Kỳ niệm 40 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 12/1972 - 12/2012 (phần 2)

Thực hiện Kế hoạch số 9523 /KH-SGD&ĐT ngày 29/10/2012 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2012, Trường THPT Cao Bá Quát-Quốc Oai xin đăng toàn văn phần 2 đề cương dưới đây.

 

Phần thứ hai

 

NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI, Ý NGHĨA LỊCH SỬ,   BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CHIẾN THẮNG  “HÀ NỘI  - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”                                                        

 

1. Nguyên nhân thắng lợi

 

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” cách đây 40 năm do nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản nhất đó là: 

 

 

a. Có sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương

 

- Sớm tiên đoán được âm mưu, ý đồ của đế quốc Mỹ: ngay từ cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội. Phải dự kiến mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

 

- Đầu tháng 12/1972, Bí thư Thứ Nhất Lê Duẩn đã xuống Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày về kế hoạch đánh B.52 của Quân chủng. Tại đây, Bí thư Thứ Nhất Lê Duẩn đã chỉ thị: "Để gây sức ép với ta trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng Không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng"

- Quân ủy Trung ương đã kịp thời chỉ đạo các lực lượng vũ trang, mà trực tiếp là Quân chủng PK-KQ, xây dựng kế hoạch tác chiến phòng không chống địch tập kích bằng B.52 vào Hà Nội.

 

- Cuối tháng 11/1972 Quân ủy Trung ương lại nhắc nhở: "Đế quốc Mỹ có thể liều lĩnh dùng B.52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng”...

 

b. Quân và dân ta luôn chủ động, sáng tạo trong chiến đấu chống lại cuộc tập kích đường không chiến lược 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 của Mỹ

 

- Trong một buổi họp quan trọng của Bộ Quốc phòng tháng 11/1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định: Âm mưu của Mỹ cho B.52 đánh Thủ đô Hà Nội, linh hồn của cuộc kháng chiến sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô.

 

- Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các đồng chí Tổng tham mưu phó QĐNDVN như Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B.52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng PK-KQ. Sau khi ký duyệt, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp ra lệnh: "Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3 tháng 12 năm 1972" và còn dặn thêm: "Trước ngày Ních-xơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, các đồng chí phải nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ... phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B.52 mà tiêu diệt".

- Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo biên soạn tài liệu Cách đánh B.52 để huấn luyện cho các đơn vị Phòng không - Không quân; đồng thời, tiến hành điều chỉnh lực lượng, bổ sung vũ khí trang bị, điều các đơn vị phòng không chủ lực về các địa bàn trọng điểm, xây dựng thế trận phòng không 3 thứ quân, chấn chỉnh công tác bảo đảm phục vụ chiến đấu... Các đơn vị tên lửa, rađa, phòng không đều chủ động triển khai nghiên cứu cách đánh B.52 tại chỗ. Đồng thời, Bộ Tổng tham mưu đã đưa một số đơn vị vào Khu 4 trực chiến để đúc rút kinh nghiệm, thậm chí trong chiến dịch Quảng Trị đưa tới 4 trung đoàn vào tham chiến cùng các lực lượng phòng không tại chỗ nhằm tìm ra cách đánh B.52 hiệu quả nhất.

- Trước 3 tháng diễn ra cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội và Hải Phòng, ta đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch chiến dịch đánh B.52, chuẩn bị và điều chỉnh bố trí lực lượng, xác định nghệ thuật tác chiến chiến dịch phòng không... Chính vì vậy, khi cuộc tập kích chiến lược của không quân địch diễn ra, ta đã không bị bất ngờ về chiến lược, chiến dịch cũng như chiến thuật.

- Ngày đầu tiên B.52 đánh phá Hà Nội, Bộ Tổng tham mưu đã phát lệnh báo động trước 25 phút, những ngày sau đó, ta thường phát hiện B52 trước 30 phút. Nhờ phán đoán đúng âm mưu của địch, hạ quyết tâm kịp thời và chính xác, chuẩn bị đồng bộ, quân và dân ta đã giành được thế chủ động ngay từ đầu và duy trì trong suốt chiến dịch.

