NGOẠI KHÓA “VÔ CẢM VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG NHÂN LOẠI”

 Thực hiện kế hoạch giáo dục học sinh của nhà trường, kế hoạch ngoại khóa của các thầy cô giáo chủ nhiệm, sáng ngày 14 tháng 5 năm 2018 đã diễn ra chương trình ngoại khóa của các chi đoàn 11a6, 7, 8 với chủ đề “Vô cảm và tình yêu thương nhân loại”

          Chương trình đã được chuẩn bi khá chủ động của học sinh 3 chi đoàn. Các em đã có những nhận thức rõ ràng, đúng đắn về chủ đề của buổi ngoại khóa. Thông qua tiểu phẩm, lời ca tiếng hát các em đã mang đến những cung bậc cảm xúc rất chân thật về vô cảm, nó đang hiện hữu ngay trong cuộc sống của chúng ta cũng như ý nghĩa của tình yêu thương giữa con người với con người mà cao hơn là tình yêu thương nhân loại

          Con người sống trên đời là để được chia sẻ , để được yêu thương và mở rộng tấm lòng nhân ái với mọi người tình yêu thương chân chính có sức mạnh cảm hóa con người. Cuộc sống hiện đại, nhiều người chạy theo những giá trị vật chất hay những mục tiêu lớn lao mà thờ ơ vô cảm ngay với những người xung quanh, đó là người mẹ già, người vợ tảo tần, những người đồng nghiệp của mình.  Sau tất cả tình yêu thương của mọi người khiến nhân vật vốn vô cảm phải thay đổi cách làm, cách nghĩ và xa hơn là có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Đó chính là thông điệp mà tiểu phẩm YÊU THƯƠNG KHÔNG BAO GIỜ MUỘN mang lại

          Vô cảm trở thành một căn bệnh xã hội,  nghĩa là mỗi người sống với nhau hờ hững như những con rô bốt không có cảm xúc. Có một khảo sát  tầm Quốc tế cho thấy, người Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới về sự vô cảm. Quả thực đây  là một con số thống kê khiến chúng ta có thể giật mình. Vô cảm đang ngày càng lan truyền trong từng thế hệ của chúng ta,  nó làm chết dần tấm lòng thiện nguyện trong mỗi con người của một dân tộc vốn được biết đến nhờ tình đoàn kết và yêu thương. Trong cuộc sống xung quanh chúng ta có biết bao hành động vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Những câu hỏi mà cặp MC Thùy Trang, Việt Dũng nêu ra cũng có thể đã chạm đến “ tấm lòng” của ai đó. Có thể chúng ta cũng đã từng có những hành động, suy nghĩ như vậy

          Bạn đã bao giờ đứng xem và cổ vũ cho những hành vi bạo lực học đường trong ngoài nhà trường?

           Bạn đã bao giờ ngó lơ không mảy may xúc động trước một mất mát đau thương của người khác?

          Bạn đã từng tiếc năm bảy nghìn tiền ăn sáng để chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh ?

          Bạn đã từng bĩu môi dè bỉu những người tàn tật chưa?

          Tất cả đó và còn hơn thế nữa là những biểu hiện của căn bệnh vô cảm đang ăn sâu vào trong đời sống của chúng ta. Phải chăng xã hội càng hiện đại thì con người càng vô cảm. Hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, hay cuộc sống của mình chúng ta không khó để thấy những hành động lời nói vô cảm. Quả thực  Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt ( Martin LutherKing)

           Điều mà xã hội, chúng ta đang cần là tình yêu thương con người, tình yêu thương nhân loại. Tình cảm này trước hết bắt nguồn từ tình yêu thương đối với những người thân trong gia đình sau đó là những người đang cần sự giúp đỡ, những mảnh đời thiệt thòi.

          Trong phần giao lưu với khán giả, chương trình đã có những câu hỏi liên quan đến chủ đề để các bạn học sinh nhận thức rõ hơn về những việc làm thể hiện tình yêu thương con người với con người  Hầu hết các thầy cô giáo và học sinh đều rất ấn tượng với các câu hỏi như|:

          1. Hãy kể tên các hoạt động mà Nhà trường,  Đoàn trường đã tổ chức thể hiện tình yêu thương, đùm bọc giữa con người với con người.

          2. Bạn hãy kể tên các chương trình truyền hình mang ý nghĩa nhân đạo , yêu thương  mà bạn biết

          3. Bạn hãy đọc 1 hoặc 2 câu ca dao tục ngữ, danh ngôn có ý nghĩa khuyên răn con người sống cần có tình yêu thương.

 

 

          Quả thực,  qua những phong trào mà nhà trường và Đoàn trường phát động như mua tăm ủng hộ người mù, quyên góp mì tôm gửi đến đồng bào lũ lụt hay ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam các em học sinh đã thực hiện được những hành động có ý nghĩa, thể hiện được sự quan tâm, yêu thương giữa con người với con người. Với câu hỏi về ca dao tục ngữ các các em đã có dịp ôn lại truyền thống nhân đạo quý báu của dân tộc ta.

          Xuất phát từ ý nghĩa, thông điệp của chương trình cũng như kế hoạch về Chuyến đi thiện nguyện của nhà trường tại trung tâm chăm sóc người già và trẻ em tàn tật ở Ba Vì với mục đích thăm hỏi và động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh vô cùng thiệt thòi, chương trình đã có lời kêu gọi học sinh biết yêu thương đồng cảm, biết chia sẻ bằng tấm lòng, bằng vật chất với những mảnh đời bất hạnh ấy. Lời kêu gọi đã được đông đảo các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình trên nền bài hát Đứa bé  do tốp ca trình bày.


Các thấy cô giáo và các em học sinh hào hứng tham gia quyên góp tiền thiện nguyện

          Toàn bộ số tiền thu được đại diện các em học sinh khối buổi sáng đã gửi đến Ban Giám hiệu để có thể gửi tấm lòng của các em đến những người đang rất cần được sẻ chia, giúp đỡ trong chuyến thiện nguyện ngày 19 tháng 5 năm 2018 của nhà trường.

          Chương trình khép lại với màn đồng diễn ấn tượng và đặc sắc trên nền nhạc  “ Sẻ chia từng khoảnh khắc “


Cô Nguyễn Thị Huệ và thầy Nguyễn Văn Đằng đại diện BGH nhận món quà ý nghĩa của thầy cô và các em học sinh

          Qua buổi ngoại khóa ngắn gọn nhưng ý nghĩa 3 chi đoàn 11a6, 7,8 đã gửi đến thông điệp HÃY YÊU THƯƠNG KHI CÒN CÓ THỂ, BỞI KHI YÊU THƯƠNG VÀ SẺ CHIA THÌ CHÚNG TA SẼ THẤY BẢN THÂN MÌNH SỐNG CÓ ÍCH, SỐNG ĐẸP HƠN.

                                                                    Thực hiện: Vương Thị Yến

Bình luận :