Nhớ lại ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội hào hùng

Ngày 10-10-1954, năm cửa ô Hà Nội ngập tràn cờ, hoa cùng những nụ cười rạng rỡ của nhân dân chào đón quân ta vào tiếp quản Thủ đô - Ngày này đánh dấu mốc son vẻ vang trong lịch sử của thủ đô và đất nước, mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Chào mừng 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019),  xin trân trọng giới thiệu cùng thầy cô và các em học sinh đôi nét về Hà Nội ngày này năm xưa.

          1. Hà Nội đẹp nhất khi vào thu, với tiết trời se lạnh sớm mai và ban ngày trời trong xanh, tràn ngập nắng vàng, cũng là thời điểm rộn rã tiếng cười của lớp lớp học sinh tung tăng tựu trường. Mùa thu này khi đón mừng 1009 năm tuổi, Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc hào hùng của những ngày đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô 65 năm trước.

Nhân dân Hà Nội chào mừng quân ta tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954 (ảnh tư liệu)

Thăng Long - Hà Nội là vùng đất rất đỗi thiêng liêng, nơi hội tụ tinh hoa và khí phách của cha ông, tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của người Việt, của dân tộc Việt Nam. Qua 9 năm toàn quốc kháng chiến trường kỳ (1946-1954) với ý chí và tinh thần chiến đấu kiên cường, gan dạ, đầy sáng tạo của quân dân ta, đặc biệt là sau thất bại nặng nề trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ  (21-7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; buộc phải rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

Ngày 10-10-1954, 5 cửa ô Hà Nội tràn ngập cờ, hoa cùng những nụ cười rạng rỡ của các thế hệ nhân dân chào đón quân  ta vào tiếp quản - Hà Nội được giải phóng. Ngày này đánh dấu mốc son vẻ vang trong lịch sử của thủ đô và đất nước, một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Nhân dân Hà Nội đón mừng quân ta tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954 (ảnh tư liệu)

Mùa thu năm 1010, với tầm nhìn thiên niên kỉ, Thái tổ Lý Công Uẩn – nhà vua mở đầu triều Lý - đã quyết định rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long – Hà Nội), để lại một huyền thoại hết sức đẹp đẽ: “Rồng bay lên”- mở đầu hào khí Thăng Long oai hùng. Cũng từ mùa thu ấy, Thăng Long chính thức được ghi vào sử sách của dân tộc với biết bao chiến tích vẻ vang và khởi nguồn cho bước chuyển mình thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.

Hà Nội trong những ngày quân ta tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954 (ảnh tư liệu)

Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “thế rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn sông dựa núi”, hàng nghìn năm trước ông cha ta đã chọn Thăng Long là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu toan nghiệp lớn. Trải qua bao thăng trầm  lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn là nơi  “lắng hồn núi sông ngàn năm”, hội tụ tinh hoa và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Thăng Long huyền thoại không chỉ sinh ra người anh hùng dân tộc Thánh Gióng với sức mạnh “Phù Đổng”, mà còn là quê hương của Hai Bà Trưng, người đã “phất cờ Mê Linh” năm xưa. Thăng Long xưa với nỏ thần đã khiến quân giặc khiếp sợ, Thăng Long ngày ấy cũng là nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt với bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên, bằng những vần thơ hào sảng bên sông Như Nguyệt “Nam quốc sơn hà, nam đế cư....”. Huyền thoại Thăng Long với Hội nghị Diên Hồng đi vào lịch sử, ba lần chứng kiến vua tôi nhà Trần đánh đuổi giặc Mông-Nguyên hung bạo. Trang sử vàng của dân tộc ta cũng còn lưu lại ngày cuối mùa đông năm 1427, khi bè lũ bại binh Vương Thông lếch thếch kéo nhau ra phía Cửa Nam thành Thăng Long, tuyên thệ trước người anh hùng Lê Lợi và nhân dân chiến thắng, xin rút quân về nước. Hào khí Thăng Long còn gắn liền với tên tuổi vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung với chiến thắng vang dội Ngọc Hồi-Đống Đa xuân năm 1789, lửa hồng Thăng Long đốt thiêu trại giặc, đuổi 29 vạn quân Thanh về nước.

