Ngoại khóa chủ đề “Văn hóa ứng xử học đường” (2022-2023)

Văn hóa ứng xử có vai trò to lớn trong việc hình thành nhân cách con người và việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường là một hoạt động giáo dục vô cùng cần thiết nhằm đưa ra các chuẩn mực văn hóa giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, xây dựng cơ sở để đảm bảo chất lượng giáo dục của Nhà trường.

Thực hiện kế hoạch năm học 2022 -2023, ngày 24/04/2023 tập thể lớp 10D3, 10D4, 10D5 đã phối hợp thực hiện thành công buổi ngoại khóa chủ đề “Văn hóa ứng xử học đường”.

Buổi ngoại khóa được mở đầu bằng tiết mục nhảy đặc sắc và rất sôi động với tên gọi Mash-up Vũ điệu thanh xuân- Nụ cười 18, 20 và Tình bạn diệu kỳ do tập thể lớp 10D4 biểu diễn. Tiết mục đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ phía các Thầy cô giáo và các bạn học sinh.  

Tiếp theo chương trình là phần giới thiệu đầy ấn tượng của hai MC Vương Chung và Mạnh Quân về nội dung cụ thể của buổi ngoại khóa. Trước tiên là phần thuyết trình về khái niệm văn hóa ứng xử trong trường học. Văn hóa ứng xử là một biểu hiện của giao tiếp, là sự phản ứng của con người trước sự tác động của người khác với mình trong một tình huống nhất định được thể hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, cách nói năng của con người nhằm đạt kết quả tốt trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Văn hóa ứng xử học đường thực chất là đề cập đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói của giáo viên, học sinh, sinh viên trong giao tiếp với mọi người xung quanh.

  

Tuy nhiên thực trạng văn hóa học đường ngày nay đang trở thành một vấn đề nhức nhối cần xã hội lưu tâm. Tình trạng học sinh hư hỏng tuy không phổ biến nhưng trường nào cũng có, không những ảnh đến phong trào chung mà còn ảnh hưởng đến nhân cách các học sinh khác. Nếu không xử lý tận gốc rất dễ tạo hiện tượng ‘domino’ kéo theo sự sụp đổ hàng loạt. Đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ học sinh đang đi lệch chuẩn. Những hiện tượng nói tục chửi thề, hoặc sử dụng “mật ngữ tuổi teen” không chỉ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt mà nó còn là biểu hiện của việc coi thường quy tắc lịch sự văn minh khi giao tiếp. Chưa kể học sinh gặp thầy cô không chào hỏi, nói xấu thầy cô bằng những ngôn từ vô lễ. Học sinh ngày nay “thần tượng” các “giang hồ mạng” một cách cuồng nhiệt: bắt chước nhuộm tóc, đeo khuyên tai, xăm trổ, ăn mặc bụi bặm và nhiễm từng lời ăn tiếng nói tục tĩu thiếu văn hóa từ các hiện tượng mạng đó như một trào lưu…

Một trong những thực trạng rất phổ biến về văn hóa ứng xử trong trường học hiện nay đã được thể hiện rất rõ qua tiểu phẩm kịch ngắn với chủ đề “Văn hóa chào hỏi học đường” do các bạn học sinh lớp 10D5 thể hiện. Vở kịch gây ấn tượng bởi diễn xuất tự nhiên, các tình huống, ngôn ngữ gần gũi với trường học và học sinh. Qua đó giúp các em học sinh nhận thức đúng đắn và rõ rang hơn về văn hóa chào hỏi, sự lễ phép tôn trọng thầy cô và cán bộ nhân viên trong trường.

Kết thúc vở kịch là phần câu hỏi giao lưu “Hỏi xoáy đáp xoay” rất thú vị với khán giả. Nội dung của phần này xoay quanh các câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tình huống về các hành vi, ứng xử đạt chuẩn và chưa chuẩn của học sinh trong nhà trường. Phần thi đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình từ các bạn học sinh dưới sân trường.

Phần cuối của buổi ngoại khóa tập trung đề cập đến nguyên nhân dẫn đến những hiện tượng văn hóa ứng xử chưa văn minh ở môi trường học đường, những hệ lụy đang diễn ra và những giải pháp cần tiến hành để xây dựng văn hóa ứng xử chuẩn mực trong trường học. Các em cũng đưa ra những việc cụ thể mà mỗi học sinh cần làm để trở thành những học sinh có văn hóa, có hành vi và ứng xử đúng đắn, chuẩn mực trong môi trường học đường.

Thực hiện: Nguyễn Thị Hoa
Duyệt bài: NTH

 

Bình luận :