Kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam
Sáng 6/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016).
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các bậc lão thành cách mạng; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đại biểu nhân sỹ trí thức cùng đông đảo đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ.
Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào Pa-ny Ya-tho-tu; Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Hêng Xom-rin; đại diện Đoàn Ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội đã tới dự, chúc mừng Quốc hội và nhân dân Việt Nam nhân ngày lễ kỷ niệm trọng đại này.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đọc Diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Cách đây 70 năm, ngày 6/1/1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến..., đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ, trực tiếp và bỏ phiếu kín, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hòa dân chủ; nước ta chẳng những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là thắng lợi của tinh thần yêu nước, truyền thống giữ vững độc lập, tự do của dân tộc; thắng lợi của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được thiết lập trên đất nước Việt Nam; thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Thắng lợi này, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là "kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của Tổ tiên ta, là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc".
Trải qua 70 năm, với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Các thế hệ đại biểu Quốc hội luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí tuệ, xứng đáng là đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; nhiều đại biểu đã chiến đấu anh dũng, hy sinh, cống hiến, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư khẳng định: Sự ra đời của Quốc hội là thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quá trình hình thành và sự ra đời của Quốc hội là kết tinh của sự lựa chọn đúng đắn, kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước với những giá trị phổ quát của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và quy luật phát triển của lịch sử. Quốc hội luôn luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, luôn được khẳng định một cách nhất quán và xuyên suốt trong Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, được thể chế hóa trong các bản Hiến pháp của nước ta. Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa, không ngừng đổi mới và hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân ủy thác. Quốc hội luôn nắm vững và vận dụng đúng đắn đường lối, quan điểm và các chủ trương của Đảng vào các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản do thành tựu của công cuộc đổi mới 30 năm qua mang lại, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, hơn bao giờ hết, cần phải đoàn kết chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tận dụng thời cơ, thuận lợi, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong thời gian tới là rất nặng nề. Quốc hội cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của 70 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, để từ đó, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Cùng với đẩy mạnh hoạt động lập pháp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội; tăng cường giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, giải trình tại Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; gắn kết hơn nữa giữa giám sát của Quốc hội với kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân. Đồng thời, Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng thực chất hơn, bảo đảm lợi ích quốc gia, phù hợp ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nhất là việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về tài chính, ngân sách nhà nước, về tổ chức bộ máy nhà nước, dự án, công trình quan trọng quốc gia; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, cụ thể hóa chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ những điều kiện thuận lợi để triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ngoại giao nghị viện, góp phần thực hiện thành công đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.
Tổng Bí thư chỉ rõ: Năm 2016 và những năm tiếp theo, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta có nhiệm vụ nỗ lực phấn đấu, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; đồng thời chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân.
Tổng Bí thư tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị; sự ủng hộ và giám sát của nhân dân; sự hợp tác và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Quốc hội nước ta trong thời gian tới sẽ phát huy những kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 70 năm qua, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và phương thức hoạt động, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.
