Nhân dịp kỉ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tôi xin gửi một vài tư liệu lịch sử về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Lịch sử dân tộc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 là lịch sử của cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại – chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc tiêu biểu nhất của nhân dân ta. Cuộc chiến tranh không phân biệt trận tuyến, kéo dài hơn bất cứ một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử, phải chống lại đế quốc mạnh nhất thế giới là Mỹ.

          Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Nó đã điểm một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, là trường đoạn bất tử trong bản hùng ca của thế kỉ XX, là mùa xuân đại thắng, Bắc- Nam sum họp một nhà, đất  nước trọn niềm vui. Thắng lợi này cũng đánh dấu sự thất bại thảm hại của Mỹ trong âm mưu xâm lược Việt Nam. Trong cuốn “Nhìn lại quá khứ, những bài học và thảm kịch chiến tranh Việt Nam” do cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Robert. Mc. Namara, xuất bản năm 1995, đã thú nhận: “chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp, chúng tôi mắc nợ tương lai cho việc giải thích tại sao lại tiến hành chiến tranh Việt Nam”. Tướng Taylor cũng thẳng thắn thừa nhận: “chúng ta không hề có một người anh hùng nào trong cuộc chiến này cả mà toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”.

          Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tình hình thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng. Mĩ buộc phải rút quân về nước, quân đội Sài Gòn trở nên bị cô lập. Viện trợ của Mĩ giảm đi nhiều so với trước kia. Mất chỗ dựa vững chắc, tinh thần quân đội Sài Gòn ngày càng hoang mang, suy sụp. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kêu gào binh lính: “Từ nay chúng ta phải đánh giặc theo kiểu con nhà nghèo”.

Vùng chiếm đóng của chúng thu hẹp dần. Nội các Sài Gòn khủng hoảng. Chinh quyền Mĩ lục đục, nhất là sau vụ Oatơghết. Dư luận thế giới đang phản đối gay gắt cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Việt Nam. Thế và lực của địch giảm sút rất nhiều. Ngược lại, thế và lực của ta ngày càng mạnh. Thời cơ chiến lược lớn đã đến với cách mạng Việt Nam.

          Trước tình hình đó, Bộ Chính trị họp từ 30/9 đến 7/10/1974 và họp mở rộng từ 18/12/1974 đến 8/1/1975 để bàn kế hoạch giải phóng miền Nam. Ngày 6/1/1975, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Thực tế đó giúp Bộ Chính trị củng cố quyết tâm chiến lược, hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 – 1976.

Hội nghị Bộ Chính trị

 

Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng

Bộ Chính trị họp và nhấn mạnh: Cả năm 1975 là thời cơ, nếu thời cơ đến lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Cần đánh nhanh, thắng nhanh để giảm thiệt hại về người và của, giảm sự tàn phá của chiến tranh.

Dưới sự chỉ đạo của Mĩ, chính quyền Sài Gòn chia miền Nam thành bốn quân khu, còn gọi là bốn vùng chiến thuật-

- Quân khu I bao gồm toàn bộ khu vực Huế - Đà Nẵng

- Quân khu II gồm khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…

- Quân khu III gồm các tỉnh Lâm Đồng, Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai…

- Quân khu IV gồm các tỉnh còn lại

Về mặt địa lí, Sài Gòn – Gia Định thuộc quân khu III, nhưng do tính chất “đặc biệt quan trọng” mà chính quyền Sài Gòn tách nơi đây thành một biệt khu, gọi là “biệt khu thủ đô”.