- Lần đầu tiên đương đầu với cuộc tập kích chiến lược bằng siêu pháo đài bay B.52 và các loại vũ khí tối tân hiện đại của Mỹ, các lực lượng vũ trang của ta đã tìm ra cách đánh hay, phù hợp điều kiện thực tế về trang bị. Bộ đội rađa qua thực tế chiến đấu đã tách được B.52 ra khỏi nền nhiễu và tách được B.52 ra khỏi lực lượng hộ tống trong một khối nhiễu dày đặc. Bộ đội tên lửa đã khắc phục được những hạn chế về tính năng binh khí kỹ thuật, phân biệt mục tiêu thật và giả, tránh được tên lửa tự dẫn của máy bay địch (tên lửa không đối đất), nhận diện được B.52, tạo cho mình thế trận có lợi nhất để tiêu diệt mục tiêu. Quân và dân ta đã nghiên cứu phát hiện điểm mạnh, yếu của địch, bảo đảm lực lượng nào cũng có thể hạ máy bay, vũ khí nào cũng phát huy tác dụng...

 

c. Huy động được sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân để đối phó có hiệu quả với những thủ đoạn đánh phá nham hiểm của địch.

  - Ta đã huy động, tập trung lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất cho chiến dịch, bao gồm: ba sư đoàn phòng không (361, 363, 375), 23 tiểu đoàn tên lửa, 13 trung đoàn cao xạ, 4 trung đoàn không quân, 4 trung đoàn rađa, 3 trung đoàn, 2 tiểu đoàn phòng không của các quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn. Ngoài ra còn có 346 đội (1.428 khẩu pháo) phòng không của dân quân, tự vệ. Toàn bộ lực lượng này được bố trí thành thế trận vững chắc, hiểm hóc tại các địa bàn trọng yếu ở trong và các vùng lân cận Hà Nội, Hải Phòng.

- Ta đã xây dựng được một thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc và duy trì được sự phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng. Bên cạnh các lực lượng phòng không chủ lực, tại thủ đô Hà Nội ta đã tổ chức được 92 trận địa tập trung pháo phòng không tầm thấp và bốn đại đội cao xạ tầm trung (loại 100mm), nhiều trận địa được bố trí trên các tòa nhà cao tầng, gần các mục tiêu trọng điểm, đón lõng trên các đường bay của địch... Ngoài ra còn có 1.122 tổ đội dân quân, tự vệ phối hợp đánh trả máy bay địch. Hiệu quả trong chiến đấu và nghệ thuật tác chiến của cách bố trí này được miêu tả qua lời một phi công Mỹ may mắn thoát chết: “Khi những chiếc B52 đầu tiên tới vùng trời Hà Nội, tên lửa đất đối không bắn như pháo hoa lên máy bay chúng tôi. Từ khi vào mục tiêu, anh bạn xạ thủ của tôi đã đếm được 32 tên lửa SAM bắn vào hoặc ít ra cũng bay sát máy bay chúng tôi. Chiếc máy bay số 2 trong tổ bay mất liên lạc nhưng không ai có thì giờ tìm hiểu nó”.

 

d. Được sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em, bàn bè và nhân loại tiến bộ thế giới

 

Thắng lợi của nhân dân ta giành được trong cuộc tập kích đường không chiến lược 12 ngày đêm tháng 12/1972 còn do tác động của thời đại, của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và đặc biệt là sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả về mọi mặt của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hoà bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ. Tình đoàn kết và sự ủng hộ quốc tế đã cổ vũ mạnh mẽ, tăng thêm sức mạnh cho nhân dân ta trong cuộc chiến đấu chống lại cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ vào 12 ngày đêm tháng 12/1972. 

 

 

  2. Ý nghĩa lịch sử

 

- Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta có ý nghĩa dân tộc và thời đại vô cùng sâu sắc. 

 

 

 a. Đối với dân tộc

 - “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, nó khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác Hồ. Với thắng lợi này, quân và dân ta đã viết tiếp những trang sử vàng chiến công chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

- “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam, là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

- Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của “thế trận phòng không nhân dân” sự kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới; của trí thông minh và lòng dũng cảm của dân tộc ta chống lại cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ  với vũ khí trang bị hiện đại.

- Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng không nhân dân, phòng tránh, đánh trả cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ.

- “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút” - buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề để đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975.

 

 b. Chiến thắng mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

 

 - “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc được thôi thúc bởi ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của cả dân tộc, sự cổ vũ những chiến công to lớn của quân và dân miền Nam đánh bại sức mạnh quân sự của chủ nghĩa đế quốc đứng đầu là Mỹ.

 

 

 - “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là đòn đánh lịch sử, mở đường cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam; góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới vào chủ nghĩa đế quốc; đem lại lòng tin cho nhân loại tiến bộ trên trái đất đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

 

 - Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh sức sống của học thuyết Mác - Lê nin về chiến tranh cách mạng trong thời đại ngày nay và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh trong cách mạng Việt Nam.