Đại diện cho các đại biểu Quốc hội qua các nhiệm kỳ, đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, là đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI đã ôn lại quá trình công tác, cống hiến với những kỷ niệm, dấu ấn tốt đẹp không thể nào phai trong những năm tháng tham gia hoạt động Quốc hội: “Với 15 năm hoạt động nghị trường, học tập tấm gương, lĩnh hội tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta là “Nước lấy dân làm gốc”, tôi luôn xác định việc lắng nghe, học hỏi từ nhân dân làm nền tảng trong công tác, qua đó đã giúp tôi tích lũy thêm nhiều tri thức, kinh nghiệm quý báu; đồng thời cũng vui mừng khi biết được nhiều đại biểu Quốc hội đã rất tận tâm, tận lực, đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vì sự đổi mới của Quốc hội, vì sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Làm đại biểu Quốc hội - đại biểu của nhân dân, tôi luôn ý thức được quyền của Quốc hội là quyền của cử tri và nhân dân trao cho. Để hoàn thành trọng trách được giao, tôi đã không ngừng rèn luyện, học tập và nỗ lực phấn đấu, cống hiến hết mình cho nhân dân, đất nước; đồng thời xác định đúng và thực hiện tốt mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri và nhân dân, vì đó không chỉ là trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của đại biểu Quốc hội mà còn là nhân tố quan trọng quyết định đối với chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội và Quốc hội. Kinh nghiệm cho thấy, nếu đại biểu Quốc hội tiếp xúc, gắn bó chặt chẽ, lắng nghe ý nguyện, chia sẻ cuộc sống của cử tri và nhân dân, sẽ có nhiều thông tin thiết thực từ thực tiễn, tránh được tình trạng chủ quan, duy ý chí trong việc góp ý kiến, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Quốc hội, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của cử tri và nhân dân trong việc chấp hành, thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. Ngược lại, mối quan hệ này lỏng lẻo, không khăng khít, vô cảm, thiếu trách nhiệm thì hơi thở của cuộc sống không vào được với Quốc hội, hệ quả chính sách sẽ không đi vào được đời sống xã hội, quyền lực nhân dân trao cho Quốc hội bị hạn chế.”
Vinh dự và tự hào được đại diện cho đại biểu Quốc hội trẻ và thế hệ trẻ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ, trải qua 13 khoá, việc lựa chọn các đại biểu trẻ để giới thiệu bầu tham gia Quốc hội luôn được quan tâm; số lượng và chất lượng đại biểu trẻ từng bước được nâng cao. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội trẻ dưới 40 tuổi đạt mức trung bình khoảng 15%, trong đó có những khoá rất cao như khoá I là 70,7%. Nhấn mạnh, đối với đại biểu trẻ, là thành viên của các cơ quan quyền lực cao nhất vừa là vinh dự, cơ hội để rèn luyện bản thân, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi trách nhiệm hết sức lớn lao với tư cách là người đại diện cho nhân dân, dù ở khoá nào, thời kỳ nào, những đại biểu Quốc hội trẻ luôn tham gia và đóng góp tích cực cho sự trưởng thành lớn mạnh của Quốc hội, của nền lập pháp nước nhà, của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhiều đại biểu trẻ đã có sự trưởng thành vượt bậc, đóng góp, cống hiến xứng đáng cho đất nước trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, hoàn thành nhiệm vụ cao cả của người đại biểu nhân dân. “Những đại biểu Quốc hội trẻ tuổi, đại diện sự nhiệt huyết, sáng tạo luôn ý thức được rằng mình được Đảng, Nhân dân trao niềm tin, mình phải có trách nhiệm tiếp bước các thế hệ cha anh, nỗ lực không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, tham gia tích cực vào các nhiệm vụ chính trị của Quốc hội; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng và tín nhiệm của Nhân dân” - đồng chí Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Ngay từ những ngày đầu đất nước còn trong trứng nước, trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, Nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng xung quanh Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, trao cho Quốc hội trọng trách ban hành Hiến pháp và lập nên các thiết chế của Nhà nước dân chủ nhân dân. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Quốc hội luôn gắn bó với Nhân dân, mang trong mình sức mạnh của Nhân dân, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Mỗi bản Hiến pháp, mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, là sự kết hợp nhuần nhuyễn “ý Đảng, lòng Dân”. Mỗi thành quả của Quốc hội là kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là sự phối hợp và cộng đồng trách nhiệm giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hệ thống chính trị; là niềm tin, sự gửi gắm, đồng thuận, đồng tình, ủng hộ của Nhân dân và toàn xã hội; là sự chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, mỗi chúng ta đều có quyền tự hào về truyền thống vẻ vang và tin tưởng vào sự vững vàng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội; đồng thời đây cũng là dịp để ôn lại những chặng đường lịch sử đã đi qua, kế thừa, phát triển những giá trị tinh hoa, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển đất nước và sự mong đợi của Nhân dân. |
||||||
Kim Thanh Nguồn Báo Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam |
Bình luận :