Sử dụng phiếu học tập để học Ngữ văn hiệu quả

GD&TĐ - Thầy Lê Văn Thanh - Giáo viên Trường THPT Triệu Sơn 3 (Thanh Hóa) - chia sẻ kinh nghiệm sử dụng hiệu quả phiếu học tập trong giảng dạy môn Ngữ văn.

1.     Các nguyên tắc xây dựng phiếu học tập

Theo thầy Thanh, thiết kế phiếu học tập dựa trên các nguyên tắc:

Phiếu học tập phải được thiết kế sẵn trước giờ dạy. Nội dung phiếu học tập phải vừa đủ, bám sát mục tiêu bài học và chuẩn kiến thức kĩ năng, phù hợp đối tượng học sinh lớp giảng dạy, phù hợp với trình độ, hoạt động của học sinh, với lượng thời gian thích hợp.

Hình thức phiếu học tập phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu thể hiện tính sư phạm, tạo hứng thú cho học sinh.

Sử dụng phiếu học tập cần kết hợp với các tài liệu và phương tiện dạy học khác như sách giáo khoa, tranh ảnh, tài liệu tham khảo... Giáo viên công bố đáp án kịp thời, đúng cách. Đặc biệt, không được lạm dụng phiếu học tập.

2.     Các bước xây dựng phiếu học tập

Giáo viên xây dựng phiếu học tập theo các bước:

Bước 1: Phân tích bài dạy để nắm vững mục tiêu và nội dung kiến thức bài học, nội dung phiếu học tập, xác định định lượng kiến thức sử dụng trong phiếu học tập.

Bước 2: Chuyển kiến thức trọng tâm thành dạng phiếu học tập. Vấn đề trên phiếu học tập nên chia nhỏ, sắp xếp từ dễ đến khó để tất cả học sinh trên lớp với năng lực học khác nhau đều có thể tham gia.

Phiếu học tập là một mảnh giấy thường được in sẵn nhằm mục đích hỗ trợ người học sắp xếp các nội dung kiến thức để phục vụ cho việc học và hiểu bài tốt hơn. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh điền vào khoảng trống trong tờ giấy để trả lời câu hỏi hay hoàn thành sơ đồ.

Nội dung phiếu học tập cần lựa chọn hình thức biểu hiện phù hợp, có những dữ liệu nên trình bày bằng văn bản bình thường, có loại đưa vào sơ đồ, biểu mẫu, bài tập thực hành, bài tập xử lí tình huống... Tất cả đều phải phù hợp với đối tượng học sinh và nội dung bài học.

Phiếu học tập thể hiện được yêu cầu làm việc hợp tác với nhau trong nhóm học tập như cùng nhau xây dựng hệ thống kiến thức, trao đổi kết quả...

Trình bày trên mặt giấy với ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu đối với học sinh, có thể sử dụng cả kênh hình lẫn kênh chữ để tạo hứng thú cho học sinh.

Cấu trúc phiếu học tập gồm: tên bài học, câu hỏi và khoảng trống để học sinh tự trả lời.

Bước 3: Chuẩn bị hệ thống lập luận và nhận xét để chỉ đạo và điều chỉnh quá trình học tập của học sinh.

Giáo viên cần chuẩn bị kĩ lưỡng những định hướng có tác dụng mạnh mẽ đến hiệu quả học tập của học sinh, góp phần thúc đẩy học tập theo hướng tích cực, phá vỡ sự bế tắc hoặc căng thẳng trong học tập; học sinh mạnh dạn suy nghĩ nhiều hơn, mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình.

Bước 4: Xây dựng đáp án cho phiếu học tập, đáp án cần đảm bảo ngắn gọn, xúc tích, khái quát cao.

3.     Sử dụng sáng tạo và linh hoạt phiếu học tập trong giờ dạy

Để sử dụng sáng tạo và linh hoạt phiếu học tập trong giờ dạy, giáo viên lưu ý các bước:

Bước 1: Phát phiếu học tập cho học sinh (số lượng phiếu thích hợp với cá nhân và nhóm học sinh).

Giáo viên căn cứ vào nội dung bài học để có thể dùng chính phiếu học tập để tổ chức học tập, làm cơ sở để ghép nhóm học tập và quy định thời gian học tập.

Bước 2: quan sát và hướng dẫn học sinh học tập và hoạt động với phiếu học tập.

Giáo viên quan sát phát hiện những biểu hiện thiếu tập trung, học tập một cách tản mạn, tuỳ tiện của học sinh để kịp thời uốn nắn, nhắc nhở, hướng các em chủ động làm việc với phiếu học tập.

Bước 3: Học sinh làm việc với các nguồn tài liệu và hoàn thành phiếu học tập: giáo viên quan sát nhắc nhở và giúp đỡ:

Đối với dạng phiếu học tập học sinh làm việc cá nhân: mỗi học sinh làm việc độc lập.

Đối với dạng phiếu học tập học sinh làm việc theo nhóm: giáo viên chia học sinh thành các nhóm và phát phiếu học tập cho mỗi nhóm, giao nhiệm vụ cho nhóm, mỗi cá nhân làm việc độc lập khoảng vài phút, sau đó thảo luận nhóm, thống nhất ý kiến cả nhóm, ghi kết quả, đại diện các nhóm trình bày kết quả .

Bước 4: Học sinh trình bày:

Đối với hoạt động cá nhân: từng học sinh trình bày, những học sinh khác chú ý, đối chiếu với phiếu học tập của mình và bổ sung góp ý, cũng có thể thắc mắc tranh luận với người trình bày.

Đối với hoạt động theo nhóm: đại diện các nhóm trình bày, các nhóm khác có thể trao đổi tranh luận bổ sung.

Giáo viên nhận xét về tinh thần thái độ học tập, kết quả nội dung phiếu học tập (có thể cho điểm nếu học sinh thực hiện tốt ).

Bước 5: Giáo viên sửa chữa bổ sung và đưa ra đáp án bằng phiếu học tập, học sinh so sánh, đối chiếu và rút kinh nghiệm, tự đánh giá.

Bước 6: Tổng kết công việc

Giáo viên có thể nhận xét, tổng kết bài hoặc yêu cầu học sinh tổng kết. Thông qua tổng kết học sinh tự đánh giá công việc của mình, rút ra những kinh nghiệm cần thiết cho bản thân mình như kinh nghiệm sử dụng phiếu học tập, tìm hiểu bài, kinh nghiệm trong hoạt động nhóm, trao đổi, thảo luận, trình bày ý kiến.... giáo viên có thể khéo léo đưa ra những lập luận định hướng và chỉ đạo nếu thấy học sinh lúng túng.

Sau mỗi giờ học giáo viên thu lại tất cả phiếu học tập của học sinh để kiểm tra thái độ làm việc, kĩ năng làm việc của từng học sinh, nhóm học sinh. nhận xét đánh giá và điều chỉnh hợp lí những hạn chế của học sinh.

Hải Bình (ghi)

Bình luận :