Hội nghị phổ biến Sáng kiến kinh nghiệm tại tổ Ngữ Văn – Lịch Sử - Giáo dục công dân.
Viết sáng kiến kinh nghiệm là một hoạt động nằm trong nhiệm vụ, kế hoạch chuyên môn của từng năm học được ngành và các trường học tiến hành song song cùng với hoạt động dạy và học và một số hoạt động khác. Hoạt động này nhiều năm nay đã được Ban Giám Hiệu trường THPT Cao Bá Quát – Quốc Oai quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đều đặn trong các năm học.
Thực hiện kế hoạch hoạt động của nhà trường, sáng 20/12/2019, tổ Ngữ Văn- Lịch sử- GDCD tiến hành phổ biến các SKKN đã được Hội đồng thi đua cấp trường và ngành công nhận. Trong đó có ba sáng kiến được phổ biến làTổ chức hoạt động ngoại khóa tích hợp liên môn Văn - Sử- GDCD của cô giáo Nguyễn Thị Phương Hoa , Vận dụng phương pháp "Dạy học dự án" trong các bài đọc thêm và bài củng cố rèn luyện kĩ năng của cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, Lựa chọn và xử lý một số thông tin cho việc giảng dạy môn GDCD lớp 12 của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hải.
Cô phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Huệ cùng đến dự hội nghị phổ biến SKKN với tổ Văn Sử GD
Ở đề tài của mình, cô giáo Oanh đã thực hiện việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu bài học, nhất là các bài đọc thêm vốn được thực hiện trong thời lượng ngắn ngủi với tâm lí coi nhẹ của cả thầy và trò. Cô đã thiết kế nội dung bài đọc thêm Tương tư ( Nguyễn Bính), Nhớ đồng ( Tố Hữu), Chiều xuân ( Anh Thơ) và các bài luyện tập qua những “ dự án” để học sinh tự chọn phương pháp học tập từ đó chiếm lĩnh kiến thức một cách tự nguyện mà tránh được sự đơn điệu. Học sinh khối 11 đã được tự thiết kế, trình bày nội dung bài học qua bảng phụ, qua video, tranh vẽ, trò chơi thú vị.
Báo cáo viên Nguyễn Thị Phương Hoa- nhóm Ngữ văn
Là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Hoa cùng với sự hỗ trợ của đồng nghiệp trong tổ đã thực hiện một đề tài vừa giúp khắc sâu kiến thức chuyên môn vừa là hoạt động trải nghiệm thực tế liên quan đến cả ba phân môn Văn – Sử - GDCD của tổ.Với đề tài Tổ chức hoạt động ngoại khóa tích hợp liên môn Văn - Sử- GDCD, cô đã nhấn mạnh một thực tế: hoạt động ngoại khóa vốn đã rất phong phú sinh động, khi nó được tổ chức một cách nghiêm túc, sáng tạo bởi một tập thể bộ môn tâm huyết, có năng lực với nghề và với HS sẽ có tác dụng phát huy được niềm say mê, yêu thích, hứng thú của HS đối với môn học, bồi dưỡng thêm năng khiếu, sự sáng tạo của HS cũng như vai trò chủ thể, sự tự tin của HS, giúp HS thể hiện được những thế mạnh, sở trường, cũng như củng cố nắm vững những kiến thức đã được học trong các giờ chính khóa, từ đó tiếp tục hình thành và phát triền năng lực: năng lực tự hoàn thiện, năng lực thích ứng, năng lực giao tiếp, năng lực sáng tạo.
BCV Nguyễn Thị Thanh Hải – Nhóm GDCD
Báo cáo đề tài Lựa chọn và xử lý một số thông tin cho việc giảng dạy môn GDCD lớp 12, cô giáo Hải đã phổ biến cách thức làm việc khoa học và tỉ mỉ của mình. Theo cô, môn GDCD là một môn học có tính ứng dụng cao và liên hệ mật thiết đến các lĩnh vực đời sống, từ pháp luật, chính trị, văn hóa, văn nghệ… Vì vậy việc tích cực nghiên cứu SGK, giáo trình đi liền với óc quan sát, tổng hợp kiến thức thực tế là rất cần thiết. Cô đã tích cực sưu tầm giữ liệu từ sách báo, những bài viết có giá trị được cô cất giữ, sử dụng vào những bài học có nội dung liên quan để tạo nên tính thời sự, giúp các em học sinh khắc sâu bài học và liên hệ thực tế để nhận biết nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân mình một cách tự nhiên.
Tinh thần phấn chấn của tổ Văn – Sử - GD
Quả thực, sáng kiến kinh nghiệm đãcó tác dụng thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng trong việc giảng dạy của giáo viên và người quản lí. SKKN không chỉ mang đến những đổi mới, sáng tạo trong công tác dạy và học, mà còn giúp người GV thoát khỏi sức ì. Với một số thầy cô, viết SKKN tạo nên sự học tập tích cực, hình thành phương pháp tự học, tự nghiên cứu, phát triển tư duy sáng tạo và khả năng diễn đạt logic những căn cứ, những lập luận để từ đó giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực giảng dạy, giáo dục, hướng nghiệp…
Người thực hiện: Nguyễn Thị Phương Hoa
Người duyệt: NTH
Bình luận :