Lịch sử của dân tộc Việt Nam là những trang lịch sử hào hùng, bất khuất chống giặc ngoại xâm, dựng nước và giữ nước:

“ Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời xây nền độc lập Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau Song hào kiệt đời nào cũng có” Bình Ngô Đại cáo


Một lần nữa lịch sử đã minh chứng.

Nửa sau thế kỉ XIX đến năm 1945, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã vùng lên làm cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhưng ngay sau đó, Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động toàn quốc kháng chiến thần thánh. Với tinh thần “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” lực lượng tự vệ và nhân dân thủ đô đã chiến đấu kiên cường.

Trong 9 năm kháng chiến thần thánh đó, sức mạnh dân tộc, sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng và trí tuệ Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “ vang dậy năm châu, trấn động địa cầu

Pháp- kẻ nhiều năm trước hùng hổ với xe tăng, đạn dược cùng bầy lính hung hăng tái chiếm Hà Nội, trong thời điểm này lại là kẻ phải ngồi vào bàn đàm phán trong thế yếu, ngậm ngùi kí Hiệp định Giơnevơ (7/ 1954) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hơn 2 tháng sau, người Pháp lại phải kí vào văn bản lịch sử trả Hà Nội cho người Hà Nội, trả lại Thủ đô ngàn năm văn hiến cho nước Việt. Thủ đô lại trở về với Tổ quốc độc lập, tự do kết thúc một chặng đường lịch sử đầy hi sinh gian khổ nhưng rất oanh liệt, vẻ vang của nhân dân Hà Nội và nhân dân cả nước. Đó là kết quả sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ tịch, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hy sinh chiến đấu của toàn dân suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ để “làm một Điện Biên" và "nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng" (Tố Hữu).

Lịch sử bước sang một trang mới.

Đến nay 60 năm đã trôi qua nhưng có lẽ trong kí ức của người Hà Nội và nhân dân cả nước vẫn không thể quên những giờ phút, hình ảnh của ngày tháng Mười lịch sử đó (10/10/1954 ).

Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đội hình của Đại đoàn Quân Tiên phong 308 tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ngày giải phóng Thủ đô diễn ra đúng như nhạc sĩ Văn Cao đã tưởng tượng và sáng tác ca khúc "Tiến về Hà Nội" từ năm 1949:

Trùng trùng quân đi như sóng

Lớp lớp đoàn quân tiến về

Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng

Cờ ngày nào tung bay trên phố

Trùng trùng say trong câu hát

Lấp lánh lưỡi lê  sáng ngời

Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về

Cả cuộc đời tươi vui về đây

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về...

Ngày giải phóng Thủ đô đã diễn ra như ngày hội.

5h sáng hết giới nghiêm, Hà Nội như bừng tỉnh sau những đêm dài gian khổ chiến đấu chống kẻ thù xâm lược; nhà nào cũng thức dậy sớm hơn để tận hưởng niềm vui của một ngày mới hòa bình. Người dân Hà thành háo hức, tưng bừng, nhộn nhịp với không khí thiêng liêng của ngày Hội chiến thắng - Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Nhân dân quần áo chỉnh tề, từng đoàn người cờ hoa rực rỡ đổ ra các hè phố, các con đường được thông báo trước sẽ có bộ đội đi qua, nụ cười luôn nở trên môi. Phố phường Hà Nội rực rỡ cờ, hoa và khẩu hiệu.


8h sáng, các đơn vị trong Đại đoàn 308 quân phục chỉnh tề, huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cài trên ngực áo trở về trong lòng nhân dân Hà Nội giữa một rừng cờ hoa trong sự đón mừng nồng nhiệt của đồng bào.

Anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô và  Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54 Trần Đông dẫn đầu đội hình bộ binh tiến từ khu vực Mai Dịch qua ô Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Đẫy, vườn hoa Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Gai ra Bờ Hồ, qua Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Cửa Bắc vào thành Hà Nội.

Tiến sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới. Hơn 100 xe Molotova nước sơn màu lá mạ còn mới tinh khôi, cánh cửa in phù hiệu sao vàng trên nền đỏ, nối đuôi nhau tiến vào nội thành. Trên xe, các chiến sỹ ngồi ngay ngắn, súng dựa trên sàn, lưỡi lê tuốt trần sáng loáng.

Dẫn đầu đội hình cơ giới là xe Tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố. Tiếp theo đó là xe của bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, rồi đến xe của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn .

Sau đoàn Molotova chở bộ binh là đội hình pháo binh. Những khẩu đội pháo cao xạ nòng súng vươn thẳng trời cao với các chiến sĩ ngồi nghiêm trang trên mâm pháo.

Đoàn quân đi đến đâu là tiếng reo hò nổi lên như sóng dậy. Đường phố rực màu cờ, chật ních người. Những gương mặt rạng rỡ, nụ cười ánh mắt, tay vẫy và những giọt lệ. 
                         

Buổi chiều là lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ chiến thắng của Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Trời thu Hà Nội xanh ngắt, điểm một sắc cờ đỏ thắm tựa bông hoa.

 

Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có  ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Thủ đô ta hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi đi vào xây dựng xã hội mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. 

 

60 năm đã trôi qua kể từ ngày tháng Mười lịch sử đó, Hà Nội của chúng ta hôm nay rực rỡ và hào hoa, lung linh và tươi đẹp. Đất nước yên bình và vững bước trên con đường hội nhập. Thế nhưng những kí ức về chiến tranh, về những ngày tháng lịch sử hào hùng cùng sự hi sinh xương máu của thế hệ đi trước vẫn khắc sâu trong chúng ta qua những bài học lịch sử, những áng văn thơ truyền cảm.

Đối với thế hệ trẻ, nhìn về quá khứ không phải là ôn lại những mất mát, đau thương mà để nhắc nhở rằng cha ông chúng ta đã sống và hi sinh như thế. Từ đó các em thấy tự hào và sống sao cho đúng với dòng máu Lạc hồng đang rực chảy trong huyết quản của mình, thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trong những ngày tháng lịch sử này, Hà Nội chuẩn bị tròn 60 năm giải phóng, mỗi người con đất Việt, dù không phải sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng đều hướng về Hà Nội với tình cảm vô cùng thiêng liêng. Có lẽ đơn giản bởi một điều: Hà Nội là trái tim của cả nước. Còn với chúng ta, những “công dân thủ đô”, đã, đang và sẽ làm gì để xứng đáng và phát huy truyền thống “ngàn năm văn hiến” của mảnh đất “ rồng thiêng hội tụ”?

Tôi thiết nghĩ rằng, mỗi người trong chúng ta phải làm điều gì đó để đóng góp cho Hà Nội ngày một tốt đẹp hơn, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước. Đó có thể đơn giản là những việc làm nho nhỏ như giữ gìn vệ sinh thôn xóm, phố phường, gìn giữ nếp sống thanh lịch văn minh. Và cao hơn chút là phấn đấu hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ của mình. Đơn giản bởi theo tôi khi mỗi người sống tốt, làm việc tốt thì mỗi gia đình, khu phố, công sở đều trở nên tốt hơn. Hà Nội sẽ vững bước hơn khi có những công dân như thế. Tôi hi vọng mỗi người sẽ hiện thực hóa tình yêu Hà Nội bằng những việc làm giản dị như vây.

       Nguyễn Thị Thắm


Bình luận :