Đến cuối 1974 đầu 1975, quân đội Sài Gòn có 13 sư đoàn chủ lực. Trong số bốn quân khu, quân khu I có vị trí trọng yếu, được coi là “đầu sóng ngọn gió” vì nó tiếp giáp miền Bắc XHCN, được mệnh danh là “lá chắn” bảo vệ cho các quân khu khác. Vì vậy, quân khu I được tăng cường tới 5 sư đoàn; quân khu III, IV mỗi quân khu 3 sư đoàn. Riêng quân khu II chỉ có 2 sư đoàn

Đối chiếu với sách giáo khoa của quân đội Mĩ, cách bố trí này rất chặt chẽ, hợp lí và bài bản. Còn với ta, các nhà chiến lược tinh tường đã phát hiện ra việc bố trí quân của địch có nhiều sơ hở. Chúng bố trí mạnh ở hai đầu, tức là quân khu I và quân khu III, quân khu IV nhưng yếu ở giữa, tức là quân khu II
Chiến dịch Tây Nguyên (4 – 24/3/1975)

Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng, là vùng núi và cao nguyên rộng lớn với diện tích khoảng 67.000km2, có địa hình phức tạp, hiểm trở. Ai khống chế được Tây Nguyên thì có thể kiểm soát được cả Campuchia và Trung Lào. Ở đây, quân địch bố trí phòng ngự rất sơ hở. Vì vậy, Bộ Chính trị chọn nơi đây là trận mở đầu và là hướng tấn công chủ yếu trong năm 1975. Ta tập trung một lực lượng chủ lực lớn, vũ khí hiện đại để đánh vào Tây Nguyên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Giải phóng Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên là quyết tâm chiến lược, là trách nhiệm của toàn quân, trước hết là trách nhiệm của Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên, trước lịch sử”.

 Chỉ huy quân khu II ngụy lúc đó là tướng Phạm Văn Phú. Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, Phú mang hàm đại úy trong quân đội thuộc địa Pháp. Hắn bị ta bắt làm tù binh nhưng sau đó được hưởng khoan hồng cho về quê cũ làm ăn. “Ngựa quen đường cũ”, ít lâu sau Phú đã tìm đường theo chân Pháp vào Sài Gòn. Pháp về nước, Phú chuyển sang làm tay sai cho Mĩ.

Đầu năm 1975, Phú leo lên cấp trung tướng ngụy, được Thiệu giao cho nhiệm vụ chỉ huy quân đoàn II kiêm tư lệnh quân khi II. Hắn đặt đại bản doanh ở Plâyku. Phú ba hoa, khoác lác với cấp dưới: chọn Plâyku đặt sở chỉ huy tiền phương là để hai tay nắm chắc được cả Kon Tum và Buôn Ma Thuột.
          Đầu 3/1975, ta đánh nghi binh Plâyku, Kon Tum, nhằm thu hút chủ lực địch. Mặt khác ta bí mật, bất ngờ bao vây Buôn Ma Thuột. Khi phát hiện những hoạt động chuyển quân của ta về Buôn Ma Thuột, tên đại tá tỉnh trưởng Đắc Lắc cấp báo cho Phú nhưng hắn vẫn khăng khăng là ta không đánh vào đó. Cuộc họp chiều 9/3 hắn vẫn nhận định: đối phương không dại gì tấn công vào Buôn Ma Thuột, dễ bị tiêu hao, mệt mỏi dọc đường. Hắn căn dặn cấp dưới: phải kiên trì đón đợi và “chọi nhau với Việt cộng” ở Kon Tum, như thế mới cao tay.

2 giờ sáng ngày 10/3, ta tiến đánh Buôn Ma Thuột.

Để giữ bí mật triệt để, chủ lực ta lúc đó tập kết cách Buôn Ma Thuột chừng 20km; xe tăng ta cách 40km; pháo cao xạ còn ở bên kia sông Xê Rê Pốc. Công binh bí mật chuẩn bị dọn đường bằng cách cưa sẵn sát mặt đất ¾ các gốc cây. Nếu từ trên máy bay quan sát thì địch sẽ không phát hiện được vì cây vẫn đứng thẳng. Khi ta nổ súng, xe tăng sẽ húc đổ cây để tiến gấp vào những vị trí quan trọng. Và chỉ trong 33 giờ chiến đấu quyết liệt, ta đã giải phóng được Buôn Ma Thuột

