HUỚNG TỚI KỈ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VÀ 25 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

70 năm đã trôi qua kể từ sự kiện lịch sử 22/12/1944, lời thề giữ nước vẫn âm vang trong lòng bao thế hệ người Việt, đặc biệt là những người “ lính cụ Hồ”. Trải qua một quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành với những chiến công nối tiếp chiến công đã tạo nên những trang sử oanh liệt, hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bản chất "Bộ đội cụ Hồ" của Quân đội ta cũng là những tinh hoa, khí phách của con người Việt Nam.

 

Trong không khí cả nước hướng tới 70 năm  ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, chúng ta có dịp ôn lại truyền thống tốt đẹp đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

 Dịch chuyển bánh xe lịch sử trở về thập niên 30 – 40 của thế kỉ trước : Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và sự trưởng thành nhanh chóng của các tổ chức vũ trang quần chúng đòi hỏi cách mạng Việt Nam phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc.

Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22 tháng 12 năm 1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Hoàng Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng  Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ những chiến sĩ du kích Cao - Bắc - Lạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác”; “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.


Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944.

Chính vì ý nghĩa đó mà  ngày 22/12/1944 được chọn làm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thực hiện Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi”. Sau 2 ngày thành lập, với sự mưu trí, táo bạo Đội đã đánh thắng 2 trận ở Phay Khắt và Nà Ngần. Chiến thắng đó đã mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chỉ sau một tuần lễ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành 3 trung đội làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, diệt địch, biến Cao-Bắc-Lạng thành một căn cứ vững chắc.

Tháng 4-1945, theo quyết định của hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc Quân đã thống nhất lại vào ngày 15.5.1945 và mang tên Việt Nam Giải phóng quân.

Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt Nam giải phóng quân có vai trò rất quan trọng: theo lệnh của ủy Ban khởi nghĩa toàn ngày16/8 một đơn vị Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho tổng khởi nghĩa toàn quốc. Lực lượng vũ trang đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị tiến hành Tổng khởi nghĩa  thắng lợi – mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc.

Ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân đội ta mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ hình thành của quân đội Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp quân đội ta mang tên quen thuộc nhất cho đến ngày nay là Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi "Quân đội Nhân dân" là do Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ". Với  tinh thần: “Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh” quân đội ta vừa xây dựng, vừa chiến đấu và từng bước trưởng thành với đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại.

 Giương cao ngọn cờ “Quyết chiến quyết thắng” mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao, quân đội ta cùng với toàn dân bước tiếp sang một chặng đường chiến đấu oanh liệt mới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần quyết định cùng toàn dân làm nên cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất. Chiến dịch đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam tự hào vì đã có đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước trong gần 30 năm đổi mới, nhất là từ năm 2005 đến nay. Đó là, quân đội đã nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; ra Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đã tham mưu với Đảng và Nhà nước đề ra đối sách phù hợp, xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, trong quan hệ đối nội và đối ngoại, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược, đồng thời không để cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng; bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trong thời gian này, theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TƯ quyết định lấy ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22 tháng 12 thực sự trở thành ngày hội của truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Đây cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

               70 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, quân đội ta đã phấn đấu liên tục, không ngừng giữ vững và phát huy bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, truyền thống vẻ vang của quân đội, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

               Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc, bản chất, truyền thống tốt đẹp, những chiến công oanh liệt của quân đội và nhân dân ta. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm cho quân đội thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới của cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

          Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự “ nóng” lên của khu vực Biển Đông như một phép thử mới của lịch sử đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội ta; làm sao để tiếp nối và phát huy truyền thống của “Bộ đội cụ Hồ”,  của một dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Thật tự hào khi nói về Quân đội Nhân dân Việt Nam rằng “ Thép đã tôi thế đấy”.

Bình luận :