Thăng Long – Hà Nội: Mảnh đất ngàn năm văn vật

Ngay từ buổi bình minh của đất nước, vùng ngã ba sông Tô, sông Nhị đã là một trung tâm của nền văn minh sông Hồng. Nhiều di chỉ văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn đã có mặt ở đây. Trống đồng, tên đồng, lưỡi liềm đồng trong lòng đất Cổ Loa, Ngọc Hà, Trung Màu, chùa Thông… Chứng tích của nghề luyện kim là sự hiện diện và đóng góp của cư dân Hà Nội vào lịch sử phát triển đất nước. Thành Cổ Loa cổ kính – trung tâm nước Âu Lạc, một di tích kiến trúc quân sự có giá trị cao đã làm rạng rỡ thêm kỷ nguyên văn minh sông Hồng thời dựng nước.

Khuê Văn Các - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội

Qua các thời Lý – Trần – Lê, kinh thành Thăng Long – Đông Đô của nước Đại Việt đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nền văn hóa Thăng Long tiêu biểu cho kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Thăng Long vừa quy tụ tinh hoa văn hóa cả nước, vừa tỏa sáng ảnh hưởng văn hóa ra cả nước. Sau hàng nghìn năm bị đế chế Bắc đô hộ, nhân dân ta mới giành lại được độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia, thành phố Rồng bay đã vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc phục hưng và phát triển văn hóa. Trí tuệ của cả dân tộc đã hun đúc cho Hà Nội và trí tuệ Hà Nội là kết tinh của trí tuệ của cả nước. Hà Nội thu hút đào tạo nhân tài cho đất nước và cũng là nơi để các danh nhân có điều kiện phát huy tài năng dựng nghiệp trên đất văn vật kinh kì.

Thăng Long có Quốc Tử Giám, lò luyện văn quốc gia thành lập năm 1076, trung tâm đào tạo tiến sĩ. Chỉ tính thời Lê đã có 124 khoa thi hội mở tại Thăng Long. Từ khoa đầu có bia tiến sĩ vào năm Nhâm Tuất (1442) đến khoa cuối năm Canh Tý (1780) đã lấy đỗ 2.248 tiến sĩ mà tên tuổi của họ phần lớn vẫn lưu trên 82 tấm văn bia còn lại ở Văn Miếu. Trong số đó không ít kẻ sĩ đã trở thành những bậc lương đống của triều đình, những minh quân có tài chăm dân, trị nước, nhiều người là nhà văn, nhà chính trị - quân sự thiên tài, nhà giáo lỗi lạc.

Thăng Long còn có trường huấn luyện võ nghệ, nghiên cứu binh pháp, tuyển chọn tướng sĩ và thi võ mở 3 năm một lần để chọn tạo sĩ.

Thăng Long kinh đô là nơi đã đào tạo nên:

Văn quan cầm bút an thiên hạ

Võ tướng đề đao định thái bình.

Cùng với Văn Miếu – tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc lâu đời, Hà Nội là nơi hội tụ khách văn chương và các nhà giáo nổi danh từ các tỉnh về mở trường dạy học.

Một Thi xã Tao Đàn đời Hồng Đức cũng làm sáng cả mảng văn học thời Lê. Một văn phái Ngô Thì với bao trước tác đồ sộ khó dòng họ nào theo kịp.

Bên những văn nhân, thi nhân người Hà Nội gốc như Phan Phù Tiên (làng Vẽ, Từ Liêm), Đặng Trần Côn (làng Mọc, Từ Liêm), Cao Bá Quát (Phú Thị, Gia Lâm), Nguyễn Văn Siêu (làng Lủ, Thanh Trì), bà huyện Thanh Quan (Nghi Tàm, Từ Liêm) … Có những ngôi sao trên văn đàn từ bốn phương về quần tụ như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Huy Ích gốc xứ Nghệ, Lê Quý Đôn từ Thái Bình tới, Ngô Sĩ Liên, Nguyễn Trãi từ Sơn Nam đến…

Nền giáo dục của Thăng Long – Hà Nội xưa còn được tạo dựng nên bởi bao nhà giáo người Hà Nội và cả người từ các xứ Đông, xứ Đoài tham gia.