  Mất Buôn Ma Thuột, toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên lúc này bị rung chuyển. Ta đã “nện một đòn phang trúng huyệt” kẻ thù.
          Trước tình hình nguy cấp, ngày 14/3 Nguyễn Văn Thiệu tức tốc triệu tập đàn em tới Nha Trang để họp bàn kế hoạch đối phó. Cuộc họp này do đích thân Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh quân đội Nguyễn Văn Thiệu chủ tọa. Ngoài ra còn có tướng Trần Thiện Khiêm – Thủ tướng ngụy; tướng Cao Văn Viên – Tổng tham mưu trưởng quân đội ngụy; tướng Đặng Văn Quang – cố vấn đặc biệt về quân sự và an ninh cho Tổng thống ngụy và tướng Phạm Văn Phú – tư lệnh quân khu II.

Sau khi mất Buôn Ma Thuột, tình thế Plâyku, Kon Tum như “ngàn cân treo sợi tóc”. Toàn bộ quân khu II lâm vào tình trạng “rất có thể bị cắt làm đôi”. Phú lợi dụng tình hình khẩn cấp để kêu nài “tăng viện gấp cho Tây Nguyên”. Thiệu im lặng nghe Phú than vãn một hồi rồi đắn đo hỏi Cao Văn Viên:
          - Ông Tổng tham mưu trưởng cố tính lại xem, liệu còn có thể rút bớt một số đơn vị nào đó trong lực lượng tổng dự bị để tăng viện cho quân khu II được không?
          Viên cúi đầu suy nghĩ: ác một nỗi, ngay khi tiếng súng Buôn Ma Thuột vừa nổ thì tại các khu vực khác, đối phương cũng nổ súng phối hợp, quân khu nào cũng bị uy hiếp. Hàng triệu quân dàn ra khắp chiến trường mà cứ như chiếc chiếu của ăn mày, vừa ngắn, vừa rách lại vừa hẹp. Đắp được đầu thì hở chân, đắp được chân thì hở đầu. Hắn lắc đầu ngao ngán: “Trình Tổng thống, không còn biết moi ở đâu ra”.

Thiệu biết rõ tình hình nhưng cốt hỏi Viên chiếu lệ để có thêm lí do nói với Phú:

- Đấy trung tướng xem. Tình hình găng lắm. Các quân khu phải tự lo liệu thôi

- Làm ra vẻ thân mật, Thiệu hỏi Phú: “nếu không có quân tăng viện thì liệu anh giữ cái Tây Nguyên này được bao lâu?”

Một giọt máu “người hùng” chợt ngọ nguậy trong tim Phú. Hắn nói: Tôi sẽ cố thủ ở Plâyku. Tôi sẽ chết ở đây. Tôi sẽ cố giữ Tây Nguyên khoảng…1 tháng nhưng với một điều kiện là phải được yểm trợ tới mức tối đa bằng không quân, và phải được tiếp tế thật đầy đủ bằng súng đạn.

Thiệu mai mỉa: tưởng là giữ được mãi, chứ nếu đã dốc hết cả máy bay lẫn súng đạn ra mà chỉ giữ được một tháng thì giữ làm gì. Mà đánh nhau theo kiểu dốc cạn sức lực thì lấy gì mà giữ Sài Gòn và các nơi khác.

Các tướng tá ngụy ngồi im thin thít. Từng người đào sâu suy nghĩ, cố tìm cách gỡ thế bí. Cuối cùng Thiệu phụt ra một câu, làm mọi người thở phào: “Thôi! Không giữ được thì tạm rút”

