HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ VẬN DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP TÍCH CỰC TRONG DẠY HỌC

Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đạt được mục tiêu phát triển năng lực học sinh, trong những năm vừa qua, cán bộ, giáo viên trường THPT Cao Bá Quát – Quốc Oai nói chung, giáo viên tổ Ngữ văn – Lịch sử - GDCD nói riêng luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại trong mỗi giờ dạy.

Để chia sẻ kinh nghiệm vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy, ngày 28/9 vừa qua, tổ Ngữ văn – Lịch sử - GDCD đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề: VẬN DỤNG CÁC PHƯƠNG PHÁP TÍCH CỰC TRONG DẠY HỌC.          

Mở đầu buổi hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Lệ Thu đã tổ chức một trò chơi để qua đó giới thiệu về “Bí mật hoạt động của não bộ”, từ đó, đồng chí Thu lưu ý các thành viên trong tổ vận dụng các bí mật của não bộ trong việc thiết kế bài giảng: nên chia nhỏ lượng kiến thức, nói chậm và có trọng tâm, thay đổi trạng thái của học sinh, tạo sự độc đáo trong mỗi bài giảng, sử dụng hình ảnh, video… Tiếp đó, đồng chí Thu giới thiệu ba nhóm phương pháp tích cực. Thứ nhất là nhóm phương pháp dùng lời, chữ gồm các phương pháp: vấn đáp, thảo luận nhóm, phỏng vấn, thuyết trình…, Thứ hai là nhóm phương pháp trực quan. PPDH trực quan được thể hiện dưới hình thức là xem video, xem mẫu vật, quan sát sơ đồ tư duy, tham quan… Thứ ba là nhóm phương pháp thực hành. Sử dụng nhóm phương pháp này, GV sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh và hướng dẫn học sinh thực hiện như đóng kịch, làm video, làm powerpoint, vẽ sơ đồ tư duy, dự án…

Phần thứ 2 của buổi hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Oanh đã trình bày ý tưởng thiết kế bài giảng  “Luật thơ”, trong đó có sử dụng tích cực: phương pháp nhóm chuyên gia. Phần trình bày của đồng chí Oanh đã giúp chúng tôi hình dung được qui trình sử dụng phương pháp này đồng thời cũng nhận ra tính hiệu quả của phương pháp như phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh, phát triển năng lực giao tiếp tiếng Việt, năng lực hợp tác, giải quyết vấn đề,… của học sinh.

 

 

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Oanh trình bày ý tưởng thiết kế bài  “Luật thơ”

 

Sau phần trình bày của đồng chí Thu và đồng chí Oanh, tổ Ngữ văn - Lịch sử - GDCD  đã thảo luận rất sôi nổi về ưu điểm, hạn chế của từng phương pháp, khả năng áp dụng các phương pháp dạy học tích trong một số bài giảng cụ thể, chẳng hạn; sử dụng video, mp3 bài hát nói khi dạy “Bài ca ngất ngưởng” – Nguyễn Công Trứ; sử dụng phương pháp đóng vai khi dạy “Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy”; sử dụng hình vẽ, bản đồ, quốc kỳ khi dạy “Tuyên ngôn độc lập” – Hồ Chí Minh…

Qua buổi hội thảo này, tổ Ngữ văn - Lịch sử - GDCD đã thống nhất ý kiến: mỗi giáo viên cần vận dụng các phương pháp dạy học tích cực sao cho phù hợp với đặc trưng bộ môn, mục tiêu, nội dung bài học, năng lực của học sinh, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường…Đồng thời chúng tôi cũng rất mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi của các thầy cô để mỗi bài giảng của chúng tôi là một cuộc thám hiểm, khám phá mới đối với học trò.

Với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, tinh thần tự học và sáng tạo không ngừng, tổ Ngữ văn - Lịch sử - GDCD mong muốn cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Nhà trường góp phần xây dựng trường THPT Cao Bá Quát – Quốc Oai ngày càng vững mạnh, đạt thành tích cao trong giảng dạy, học tập, là nơi trao niềm tin, trao hi vọng và gửi trọn yêu thương của các bậc cha mẹ học sinh!

Thực hiện: Thế Thị Nhung – Nguyễn Thị Kim Oanh
Duyệt: Nguyễn văn Đằng

Bình luận :