Ngôi trường nổi tiếng kinh kỳ từ trước cả khi thành lập Văn Miếu – Quốc Tử Giám có lẽ là trường Bái Ân của danh sĩ Lý Công Ẩn, cậu học trò Ngô Tuấn ngụ ở phường Thái Hòa đã theo học ở đây sau trở thành người anh hùng Lý Thường Kiệt, tương truyền là tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” đầu tiên trong lịch sử dân tộc.

Thế kỷ XIII có trường của Trần Ích Tắc, con vua Trần Thánh Tông mở cạnh nhà.

Thế kỷ XIV có Chu Văn An, người Thanh Liệt mở trường Huỳnh Cung (Thanh Trì). Thế kỷ XV có Bùi Xương Trạch dạy ở Định Công (Thanh Trì)… Thế kỷ XIX, Hà Nội nở rộ các trường học tư, vào năm có khoa thi hoặc gặp kỳ bình văn ở trường Giám, thư sinh ở phố phường đông như hội.

Khoảng năm 20 đầu thế kỷ XIX có trường Dưỡng Am của thầy hương cống Phạm Hội ở số 1 Hàng Trống sau về phố Chân Cầm. Trường lúc nào cũng có 200 học trò. Thầy dạy trọng đạo đức, nghĩa lý, văn phong phải hồn hậu, chữ viết phải ngay thẳng, thầy dạy khoảng 3.000 học trò, nhiều người đỗ đại khoa. Giữa thế kỷ, nổi tiếng có trường Phương Đình của quan bảng Nguyễn Văn Siêu. Thầy sớm nổi tiếng văn chương, được người đời tôn là “Thần Siêu”, lại có đức độ nên học trò đến xin học rất đông trọ kín cả các đình chùa trong phường Thanh Hà.

Ở thôn Tự Tháp (Hàng Trống) còn có trường Hồ Đình của ông nghè Vũ Tông Phan, do chú ý dạy lối văn “cử tử” nên có nhiều học trò đỗ cao, làm quan to trong triều.

Ở ngoại đô lúc này có thầy giáo Đoàn Huyên, người làng Hữu (Thanh Trì) dạy ở Tây Mỗ, còn “Thánh Quát” – Cao Bá Quát – mở trường gõ đầu trẻ ở Phú Thị quê nhà… trước khi đi làm giáo thụ Quốc Oai và tổ chức khởi nghĩa Mỹ Lương.

Vào thế kỷ XX, Hà Nội có trường Trung Tự của thầy Nguyễn Hữu Cần và trường Đông Ngạc của Hoàng Tăng Bí, nhưng nổi lên thành một phong trào mang tính chất duy tân, tiến bộ là trường Đông Kinh Nghĩa Thục của ông cử Lương Văn Can ở số 10 Hàng Đào vào năm 1907.

Ảnh minh họa

Nữ sinh sư phạm hôm nay


Có lẽ về sau ít có việc học trò lập nhà thờ thờ thầy như ở thời kỳ này. Riêng ở Hà Nội đã có bốn đài kỷ niệm sáng chói tình nghĩa thầy trò: nhà số 1 Hàng Trống nơi trường Dưỡng Am cũ thờ thầy Phạm Hội; số 12 Nguyễn Siêu thờ thầy trường Phương Đình; số 39 Hàng Đậu thờ thầy Cúc Hiên, còn ông nghè Tự Tháp được học trò lập nhà thờ ở Bạch Mai.

Hà Nội cũng là nơi phát huy tài năng của các nhà khoa học như Lương Thế Vinh (nhà toán học), Đặng Lộ (nhà thiên văn), Hải Thượng Lãn Ông (nhà y học), Vũ Quỳnh (nhà sử học)… và các ông Trạng như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền…

Khi nói đến danh nhân của đất ngàn năm văn vật, ta không chỉ đề cập đến những người Hà Nội gốc, định quê lâu đời ở kinh thành – con số này không nhiều mà phải kể cả những người có một thời đã sống ở Thăng Long gắn bó cuộc đời và sự nghiệp với đất kinh kỳ này.