Rồi Thiệu đắc chí, trình bày lại nước cờ “lùi xe để nổ pháo” mà người Mĩ khen là “diệu kế”. Nghĩa là tạm rút số quân còn lại ở Kon Tum, Plâyku về các vùng đồng bằng ven biển. Trước hết là bảo toàn lực lượng, tránh bị vây hãm và tiêu diệt. Sau nữa là nhử đối phương từ miền rừng núi mà họ vẫn quen tác chiến, kéo về vùng đồng bằng ven biển là nơi quân đội Cộng hòa có thể dễ dàng phát huy thế mạnh về pháo, xe tăng, máy bay và cả tàu chiến nữa. Tóm lại, từ Tây Nguyên hành quân về đồng bằng ven biển, đối phương phải hành quân xa, mệt mỏi; tiếp tế khó khăn; xa các căn cứ hậu cần, bộc lộ nhiều điểm yếu, dễ bị đánh bại. Quân đội Cộng hòa vùng ven biển có thêm lực lượng từ Tây Nguyên đến tăng cường, sẽ nghiền nát đối phương, rồi đánh thốc lên giành lại Kon Tum, Plâyku, Buôn Ma Thuột…

Nhưng rút theo đường nào? Đường 19 là con đường tốt nhất, rút nhanh nhất, nhưng lại bị đối phương cắt đứt. Đường 14 cũng đang bị đối phương ngăn chặn, chỉ còn lại đường số 7 là con đường cũ và xấu, nhưng có lẽ vì thế mà đối phương ít chú ý.

Thiệu phán: “Thế mà hay đấy. Cứ rút theo đường số 7. Có thế mới cao tay, đẩy đối phương vào thế bất ngờ. Đường xấu thì cho công binh đi trước, sửa tới đâu rút tới đó. Giữ bí mật triệt để kế hoạch rút quân. Chỉ rút quân chủ lực thôi, không cần cho địa phương quân biết. Cứ vứt mẹ chúng nó ở đó, mặc xác chúng nó chọi nhau với Cộng sản, dùng súng nó cản địch để quân ta rút lui an toàn”

Thực hiện kế hoạch, 14/3 địch rút khỏi Tây Nguyên

Rút khỏi Tây Nguyên là nước cờ sai lầm đầu tiên của Thiệu để rồi cả thế trận trên bàn cờ đổ vỡ.

Với ta, trước khi chiến dịch diễn ra, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiên đoán: nếu bị thua đau ở Tây Nguyên thì chúng có thể về củng cố ở đồng bằng, ta phải chủ động đánh quân rút chạy của chúng.

Cuộc rút quân của Thiệu đã bị quân ta chặn đánh quyết liệt. Ngày 24/3 chiến dịch toàn thắng.

Ta xóa sổ quân khu II của địch, giải phóng Tây Nguyên với hơn 60 vạn dân. Chiến thắng này đã mở ra khả năng sụp đổ không gì cứu vãn được của quân đội Sài Gòn. Nó đưa cuộc kháng chiến của ta sang một giai đoạn mới: từ tiến công chiến lược chuyển thành tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

 

b. Chiến dich Huế – Đà Nẵng (21 – 29/3/1975)

Thấy thời cơ chiến lược đến nhanh và thuận lợi, ngay khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn, Bộ Chính trị đi đến quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, trước hết là Huế – Đà Nẵng.

Nghe tin “vỡ Tây Nguyên”, bọn ngụy ở quân khu I vô cùng hoang mang, dao động như “cá nằm trên thớt”. Tư lệnh quân khu I là trung tướng Ngô Quang Trưởng – người được Mĩ đánh giá rất cao, được coi là một viên tướng cừ nhất thế giới – cố làm ra vẻ “cứng” để trấn an binh lính. Từ đại bản doanh tại Đà Nẵng, hắn lập tức đáp máy bay ra Huế để đôn đốc cấp dưới củng cố thế trận phòng ngự. Hắn tổ chức họp báo rùm beng rồi phồng mang, trợn mép trên truyền hình: “Huế sẽ chống cự tới cùng. Tôi quyết tử thủ và nếu cần, tôi sẽ chết cho mảnh đất cố đô này”

Phát hiện địch co cụm ở Huế, ngày 21/3 ta đánh thẳng vào căn cứ địch. Thành phố Huế mỗi lúc một náo loạn. Ngô Quang Trưởng vừa bốc phét “sẽ sống chết với Huế” thì lúc này vội vã chuồn lên máy bay để cút hẳn vào Đà Nẵng. Hàng vạn binh lính địch như rắn mất đầu, cuống cuồng lo sợ. Chúng cướp xe tải, xe khách, cướp thuyền đánh cá của dân để tìm cách thoát thân. Nhưng chưa kịp tháo chạy thì đã bị quân ta chặn đánh.

