Quy định mới về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra trong công an nhân dân
Bộ Công an ban hành Thông tư số 11/2025/TT-BCA quy định về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; thẩm quyền điều tra hình sự trong Công an nhân dân với 03 chương 25 điều.
Thông tư này quy định về tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra; phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn điều tra hình sự của các đơn vị trực thuộc Cơ quan điều tra các cấp, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân.
1. Tổ chức và bộ máy của Cơ quan điều tra
Theo quy định tại Điều 4, tổ chức, bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gồm có: Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Cục Cảnh sát hình sự); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
2. Nhiệm vụ và phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra
Theo Điều 4 của Thông tư, nhiệm vụ của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an được phân công như sau: 01 Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; 01 Thứ trưởng Bộ Công an là Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an; Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an là Phó Thủ trưởng Thường trực; Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, 01 Phó Chánh Văn phòng, Cục trưởng và 01 Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Cục trưởng và 01 Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy là Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.
3. Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh
Về tổ chức, bộ máy của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh được quy định tại Điều 9 của Thông tư, gồm:Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Phòng Cảnh sát hình sự); Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Phòng Cảnh sát kinh tế); Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh
• Tiếp nhận, phân loại và giải quyết nguồn tin về tội phạm.
• Tiến hành điều tra vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
• Hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ điều tra của Công an cấp xã, Đồn Công an.
• Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
5. Cơ quan An ninh điều tra
Đối với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, việc phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng được quy định tại Điều 15 như sau: 01 Thứ trưởng Bộ Công an phụ trách lực lượng An ninh là Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cục trưởng Cục An ninh điều tra là Phó Thủ trưởng Thường trực; Các Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra là Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.
Đối với Cơ quan An ninh điều tra cấp tỉnh, việc phân công Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng được quy định tại Điều 16: 01 Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh phụ trách lực lượng An ninh là Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh;Trưởng phòng Phòng An ninh điều tra Công an cấp tỉnh là Phó Thủ trưởng Thường trực; Các Phó Trưởng phòng Phòng An ninh điều tra Công an cấp tỉnh là Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2025.
Người tuyên truyền: NTH
Bình luận :