          Hào khí Thăng Long càng được hun đúc và toả sáng trong thế kỷ XX - thời đại Hồ Chí Minh. Ngày 19-8-1945, người  Hà Nội đã vùng lên cùng nhân dân cả nước phá tan xiềng xích nô lệ ngót tám mươi năm của bọn đế quốc, phát xít, giành lại độc lập dân tộc. Cũng tại nơi đây, tối 19-12-1946, quân dân Thủ đô đã biến Hà Nội thành chiến lũy, ngăn từng bước xe tăng quân Pháp, nổ súng mở màn cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp kiên cường, gian khổ. Trong 60 ngày đêm khói lửa năm ấy, đồng bào Thủ đô cũng đã để lại biết bao huyền thoại thể hiện ý chí quật cường của dân tộc với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Để rồi mùa thu năm 1954, Hà Nội được hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về:

“… Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần

 Như mùa xuân xuống cành dường nghe gió về

 Hà Nội bừng Tiến quân ca.

                                           (Tiến về Hà Nội- Văn Cao)

Hà Nội trong những ngày quân ta tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954 (ảnh tư liệu)

Khí phách ấy, tinh thần ấy một lần nữa được phát huy vào tháng Chạp năm 1972, với 12 ngày đêm rực lửa, người Hà Nội hào hoa, anh dũng đã vít đầu nhiều siêu pháo đài bay B52 của giặc Mĩ, làm nên trận “Điện Biên phủ trên không” lẫy lừng, nức lòng quân dân cả nước và bạn bè yêu chuộng hoà bình khắp năm châu, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mĩ phải cúi đầu kí Hiệp định Pari, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Hào khí Thăng Long năm xưa đã và đang được nhân dân thủ đô phát huy tích cực trong xây dựng cuộc sống hôm nay. Bốn thập kỷ sau chiến tranh, nhất là  hơn 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội đã từng bước đổi thay, từng ngày lớn mạnh. Từ một thủ đô nghèo, lạc hậu và đổ nát, với sức mạnh thần kỳ, Hà Nội đã vươn mình đứng dậy. Tăng trưởng kinh tế hơn ba thập kỷ đổi mới liên tục đạt từ 8 đến 12%/ năm, cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đường phố Hà Nội hôm nay ngày càng khang trang hơn, sạch đẹp hơn, hiện đại hơn, làm cho những người đi xa Hà Nội nay trở về không khỏi ngỡ ngàng, mới lạ. Đời sống của đại bộ phận nhân dân thủ đô được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân trên đầu người hàng năm tăng gấp hơn 4 lần so với năm 1986. Quy mô và tầm vóc mới cùng truyền thống nghìn năm văn hiến chính là nguồn sức mạnh giúp nhân dân Hà Nội, thế hệ tiếp bước thế hệ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chung sức xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng tầm Thủ đô của một Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ trong  xu thế hội nhập và phát triển, xứng đáng  là “ niềm tin yêu hy vọng” của nhân dân cả nước.

Một góc Thủ đô Hà Nội ngày nay (nguồn Internet)

Bước sang thế kỷ XXI, nhân dân Hà Nội đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Thủ

đô giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc ngàn năm văn hiến, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô anh hùng, thành phố vì hoà bình ” mà UNESCO đã vinh danh và trao tặng cho Hà Nội năm 1999.

Nhằm giúp các em học sinh tìm hiểu truyền thống vẻ vang của Thủ đô Hà Nội, từ nhiều năm nay Ban Giám hiệu trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát- Quốc Oai đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động hết sức thiết thực, có ý nghĩa giáo dục truyền thống ngàn năm văn hiến của Thủ đô. Đặc biệt hướng tới 65 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019), ngay từ những ngày đầu tiên của tháng 10 này, nhiều hoạt động học tập, thi đua, rèn luyện đã sớm được đưa vào triển khai trong nội dung dạy và học trong nhà trường. Qua đó, các em được nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tự hào với truyền thống anh dũng của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội, góp phần giáo dục toàn diện nhân cách cho các thế hệ trẻ của nhà trường.

Người viết: Mai Thị Ánh Vân

Người duyệt: Nguyễn Thị Huệ

Bình luận :