Hướng dẫn ôn tập một số kỹ năng môn Địa lí
Kỳ thi THPTQG là một kỳ thi quan trọng đối với các em học sinh lớp 12, nó được coi như dấu mốc quan trọng của đời học sinh sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường. Để giúp các em đạt kết quả cao trong kỳ thi tới cô sẽ hướng dẫn các em một số điểm cần lưu ý khi ôn tập và làm bài phần kỹ năng Địa lí.
1. Kỹ năng khai thác Átlát ĐLVN
Átlát ĐLVN như một công cụ hữu hiệu trong quá trình học, ôn tập , làm bài, giúp giảm ghi nhớ máy móc, tìm hiểu dễ dàng các địa danh, các loại biểu đồ, số liệu...đều có thể bám theo Átlát ĐLVN để khai thác kiến thức. Tuy nhiên các em không được chủ quan, ỷ lại vào Átlát ĐLVN. Do vậy, để sử dụng Átlát ĐLVN một cách hiệu quả các em cần chú ý những điểm chính sau:
- Nắm được cấu trúc của Átlát ĐLVN gồm mấy phần? Nội dung các phần là gì?
- Phân tích kỹ yêu cầu của đề bài.
- Nắm vững các ký hiệu trong trang thứ 3 của Átlát ĐLVN và xem trong bảng chú giải các nội dung mình cần tìm được ký hiệu như thế nào ?
- Biết sử dụng đủ số trang Átlát ĐLVN để trả lời câu hỏi. Biết sử dụng, khai thác các biểu đồ, số liệu trên các trang Át lát.
(Giáo viên hướng dẫn học sinh khái thác Át lát ĐLVN)
2. Kỹ năng nhận diện dạng biểu đồ
Biểu đồ môn Địa lí chủ yếu gồm có 5 dạng chính cần nhận diện là: biểu đồ tròn, biểu đồ miền, biểu đồ kết hợp, biểu đồ đường, biểu đồ cột. Để nhận diện chính xác biểu đồ các em cần lưu ý một số điểm sau:
- Dựa vào câu dẫn (câu hỏi) để xác định dạng biểu đồ và tìm từ khóa trong câu hỏi của đề VD : Từ khóa là “Quy mô và cơ cấu ” thì chọn biểu đồ tròn; từ khóa là “tốc độ tăng trưởng” thì chọn biểu đồ đường.
- Khi câu dẫn của đề bài không có từ khóa thì dựa vào bảng số liệu (BSL) mà đề cho để xác định VD : đề yêu cầu thể hiện cơ cấu thì cần căn cứ vào bảng số liệu, nếu BSL cho 1-3 năm thì chọn biểu đồ tròn, nếu BSL cho từ 4 năm trở lên thì chọn biểu đồ miền, hoặc đề yêu cầu thể hiện tình hình phát triển của một đối tượng địa lí nào đó thì căn cứ vào BSL đề cho, nếu ít năm chọn biểu đồ cột, nhiều năm chọn biểu đồ đường.
- Đề bài yêu cầu thể hiện mối quan hệ giữa các đối tượng có đơn vị khác nhau thì chọn biểu đồ kết hợp, còn đề yêu cầu thể hiện tình hình sinh, tử và tỷ suất gia tăng dân số thì chọn biểu đồ đường.
(Học sinh tích cực thực hành phần kỹ năng khai thác Átlát)
3. Kỹ năng xử lý số liệu và nhận xét biểu đồ, bảng số liệu
- Với kỹ năng xử lý số liệu thì cần nhớ các công thức tính toán để chọn đáp án chính xác.
- Cần xác định yêu cầu của câu hỏi đề xác định mục đích làm viêc với bảng số liệu : đọc tên bảng, các tiêu đề của bảng, đơn vị tính, xác định rõ các tiêu chí cần nhận xét, so sánh các số liệu theo cột dọc và hàng ngang với một trình tự hợp lý, cụ thể.
- Nhận xét sự thay đổi của đối tượng địa lí theo thời gian thì so sánh số liệu của các mốc thời gian đầu và cuối của BSL, các mốc thời gian liền kề nhau theo thứ tự, các mốc có tính đột biến, hoặc có cần tính toán không ?
VD: Khi đề yêu cầu nhận xét tốc độ hay cơ cấu,… mà số liệu trong bảng là các số liệu tuyệt đối ( nghìn tấn, nghìn người,…) thì cần phải tính toán ra cơ cấu ( tức tính tỷ lệ %) hoặc tính tốc độ tăng trưởng, …
(Học sinh thực hành phần nhận diện các dạng biểu đồ)
Trên đây là một số phương pháp các em cần lưu ý khi ôn tập và làm bài phần kỹ năng môn Địa lí. Trong quá trình ôn tập nếu có nội dung nào không hiểu các em có thể hỏi trực tiếp các thầy cô dạy bộ môn. Chúc các em ôn tập tốt và đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT QG 2020.
Thực hiện : Tống Thị Hà
Duyệt: Dang Nguyen
Bình luận :