Ngày 25/3 các cánh quân của ta ào ạt tiến vào cố đô Huế

Đoàn xe tăng của ta hùng dũng tiến qua cầu Tràng Tiền. Năm 1968, cầu đã bị quân ta đánh sập khúc giữa. Mĩ phải xây thêm cầu mới bằng xi măng cốt thép rất kiên cố và rộng rãi, đủ cho xe tăng vận chuyển hai làn. Khi ta tiến vào Huế, bọn địch cuống quýt “bỏ của chạy lấy người” không kịp phá cầu. Công trình của Mĩ hóa ra là báu vật nghênh đón đoàn quân giải phóng của ta

Ngày 26/3 Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên được giải phóng. Cùng thời gian này, ta giải phóng ở nhiều nơi, tạo thêm hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam. Về phía địch, theo tính toán của Ngô Quang Trưởng, ta thu quân ở Huế để đánh vào Đà Nẵng được phải mất 1 tháng. Ta nhận định: trong thời gian một tháng, địch sẽ củng cố lực lượng ở các căn cứ mạnh hơn rất nhiều. Do đó, việc giải phóng Đà Nẵng là một nhiệm vụ cấp thiết, khẩn trương.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lệnh cho đồng chí Lê Trọng Tấn: “Thời gian dứt điểm Quảng Nam – Đà Nẵng chỉ trong vòng 3 ngày”.

27/3, ta bắt đầu tấn công Quảng Nam.

Sáng ngày 29/3 quân ta từ các hướng bao vây tấn công Đà Nẵng. Hơn 10 vạn địch ở đây hoảng loạn, mất hết khả năng chiến đấu. Chúng quyết định dùng máy bay lên thẳng, di tản người Mĩ và tướng tá ngụy khỏi vùng nguy hiểm. 15 giờ ngày 29/3, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng.

Ta đã loại bỏ toàn bộ quân đoàn I của địch, xóa bỏ quân khu I ngụy trên bản đồ, đẩy chúng vào tình thế kinh hoàng, tuyệt vọng. Ta đã tạo ra sức mạnh về mọi mặt để áp đảo kẻ thù.

c. Chiến dịch Hồ Chí Minh (26 – 30/4/1975)

Sau thất bại ở Tây Nguyên; Huế – Đà Nẵng, thế và lực của địch giảm sút đi nhiều. Chúng co cụm về cố thủ ở Sài Gòn. Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và quyết định: “Tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kĩ thuật và vật chất để giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa năm 1975”.

Chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1975, trên mọi miền đất nước, nhân dân ta đã sống trong những ngày hết sức sôi động và hào hùng. Cả dân tộc ra quân trong mùa Xuân lịch sử với tinh thần: “đi nhanh đến, đánh nhanh thắng”, “vận tốc một ngày bằng 20 năm”, với khí thế hừng hực “thần tốc, bất ngờ, táo bạo, chắc thắng”.

 

 

 

 

 

 

Ngày 9/4, ta tấn công Xuân Lộc – “lá thép chắn” bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông, cách Sài Gòn 60km. Trong số quân trấn giữ ở Xuân Lộc, Thiệu đặt nhiều hi vọng vào sư đoàn chủ lực 18 do Lê Minh Đảo chỉ huy. Hắn là sư đoàn trưởng “trẻ tuổi nhất và năng nổ nhất”, được Mĩ và Thiệu rất “cưng”. Đảo được thăng cấp trước niên hạn từ chuẩn tướng lên thiếu tướng. Vì Xuân Lộc là tuyến phòng ngự án ngữ cửa ngõ Sài Gòn nên địch liều chết chống cự tới cùng. Đảo hò hét, động viên binh lính: “thà phơi thây ở Xuân Lộc còn hơn chết chất đống ở Sài Gòn”.