Giữa thế kỷ XIX, Hà Nội cùng cả nước chìm đắm trong thế bị cùm kẹp, bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị. Là thành phố thuộc địa, Hà Nội chuyển dần qua kinh tế tư bản, bên cạnh khu phố cổ dần hình thành khu phố mới dành cho công sở và thương mại mang phong cách châu Âu. Hà Nội vẫn là thủ phủ của xứ Bắc. Cuộc “cưỡng duyên” Pháp – Việt có khoác lên đôi nét lai căng và tác động của văn hóa thực dân. Nhưng trong lòng nó, làn sóng đấu tranh sôi sục để bảo tồn nền văn hóa dân tộc và phong trào cách mạng giải phóng đất nước khỏi xiềng xích nô lệ không ngừng diễn ra trong máu và nước mắt.

Nối tiếp truyền thống cha ông, trong lớp người Hà Nội kế tục vẫn xuất hiện nhiều tấm gương đẹp, đem tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, hăng hái đi theo ngọn cờ của Đảng như những đảng viên cộng sản trẻ Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Hoàng Tôn, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ…

Hà Nội còn nhớ mãi những vị cách mạng tiền bối đã có công gieo hạt giống đỏ trên đất Thủ đô như Hoàng Văn Thụ, Trần Phú, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh…

Chỉ đến khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Hà Nội mới hồi sinh và khôi phục vị trí trung tâm đất nước. Công việc mới bắt đầu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ xong, Hà Nội cùng cả nước lại phải đương đầu với chủ nghĩa thực dân mới. Viên gạch vừa đặt xuống, bom Mỹ lại đào lật lên. Phải có một “Điện Biên Phủ trên không” giữa vùng trời Hà Nội mới buộc được Mỹ cút. Rồi lại phải có một đại thắng mùa xuân 1975 mới đánh ngụy nhào, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài 30 năm.

Trên các nẻo đường kháng chiến, lịch sử Hà Nội đã ghi tên vàng cho những người con thân yêu của mình đã ngã xuống cho Tổ quốc: Bùi Ngọc Dương, Ngô Xuân Quảng, Lê Minh Trường…

Trong lĩnh vực văn hóa – khoa học, những bông hoa nhân tài Hà Nội càng nở tung cánh, tỏa hương thơm ngàn dặm xa… Lớp nhà văn trước cách mạng đã lần lượt ra đi như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng… thì trên văn đàn cũng xuất hiện hai lớp nhà văn thời chống Pháp và chống Mỹ. Tiếng đàn Đặng Thái Sơn lay động tâm hồn người năm châu. Nhạc Văn Cao, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi… vẫn say đắm lòng ai.

Sau các nhà văn hóa lớp trước: Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám…, Hà Nội tiếp tay cho các nhà khoa học đạt những thành tựu kỳ diệu có tiếng vang thế giới: Tôn Thất Tùng, Nguyễn Tài Thu, Nguyễn Văn Hiệu…

Tinh thần hiếu học, say mê khoa học của người Hà Nội còn được thể hiện qua nhiều lớp học sinh Thủ đô đã đạt giải cao trong các kỳ thi toàn quốc gia và quốc tế đã viết tiếp những trang đẹp trong lịch sử tài năng trẻ của Hà Nội hôm nay. Lớp trí thức được đào tạo và trưởng thành trong chế độ mới đã và đang vươn lên đảm nhiệm các đầu ngành quan trọng của nền khoa học – kỹ thuật nước nhà. Chất xám kế thừa kho báu trí tuệ của chí sĩ Bắc Hà đang phát huy thế mạnh.

Mảnh đất ngàn năm văn vật đã góp phần tạo nên những thế hệ danh nhân và các thế hệ danh nhân đã bồi đắp trở lại cho Hà Nội ngày càng thực sự tiêu biểu cho nền văn hóa của Việt Nam.

Dân Quang

Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 57, tháng 10/2014

Bình luận :