Sinh hoạt lớp chủ đề tháng 10 “ Văn hóa Covid -19”

Trong bối cảnh dịch Covid -19 còn đang diễn biến phức tạp ở nước ta nói chung và ở thành phố Hà Nội nói riêng, số ca dương tính với SARS- CoV- 2 vẫn còn ở mức cao thì hơn lúc nào hết việc đòi hỏi ý thức chấp hành nghiêm các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và của thành phố là hết sức cần thiết.

        Nhận thức được điều đó Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng nhiều chương trình kế hoạch về công tác phòng chống dịch Covid -19 cùng các phương án xử lý khi có trường hợp mắc Covid -19 trong nhà trường; thành lập Tổ An toàn Covid -19;  triển khai ký cam kết về việc thực hiện An toàn Covid -19; tăng cương công tác tuyên truyền, phổ biến cách phòng, chống dịch Covid -19 đến toàn thể CBGV, NV và học sinh nhằm góp phần đẩy lùi dịch bệnh sớm nhất.
         Tuy nhiên trong khi các lực lượng tuyến đầu đang dốc sức, ngày đêm quên mình để ngăn chặn đại dịch thì đâu đó trên địa bàn Thủ đô vẫn xuất hiện các hành vi ứng xử kém văn hóa, không chấp hành quy định, thậm chí là chống đối lực lượng chức năng, có thái độ chủ quan, tùy tiện, dửng dưng, vô cảm… đã làm ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng chống dịch Covid -19. Thấu hiểu được điều này năm học 2021 -2022 BGH nhà trường đã xây dựng chủ đề sinh hoạt lớp trong đó có đưa nội dung sinh hoạt chủ đề tháng 10 “ Văn hóa Covid-19” .


Ảnh 2: Đại diện học sinh các nhóm trình bày nội dung được phân công

       Chủ đề sinh hoạt lớp tháng 10 được thực hiện ở tất cả các khối lớp của nhà trường với mục đích trang bị thêm cho học sinh những kiến thức về Vi rút Corona, cơ chế vi rút Corona lây lan, cách phòng chống ra sao… và quan trọng hơn là giúp các em nhận thức rõ về việc nên có cách ứng xử văn hóa Covid -19 khi tham gia các hoạt động, tiếp xúc với người ngoài trong cộng đồng, lên tiếng trước những hành vi thiếu văn hóa, có kiến thức,kỹ năng trong công tác phòng, chống Covid -19 nhất là khi học sinh được trở lại trường học.
         Buổi sinh hoạt chủ đề “ Văn hóa Covid-19” diễn ra trong thời gian các em tạm dừng không đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh mà được tổ chức dưới hình thức trực tuyến như các buổi học văn hóa khác. Qua đó cũng giúp các em đưa ra ý kiến thảo luận thống nhất của tổ, nhóm và quan điểm của bản thân trước một số tình huống thực tế đã đang diễn ra trong thời gian vừa qua.
          Đại diện nhóm học sinh Nguyễn Thị Phương Anh cho rằng bản thân em cảm thấy rất bức xúc khi gặp những cá nhân không đeo khẩu trang ra đường, không thực hiện giãn cách và bao biện rằng “chắc Covid sẽ chừa mình ra” hay cảnh tượng chen lấn nhau mua hàng, rồi bất chấp khuyến cáo, Chỉ thị của cấp trên để đến nơi công cộng tập thể dục, tụ tập vui chơi…
            Một số học sinh bày tỏ bức xúc trước những tin giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid -19 gây hoang mang, bất an trong cộng đồng. Các nguồn tin không chính thống hoặc được nhào nặn, tam sao thất bản, rồi các hành vi : like, comment, share… đã tạo nhiều hệ lụy tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Em cũng cho rằng bản thân em luôn nói không với việc like, comment, share các tin đó.

 

        Với hình ảnh trên các tuyến phố Hà Nội vẫn tấp nập xe cộ qua lại, còn nhiều người ra đường với lý do không chính đáng dù quy định của thành phố là ra đường với trường hợp thật cần thiết và  hình ảnh  hai vợ chồng quận Tây Hồ  gây rối, chống đối lực lượng chức năng…các em cho rằng hiện tượng trên là do nhiều người vẫn chưa thấu hiểu được những nguy hiểm của dịch bệnh, những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sỹ, cùng các lực lượng chức năng khác bởi vậy tâm lý chủ quan vẫn diễn ra vì vậy công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt phải được thực hiện thường xuyên , nghiêm khắc hơn vì những hành động đó ngày thường còn khó chấp nhận huống chi trong thời điểm “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một pháo đài” thì các hình ảnh đó càng trở nên phản cảm gấp nhiều lần. Các em cho rằng mỗi một cá nhân cần có trách nhiệm với cộng đồng và trách nhiệm với chính bản thân mình trong công tác phòng, chống Covid -19.
        Học sinh Nguyễn Ngọc Anh bày tỏ sự xúc động khi chứng kiến những hành động đẹp giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu vực bị phong tỏa, lực lượng tuyến đầu chống dịch, những siêu thị 0 đồng, bếp ăn thiện nguyện, đi chợ giúp dân, các phong trào “lá lành đùm lá rách”… và em cho rằng những hành động đẹp như trên nên được nhân rộng, lan tỏa để cùng nhà nước và các cấp chính quyền chung tay, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh sớm hơn.

  

        Dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, cả nước vẫn tiếp tục đang dồn sức chống dịch và mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để người dân trở về với nhịp sống hàng ngày, để các em học sinh sớm được quay trở lại trường học sau những ngày học online vất vả thì hơn lúc nào hết mỗi một người dân Việt Nam nói chung và các học sinh nói riêng cần nâng cao ý thức để bảo vệ mình, bảo vệ cộng động bằng cách tuân thủ nghiêm các quy định,  biết chia sẻ, đồng thuận, chung tay góp công, góp của vào cuộc chiến chống dịch bệnh, nói không với các hành vi thiếu văn hóa, lạc lõng trong công tác phòng, chống Covid -19, lên án, đẩy lùi các hành vi phản cảm, đi ngược lại với các giá trị nhân văn, chia sẻ vì cộng động./.
    
Viết bài : Tống Thị Hà
Duyệt bài: Nguyễn Thị Huệ

Bình luận :