Thầy và trò Trường THPT Cao Bá Quát-Quốc Oai tìm hiểu về Tuồng và những triết lí nhân sinh ý nghĩa

Sáng ngày 15 tháng 10 năm 2012, thầy và trò trường THPT Cao Bá Quát thật bất ngờ và hạnh phúc được chào đón các nghệ sỹ tài ba của nhà hát Tuồng Trung ương về biểu diễn với chủ đề “Chúng em cùng xem và tìm hiểu nghệ thuật Tuồng Việt Nam”.

Trong không khí mát mẻ của những ngày mùa thu, các em học sinh các khối lớp đã tề tựu đông đủ trước sân khấu.Với mục đích thiết thực là giúp các em có điều kiện tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt Nam qua một loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc,nhà hát đã đem đến giới thiệu các trích đoạn nổi tiếng vốn là các tiết mục tuồng cổ đã từng gặt hái nhiều thành công.

 Không khí trở nên đặc biệt sôi động khi đến phần biểu diễn trích đoạn tuồng. Tất cả học sinh dường như đều phấn khích khi tiếng trống, tiếng nhạc nổi lên và các nghệ sĩ xuất hiện trong trang phục tuồng rực rỡ sắc màu. Với trích đoạn múa cờ (múa trình tường) và ông già cõng vợ đi xem hội, các em say sưa theo dõi và ồ lên thích thú với những chi tiết hài hước hay những đoạn tấu hóm hỉnh.Tiết mục ông già cõng vợ trẻ đi xem hội do nghệ sĩ nhân dân Hồng Khiêm đã thực sự làm các em hứng thú: Một diễn viên tạo hình và giả thanh thực hiện hai vai trò cung một lúc.Những màn múa,chạy,rượt đuổi giữa hai vợ chồng ông lão và chàng công tử thích ghẹo gái xinh được nữ diễn viên thực hiện thật mềm,thật ngọt. Dù tích chuyện đã cũ,lấy bối cảnh nông thôn Việt xa xưa nhưng vẫn đem đến cho tuổi trẻ ngày nay một thông điệp: Đáng đời chàng cà lắp ỉ thế con quan tha hồ ghẹo gái bị ông già dạy cho một bài học nhớ đời!Đông thời các em cũng thấy được tình cảm vợ chồng ông lão dành cho nhau là vô cùng thắm thiết.

Tiết mục múa lân dường như khá quen thuộc với mọi tầng lớp người dân Việt Nam,nhưng đến với sân khấu học đường lần này các diễn viên đã đưa đến cho khán giả sự ngỡ ngàng.Trên nền tiêng nhạc rộn rã là hình ảnh đôi vợ chồng lân quấn quít,hạnh phúc bên nhau. Đặc biệt, màn sinh nở đầy ý nghĩa khi lân chồng luôn sát cánh lân vợ,kể cả khi vượt cạn. Khán giả cảm nhận được không khí gia đình nhà lân thật ấm cúng , hạnh phúc.

 Sau biểu diễn trích đoạn là phần giao lưu giữa khán giả và nghệ sĩ.  Đây lại là dịp để các cô chú nghệ sĩ giới thiệu kỹ hơn về đạo cụ, về ngôn ngữ thể hiện của tuồng. Các em còn có cơ hội làm nghệ sĩ khi tập bắt chước một số động tác đơn giản của diễn viên. Lần đầu tiên cầm chiếc roi ngựa và múa, các em trên sân khấu và các bạn dưới sân trường đều hồi hộp, thích thú. Cứ như vậy, sau mỗi phần giao lưu, giới thiệu, các em lại được xem trích đoạn ngắn để hiểu hơn những cái hay, cái độc đáo của nghệ thuật tuồng.

Trong buổi diễn này, các em được xem trích đoạn  Hồ Nguyệt Cô hóa cáo với những chi tiết thần tiên, biến hóa giống như thế giới cổ tích mà các em yêu thích. Chuyện kể về con cáo Nguyệt Cô(do nghệ sỹ nhân dân Minh Gái thể hiện) tu luyện hàng ngàn năm trở thành người nhờ viên ngọc quí.Nàng ra trận đánh đâu thắng đó,bắt được tướng giặc là Thiết Giao đẹp mã.Nàng đem lòng yêu, rồi trong lúc vui tình mới,nàng vô tình lộ ra bí mật…Khi bị Thiết Giao đoạt mất ngọc, Hồ Nguyệt Cô đau đớn, thất vọng, điên cuồng, nàng hiểu ra mình đã mất ngàn năm tu luyện. Đúng là :

               Uổng ngàn năm hút máu càn khôn

                Sẩy một phút tan tành phong nguyệt

Đó cũng là bài học về lẽ sống và cách sống cho thế hệ trẻ ngày nay: Cần phấn đấu học hành,tu dưỡng đạo đức để đạt thành quả và khi thành công hãy tìm tòi nắm bắt những thành quả mới.

Buổi diễn đã khép lại nhưng những bài học nhân sinh còn đọng mãi. Hi vọng các em học sinh sẽ  tiếp cận nhiều hơn với các loại hình nghệ thuật dân gian để thêm yêu quí văn hóa cổ truyền dân tộc,giúp nâng cao tri thức và bồi dưỡng tâm hồn.
               Nhấn chuột vào đây để xem và tải ảnh.

                                   Thực hiên: Nguyễn Thị Phương Hoa

 Biên tập: Nguyễn Danh Chiến

Bình luận :