Ngày 16/4 ta chọc thủng phòng tuyến Phan Rang của địch.

Trong cơn hấp hối, Mĩ vẫn tính đến việc đưa Nguyễn Cao Kỳ đứng ra tập hợp những phần tử phản động nhất, ngông cuồng nhất, ngoan cố nhất và hiếu chiến nhất. Kỳ kêu gọi: “biến Sài Gòn thành trận Xtalingrat”.

Nhưng chỉ chưa đầy 24 giờ, ngày 21/4 toàn bộ bộ máy quân sự của địch ở Xuân Lộc bị đập tan. Cùng ngày, Mĩ tìm cách “thay ngựa giữa dòng”. Trưa ngày 20/4, đại sứ Mĩ Matin gọi Thiệu đến dinh Độc Lập. Hắn yêu cầu Thiệu rút lui khỏi chức vụ Tổng thống. Tối 21/4, trước vô tuyến truyền hình, Thiệu sụt sùi tuyên bố xin từ chức và giới thiệu Trần Văn Hương lên thay. Sau khi phẫn uất than phiền người Mĩ “đem con bỏ chợ”, Thiệu lớn tiếng cam kết “chỉ đảo nhiệm chứ không đảo ngũ”, chỉ rút lui khỏi ghế Tổng thống nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu đến cùng “trên cương vị một người lính”.

Vậy mà, chưa đầy 5 ngày sau, Thiệu đã tót lên máy bay mang theo 3 tấn hàng hóa gồm nhiều vàng bạc, châu báu tếch thẳng sang Đài Loan từ lúc tờ mờ sáng.

Ngày 23/4, Tổng thống Pho cay đắng  tuyên bố: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt với người Mĩ”.

17 giờ ngày 26/4, ta tấn công vào Sài Gòn bằng 5 cánh quân. Các pháo lớn của quân đoàn II thi nhau trút bão lửa sấm sét xuống đầu quân địch. Ngày 28/4, nhân dân Sài Gòn được chứng kiến một pha rất ngoạn mục. Chiều hôm đó, Trần Văn Hương vừa từ chức Tổng thống ngụy và trao quyền cho Dương Văn Minh thì đột nhiên xuất hiện 5 máy bay A37 của Mĩ trút bom như mưa xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Người chiến sĩ không quân dẫn đầu tốp 5 máy bay đó là Nguyễn Thành Trung. Tên thật của anh là Đinh Thành Trung, con trai Đinh Văn Dậu – bí thư huyện ủy Chơn Thành – Bến Tre. Thành Trung được tổ chức bố trí hoạt động ngay trong lòng địch khi cha anh vừa bị địch giết. Cách mạng đã làm cho anh một lí lịch giả, căn cước giả mang tên Nguyễn Thành Trung. Anh được học tại trường đào tạo hoa tiêu tại Nha Trang, sau đó được cử sang Mĩ học lái máy bay A37 và F5E.

Thông minh, dũng cảm, Thành Trung vừa hoạt động, vừa bí mật liên lạc với cách mạng. 8/4 cấp trên chỉ thị cho anh về vùng giải phóng, lái máy bay F5E ném bom xuống dinh Độc Lập khủng bố tinh thần quân ngụy. Sau đó nhận trách nhiệm đào tạo một số phi công của ta lái máy bay A37.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Thành Trung đã đào tạo được một phi đội bay gồm 5 người do anh dẫn đầu.