 

- Cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” có thể coi như một “cuộc đụng đầu lịch sử tiêu biểu, mang nhiều ý nghĩa sâu xa về chính trị và quân sự, không những với quá khứ mà còn cho cả tương lai, đã để lại “Hội chứng Việt Nam”, vết thương trong lòng nước Mỹ không dễ gì xoá được.

 

 

3. Những bài học kinh nghiệm của chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

 

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, đó là:   

 

 

a. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

 

 Chiến thắng oanh liệt “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần minh chứng đường lối chính trị, học thuyết quân sự đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh kiệt xuất; chứng minh tài mưu lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Bộ thống soái tối cao của đất nước. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cách mạng và khoa học, giữa dám đánh và biết đánh, giữa ý chí kiên định, bản lĩnh vững vàng với năng lực chỉ huy, lãnh đạo tài giỏi của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, giữ khí phách anh hùng và tài trí tuyệt vời của người chiến sĩ trên trận địa.

 

b.  “Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng”

 

 Trải qua những năm tháng chiến đấu với không quân Mỹ, trinh sát của ta luôn nắm chắc tình hình địch; tìm hiểu quy luật hoạt động của không quân địch; nghiên cứu đường bay của máy bay trinh sát của địch để ta phán đoán hướng bay vào của mỗi đợt tập kích. Thường xuyên nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch, nắm vững lực lượng mà địch sử dụng, ý đồ và hướng tiến công chủ yếu, số chất lượng các loại vũ khí trang bị của địch để có phương án tác chiến phù hợp, hiệu quả, đồng thời nắm chắc lực lượng, tinh thần, khả năng chiến đấu của quân và dân ta để xây dựng phương án tác chiến phù hợp.

 

 

 c. Phát huy sức mạnh tổng hợp  

Trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972, chúng ta đã rất thành công trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân, tạo nên hệ thống hoả lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù.

Đó là sức mạnh của bộ đội Phòng không – Không quân nhân dân Việt Nam (lực lượng chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam), Trong thế trận đó, phải kể đến vai trò của: Bộ đội Ra đa; Bộ đội Không quân tiêm kích; Bộ đội Tên lửa Phòng không; Bộ đội Pháo Phòng không. Ngoài lực lượng chủ lực đó ra, lực lượng phòng không của bộ đội địa phương và dân quân tự vệ (nhất là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải phòng) là lực lượng tại chỗ rộng khắp, đánh máy bay địch bay thấp hoạt động tốp nhỏ, chiếc lẻ, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của địa phương có vai trò quan trọng.

 

 Đó là sức mạnh của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hoà bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới,  trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.   

 

 d. Bố trí, sử dụng các lực lượng hợp lý nhằm phát huy hiệu quả tất cả các lực lượng, các loại vũ khí trang bị hiện có tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch ở mọi độ cao, mọi hướng.

 

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cũng chính là chiến thắng của nghệ thuật sử dụng lực lượng, bày binh, bố trận, cơ động tác chiến, theo một ý định cách đánh. Phát huy cao độ tiềm năng chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân, tạo nên hệ thống hoả lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng, vừa tập trung hiệp đồng tiêu diệt lớn, vừa đồng thời đánh liên tục, tại chỗ, rộng khắp trên các địa bàn. Chúng ta đã phát huy được sức mạnh “Toàn dân tham gia bắn máy bay Mỹ,  toàn dân tham gia bắt giặc lái” và đã tạo nên một lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều nấc, hoạt động nhịp nhàng, có thể đánh địch liên tục từ xa đến gần, đánh địch ở mọi tầng cao, đánh từ nhiều phía, đánh trực diện, đánh từ sau, từ bên sườn, gây cho địch lúng túng không thể cơ động tránh được lưới lửa phòng không, đảm bảo chiến đấu thắng lợi suốt toàn bộ chiến dịch. 

 

 

e. Phát huy nhân tố chính trị tinh thần, tăng cường sức mạnh, ý chí chiến đấu, dám đánh, quyết đánh và quyết đánh thắng của quân và dân ta

Sức mạnh chính trị tinh thần trước hết là biểu hiện tập trung ở tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng. Đó là yếu tố tiên quyết, chỉ có dám đánh, quyết đánh thì chúng ta mới tìm ra được cách đánh, ý chí dám đánh, quyết đánh trở thành một lực lượng vật chất to lớn trong cuộc đấu trí, đấu lực quyết liệt với kẻ thù. Sức mạnh chính trị tinh thần phải được biểu hiện ở tinh thần vượt mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, đoàn kết hiệp đồng lập công tập thể; ở lòng tin, quyết tâm đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái, tạo niềm tin đánh bại hoàn toàn mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.

         Đăng tin: Nguyễn Danh Chiến

Bình luận :