng sinh nhật Bác.

Cháu nhớ như in cái lần xem được thước phim về những ngày cuối đời của Bác, cháu đã khóc nấc lên vì thương tiếc để rồi từ đó nhen nhóm một tình yêu quê hương, đất nước thật đặc biệt. Sau này khi gặp Bác trong những trang sử hào hùng và những thi phẩm văn chương, cháu mới chợt nhận ra Bác chưa bao giờ “mất” cả. Cháu thấy Bác trong cái nắng sớm dịu dàng, trong cánh đồng mùa gặt và con đường đến trường. Bác có trên nụ cười của người nông dân và đôi mắt trong veo của những đứa trẻ. Bác còn có ở dòng máu nóng và trái tim đang thổn thức đập từng nhịp đập yêu thương trong lồng ngực của mỗi người dân Việt. Hóa ra Bác chẳng “mất” đi đâu cả mà chỉ đơn giản là hòa mình vào non sông gấm vóc, vào từng tấc đất, mảnh hồn Việt Nam.

  Sáng nay, bà ngồi khâu lại chiếc áo cũ bên cửa sổ, cháu lại gặp Bác trong hình ảnh giản dị, tiết kiệm ấy. Trước kia dù là anh Văn Ba phụ bếp trên tàu Đô Đốc, là Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng đầy khó khăn tại Paris hay là một nguyên thủ quốc gia đang sống và làm việc tại phủ chủ tịch thì cũng là một Hồ Chí Minh yêu lao động, hết sức giản dị, tiết kiệm. “Cung điện”  của Bác cũng chỉ là chiếc nhà sàn nhỏ bằng gỗ bên cạnh chiếc ao làm. “Nước ta chưa giàu, dân ta còn khổ, chưa đủ nhà ở, Bác ở thế này là tốt lắm rồi”. Lúc nào Bác cũng nghĩ đến nước ta còn nghèo, dân ta còn đói, người miền Nam chưa được giải phóng. Tất cả đã gom góp lại trở thành nền móng vững chắc cho ngôi nhà “đơn sơ một góc vườn” nhưng ấm nóng tình thương của người cha không con mà có triệu con. Mấy chục năm xa quê trở về, Người vẫn thích ăn dưa chua, cà muối, cháo hoa… Vẫn khoác lên mình bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ và suốt cả cuộc đời chỉ đi đúng một đôi dép lốp cao su và một đôi dày vải. Lối sống ấy đã để lại cho thế hệ trẻ chúng cháu thật nhiều suy ngẫm. Đôi khi, con người ta hay vì ưa những cái rực rỡ, chói lóa, sang trọng mà a dua, học đòi, bắt chước nhưng kì thực họ không biết rằng chỉ có sự giản dị về chất từ bên trong mới tạo ra vẻ đẹp ngời rạng, trong sáng từ chính tâm hồn mình.

    Và Bác biết không? Cơn đại dịch ập tới và tàn phá đất nước ta trong suốt mấy năm vừa qua đã đem đến thật nhiều đau thương, mất mát nhưng ẩn sâu trong bi kịch ta lại thấy thật ấm áp bởi sự xuất hiện của những y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, cái nắng tháng sáu chẳng thiêu nổi ý chí, nghị lực vượt khó của họ. Cơn giá buốt của những ngày cuối đông lại càng chẳng thể làm nguội lạnh trái tim ấm nóng nghĩa đồng bào của họ. Một lần nữa cháu lại gặp Bác trong hình ảnh đầy nghị lực và yêu thương đó. Nếu Fidel Castro là vì sao của Cuba, Lê-nin là niềm tự hào của nhân dân Xô Viết thì Bác chính là vị cha già kính yêu muôn đời của dân tộc Việt Nam. Một người cha thương đứt gan đứt ruột đàn con đang lầm than trong nghèo đói, xiềng xích. Và nỗi đau dân tộc đó, tình thương không biên giới đó đã trở thành hành trang để người thanh niên gầy gò, mảnh khảnh năm ấy với hai bàn tay trắng quyết ra đi tìm đường cứu nước, nuôi trong mình niềm khao khát mãnh liệt: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Bác đã bôn ba khắp nơi, làm đủ thứ nghề với nhiều lần đứng trước lằn ranh sinh tử và đọa đày chốn lao tù. Ấy thế mà thử thách không làm Bác nản lòng, khó khăn không khiến Bác thối chí, song sắt nhà tù lại càng chẳng thể giam nổi tiếng thơ yêu đời yêu nước. Cho đến bây giờ cháu mới hiểu tại sao cả thế giới lại nghiêng mình trước một nhân cách lớn và tại sao tiếng lòng của Tố Hữu lại nghẹn ngào đến vậy:

“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người.”

   Cháu đang ở cái độ tuổi mà Bác ưu ái gọi là “mùa xuân của xã hội’. Còn Bác, Bác đã dâng hiến bảy mươi chín mùa xuân của đời người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đó là bảy mươi chín mùa xuân với sức sống mãnh liệt xua đi cái tàn khốc, khắc nghiệt của đêm đông nô lệ. Bác sinh ra nhưng chưa bao giờ “mất” đi. Sự nghiệp, nhân cách và đạo đức của Bác đã trở thành một phần máu thịt, một bức tượng đài thiêng liêng bất tử trong trái tim, khối óc mỗi người dân Việt. Cháu và hàng triệu bạn trẻ sẽ nguyện tiếp nối trở thành những mùa xuân, gieo vào đất mẹ trí tuệ, bản lĩnh và tình yêu quê hương, đất nước để khi mưa qua, nắng xuân tới sẽ làm đâm chồi nảy lộc hòa bình và hạnh phúc.

-Cháu của Bác, mùa xuân chở đầy yêu thương-

Người viết: Đặng Thị Khánh Linh - 11D5 (21-22)
Duyệt bài: Nguyễn Thị Huệ

Bình luận :