Sinh hoạt lớp chủ đề: "Phương pháp kiểm soát cảm xúc bản thân"

Trong những năm gần đây, việc không kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực của học sinh, nhất là học sinh bậc THPT là nguyên nhân dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn học đường và hậu quả để lại là những hệ lụy về tâm lý, sự an toàn trường học bị ảnh hưởng. Thấu hiểu được điều đó Ban giám hiệu trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai đã xây dựng các kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi bổ ích cho học sinh nhằm giúp các em hình thành các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, trong các hoạt động phải kể đến các giờ sinh hoạt lớp theo chủ đề đã được xây dựng và đưa vào kế hoạch thực hiện trong mỗi năm học, trong đó có chủ đề “Phương pháp kiểm soát cảm xúc bản thân”.


Hình ảnh tiết sinh hoạt lớp theo chủ đề

          Trong mỗi ngày thường con người phải đối diện với nhiều loại cảm xúc khác  nhau, có cảm xúc đem lại cho học sinh những suy nghĩ tích cực, tìm ra những ý tưởng, lựa chọn sáng tạo ... là động lực thúc đẩy việc học tập hiệu quả, tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp. Mặt khác nếu không quản lý, kiểm soát được cảm xúc nhất là những cảm xúc tiêu cực sẽ làm lệch hướng suy nghĩ dẫn đến có nhận thức sai lầm và hành động nóng vội, mù quáng. Do vậy việc định hướng cảm xúc cho học sinh trở thành động lực tích cực và là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo các hoạt đông học tập được hiệu quả.

           Giờ sinh hoạt lớp theo chủ đề “ Phương pháp kiểm soát cảm xúc cho bản thân” được thực hiện ở 2 khối lớp 11 và 12 vào tiết 5 ngày 19/02/2022. Ở mỗi khối lớp các GVCN đã phối hợp xây dựng giáo án, sử dụng các phương pháp đa dạng nhằm phát huy được tích cực, năng lực của học sinh, học sinh được thảo luận, đưa ra quan điểm của bản thân trước những tình huống, sự việc cụ thể... nhằm giúp các em phát triển toàn diện, ứng phó với những tình huống thực tiễn của cuộc sống, vững vàng đối diện với mọi hoàn cảnh, đồng thời cũng trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng tự kiểm soát cảm xúc cho bản thân.

           Mỗi một giờ giờ sinh hoạt lớp theo chủ đề “Phương pháp kiểm soát cảm xúc cho bản thân” được GVCN thiết kế theo những phương pháp khác nhau. Có GVCN sử dụng các tình huống cụ thể cho học sinh thấy được việc tầm quan trọng của kỹ năng kiểm soát cảm xúc (đặc biệt với những cảm xúc tiêu cực) là một trong những yếu tố cần thiết trong cuộc sống, nó như con đường sự nghiệp của bản  thân mình mà mỗi con người, mỗi cá nhân một học sinh cần phải có để đưa cảm xúc trở về trạng thái cân bằng, làm chủ được hành vi, ngôn ngữ và cách hành xử của bản thân trong bất kỳ tình huống nào một cách phù hợp, hiệu quả nhất có thể, tránh được các xung đột không đáng có, từ đó giúp các em duy trì tốt đẹp các mối quan hệ với gia đình, thầy cô, bạn bè..., đồng thời GVCN cũng chỉ ra cho các em thấy việc rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc còn giúp bản thân có một sức khỏe tốt, tinh thần, thể chất lành mạnh, được mọi người yêu mến, kính trọng. Học sinh được thảo luận về một số tình huống cụ thể và đưa ra cách giải quyết... trên cơ sở đó các em được đưa ra ý kiến quan điểm của mình về việc cần phải làm gì để kiểm soát cảm xúc nhất là những cảm xúc tiêu cực của bản thân.


Học sinh tích cực thảo luận, thực hành một số biện pháp kiểm soát cảm xúc

          Có GVCN đưa ra một số tình huống cùng các từ khóa cho cách giải quyết từng tình huống yêu cầu tất học sinh tham gia, làm việc độc lập. Mỗi một tình huống các em sẽ suy nghĩ, tự mình lựa chọn và viết ra cách giải quyết mà bản thân mình cho là hợp lý. Sau đó đại diện các tổ sẽ thu lại, kiểm tra kết quả lựa chọn cách giải quyết của mỗi tổ, lựa chọn nào đông nhất, ít nhất. GVCN sẽ đưa ra nhân xét chung và hướng dẫn học sinh lựa chọn cách xử lý phù hợp nhất ở mỗi tình huống cụ thể. Từ đó GVCN cho học sinh thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc của bản thân. Khi gặp những cảm xúc tiêu cực thì cần phải làm gì? Các biện pháp kiểm soát cảm xúc hiệu quả để góp phần xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, góp phần đảm bảo an toàn trường học... Sử dụng phương pháp này GVCN có thêm cơ hội để thấu hiểu học sinh hơn thông qua cách lựa chọn cách giải quyết theo quan điểm của cá nhân của mỗi học sinh từ đó có những biện pháp giáo dục phù hợp với mỗi đối tượng học sinh.