Khi máy bay của ta vừa tới vùng trời Tân Sơn Nhất thì địch kịp thời phát hiện. Chúng hốt hoảng, lúng túng hỏi: “A37 của phi nào đấy?”. Thành Trung hóm hỉnh trả lời: “A37 của Mĩ đây”. Bọn địch thoáng mừng tưởng có máy bay tiếp viện thì bất thình lình máy bay đã bổ nhào trút bom như bão xuống sân bay. Những cột khói do Thành Trung ném xuống là “cọc chuẩn” để 4 chiếc sau tuần tự trút bom. Vậy là bọn địch lại phải hứng chịu một đòn trời giáng.

Trận đánh bom táo bạo vào sân bay Tân Sơn Nhất càng làm tăng thêm sự rối loạn trong hàng ngũ địch.Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ lệnh cho 5 cánh quân chuẩn bị sẵn sàng để sáng 29/4 mở cuộc Tổng công kích vào nội thành Sài Gòn. Bản chỉ thị vạch rõ: cần phải tấn công đồng loạt, nhanh chóng tiến gấp tới các mục tiêu chủ yếu đã phân công cho từng đơn vị, bỏ qua các mục tiêu khác trên dọc đường tiến quân, để cuộc tổng công kích sớm thu được thắng lợi quyết định và giòn giã.

Căn cứ vào chỉ thị trên, đúng 5h sáng ngày 29/4, 5 cánh quân đều đồng loạt nổ súng mãnh liệt rồi ồ ạt tiến vào trung tâm thành phố. Xe tăng đi trước, bộ binh, cơ giới nườm nượp theo sau.

Suốt ngày 29/4, tiếng súng nổ rung chuyển trong các quận nội thành. Từng đoàn máy bay lên thẳng của Mĩ hối hả vét nốt những tên lính Mĩ còn lại ra khỏi thành phố. Mờ sáng ngày 30/4, chiếc máy bay cuối cùng của Mĩ chở quan chức cuối cùng của Mĩ là đại sứ Matin cũng vội vàng chuồn thẳng.

Nguyễn Cao Kỳ cướp vội một máy bay lên thẳng, tự cầm lái bay vọt ra hướng biển. Rồi đến tướng Cao Văn Viên, tướng Trần Văn Đôn cũng vội vàng chạy “bán sống, bán chết” lên máy bay để thoát thân.

Tổng thống Pho kêu gào: “Tôi yêu cầu người Mĩ hãy siết chặt hàng ngũ, hãy lãng quên cuộc chiến tranh Việt Nam để tránh cãi vã về quá khứ”.

Tại dinh Độc Lập, đại tướng Dương Văn Minh vừa nhậm chức Tổng thống chưa đầy 48 giờ đang triệu tập một phiên họp khẩn cấp. Bỗng rầm một tiếng. Tất cả hốt hoảng khi thấy xe tăng của ta húc đổ cánh cổng sắt tiến vào sân. Theo sau là một loạt xe gip, cơ giới chở đầy các chiến sĩ giải phóng.

 

 

Thấy một tốp sĩ quan cách mạng bước nhanh vào phòng, chính phủ ngụy quyền bối rối đứng dậy chào. Dương Văn Minh cố trấn tĩnh, lắp bắp nói: “Thưa các quí ông, chúng tôi đang chờ các quí ông tới để thương lượng việc bàn giao”.

Đồng chí Bùi Tín – đặc phái viên báo Quân đội nhân dân mỉm cười nói: “Người ta không thể bàn giao cái không có được. Các ông còn gì nữa để bàn giao. Ngụy quân, ngụy quyền đang tan rã, sụp đổ. Tốt hơn là các ông nên ra lệnh cho các đơn vị còn lại hạ súng đầu hàng”.

Đúng 10 giờ 45 phút ngày 30/4, tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện.

Từ trên đỉnh nóc dinh Độc Lập, lá cờ giải phóng với ngôi sao vàng rực rỡ được kéo lên giữa tiếng reo hò, hoan hô rầm trời của đoàn quân chiến thắng, của nhân dân

Bình luận :