Hội thảo chuyên đề Tổ chuyên môn Vật Lý – Hóa Học

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và tăng cường trao đổi chuyên môn giữa các thành viên trong Tổ, ngày 4 tháng 12 năm 2014, Tổ chuyên môn Vật Lý – Hóa Học trường THPT Cao Bá Quát, Quốc Oai đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề: Phương pháp giảng dạy các loại bài Vật Lý, Hóa học trong chương trình THPT.

 

 Buổi hội thảo dành được nhiều sự quan tâm của đồng chí Hiệu trưởng, BGH, của chuyên môn nhà trường và các đồng chí Tổ trưởng. Buổi hội thảo đã tạo cơ hội cho các đồng chí giáo viên trong tổ chuyên môn được trình bày những ý kiến, quan điểm của mình về việc đổi mới phương pháp dạy học và từ đó nhận thức sâu sắc hơn về yêu cầu này, áp dụng vào trong thực tiễn giảng dạy của bản thân, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học bộ môn trong nhà trường.

Mở đầu buổi hội thảo là bài tham luận của ĐC Nguyễn Quang Ngọc với chủ đề: Phương pháp giảng dạy các tiết bài tập”. Trong các dạng bài lên lớp ở bộ môn Hoá học và Vật lý thì bài luyện tập và ôn tập là một dạng bài khó, yêu cầu đạt được trong một tiết luyện tập là vừa phải củng cố, hệ thống kiến thức của chương vừa phải cho học sinh vận dụng kiến thức vào việc giải bài tập để rèn luyện kĩ năng. Học sinh học tiết luyện tập, ôn tập đặc biệt là học phần hệ thống kiến thức cũ sẽ nhàm chán nếu giáo viên chỉ áp dụng phương pháp dạy học thông thường như hỏi đáp để học sinh nhắc lại kiến thức. Để giải quyết vấn đề này ĐC Ngọc đưa ra giải pháp cải tiến cấu trúc bài lên lớp đối với tiết luyện tập, ôn tập và đặc biệt nhấn mạnh đến việc sử dụng sơ đồ tư duy.

Trong chương trình dạy học, nhiều nhất là các tiết dạy liên quan đến các kiến thức mới và cũng là các tiết dạy mà các thầy cô băn khoăn và trăn trở nhiều nhất, làm sao để các em dễ hiểu và dễ nhớ nhất. Chia sẻ với các thầy cô vấn đề này ĐC Dương Phi Tưởng đã trình bày trước hội thảo chủ đề: “Phương pháp giảng dạy các tiết liên quan đến kiến thức mới”. ĐC Tưởng đã phân loại kiến thức mới trong giảng dạy làm bốn nhóm:

+ Kiến thức mới được xây dựng trên kiến thức cũ

+ Kiến thức mới có sự tương tự với kiến thức cũ

+ Kiến thức mới có sự liên hệ với thực tế

+ Kiến thức hoàn toàn mới đối với học sinh

ĐC cũng đưa ra giải pháp đối với từng loại kiến thức và lưu ý sự phân chia là tương đối, trong mỗi tiết dạy nên sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp để giúp học sinh dễ hiểu và dễ nhớ nhất.

Tiếp theo chương trình là tham luận của ĐC Nguyễn Trường Thọ với chủ đềPhương pháp giảng dạy các tiết thực hành. Thực hành là một đặc trưng của môn vật lý và hóa học. Đa số các em học sinh của chúng ta có kỹ năng thực hành rất yếu. ĐC Thọ cũng đã chỉ ra cụ thể các bước tiến hành một giờ thực hành. Giáo viên ổn định lớp và chia theo các nhóm có sự phân bố đều về trình độ và cử ra nhóm trưởng để dễ điều hành. Giáo viên nêu mục đích TN. Nêu sự liên hệ giữa kiến thức đã học và thực tiễn. Giáo viên trình bày cơ sở lý thuyết và hướng dẫn cho học sinh ôn lại những kiến thức đã học và rút ra công thức để học sinh có thể tiến hành TN và tính toán một cách dễ dàng.Nhắc lại cách tính sai số dụng cụ, sai số phép đo và cách biểu diễn sai số khi viết kết quả thí nghiệm.Giáo viên giới thiệu các dụng cụ thí nghiệm và nêu rõ chức năng của từng dụng cụ, và cuối cùng là làm mẫu và hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm.

Sau phần trình bày tham luận, giáo viên của Tổ đã thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện các bài tham luận.

Sau một thời gian làm việc khẩn trương khoa học, buổi hội thảo về Phương pháp giảng dạy các loại bài Vật Lý, Hóa học trong chương trình THPT của Tổ chuyên môn Vật Lý – Hóa Học  đã kết thúc thành công tốt đẹp. Buổi hội thảo đã giúp các thầy cô giáo trong tổ bộ môn tìm ra nhiều sáng kiến hay áp dụng vào giảng dạy. Từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học của bộ môn nói riêng và chất lượng chung của nhà trường nhằm đạt được hiệu quả giáo dục tốt nhất. 

Một số hình ảnh hội thảo

 











Bình luận :