             Ngoài ra GVCN tổ chức cho học sinh chơi trò chơi trên cơ sở đã cho học sinh tự nhận đội chơi của mình theo sở thích, tính cách... sao cho hợp lý giữa số lượng các thành viên trong các đội ở tiết sinh hoạt trước đó. Việc áp dụng hình thức này cũng mang lại nhiều lợi ích, tạo được không khí vui vẻ, hào hứng và sự gắn kết giữa các thành viên có cùng sở thích với nhau. Nội dung của các câu hỏi phần trò chơi mà GVCN đưa ra rất gần gũi, thực tế cùng với sự lựa chọn 02 phương án trả lời: “Có” hoặc “Không”. Câu trả lời được học sinh thể hiện đúng cảm xúc, qua đó GVCN sẽ cho học sinh phân tích khi sử dụng câu trả lời “Có” con người sẽ cảm thấy yên bình, nhẹ nhàng, thư thái, dễ gần; còn câu trả lời “Không” cho người đối diện cảm thấy cứng nhắc, khó gần... Chỉ với cách lựa chọn câu trả lời cho mỗi tình huống kèm với cách thể hiện đúng cảm xúc của tình huống học sinh sẽ nhận ra việc kiểm soát cảm xúc của bản thân là điều rất quan trọng vì không những người thể hiện cảm xúc tiêu cực và người tiếp nhận cảm xúc tiêu cực cũng bị ảnh hưởng không chỉ về mặt tinh thần mà còn làm cho mối quan hệ xấu đi, ảnh hưởng đến kết quả làm việc và học tập của mỗi cá nhân. Qua đó GVCN yêu cầu học sinh mỗi đội sẽ đưa ra các biện pháp để kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực cần phải làm gì? Khi gặp các tình huống cụ thể như vậy nên sử dụng câu trả lời như thế nào để tạo không khí vui tươi, gần gũi, tạo được niềm tin, động lực cho đối phương.

          Dù sử dụng phương pháp, cách tổ chức khác nhau nhưng mỗi giờ sinh hoạt GVCN đều cho học sinh thấy rõ các loại cảm xúc thường gặp trong cuộc sống, xác định các loại cảm xúc tích cực, tiêu cực từ đó nhận thức và nắm được một số phương pháp rèn luyện kiểm soát cảm xúc tiêu cực thông qua việc điều chỉnh cảm xúc bằng hành động cơ thể như hít thở sâu, thả lỏng cơ thể, mỉm cười, thay đổi tư thế đứng ngồi...Rèn luyện cách kiểm soát cảm xúc bằng trí tuệ như luôn có thái độ tươi vui, nhìn người khác với thái độ tích cực, cởi mở, lạc quan, suy nghĩ kỹ trước khi nói và hành động, biết chia sẻ, yêu thương...Tự tin vào bản thân mình để luôn có năng lượng tích cực. Chú ý đến cách sử dụng ngôn ngữ, thường xuyên sử dụng các từ ngữ mang tính khích lệ, động viên tinh thần đối phương, ngưng than vãn, trách móc, không so sánh thiệt hơn...Biết chấp nhận, mở lòng với những cảm xúc tiêu cực của đối phương, đối xử tình cảm với thế giới nội tâm của mình.


Học sinh thảo luận, trả lời câu hỏi của đội bạn

        Có thể nói việc rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc là một trong những việc làm khó thực hiện được ngay chính vì vậy mỗi học sinh nhà trường cần cố gắng kiên nhẫn luyện tập từng bước, tích cực, chủ động trong mọi hoạt động của trường của lớp. Thông qua buổi sinh hoạt lớp chủ đề “Phương pháp kiểm soát cảm xúc cho bản thân” đã phần nào giúp các em học sinh biết cách tháo gỡ những khó khăn   gặp phải, trang bị cho các em khả năng làm chủ bản thân, biết cách vượt qua những khó khăn, có cách ứng xử phù hợp, tích cực trước các tình huống phức tạp, muôn màu của cuộc sống, bởi khi các em học được cách kiểm soát cảm xúc sẽ giúp các em thành công, hạnh phúc hơn trong cuộc sống./.

Thực hiện : Tống Thị Hà
Duyệt bài: Nguyễn Thị Huệ

Bình luận :