Diễn văn truyền thống kỷ niệm 105 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và 1975 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, khi nói về phụ nữ đã dành tặng những tình cảm quý “ Non sông gấm vóc Việt Nam, do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Bản lĩnh đó của người phụ nữ Việt Nam có cội nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc và khí phách của ngày quốc tế phụ nữ 8/3 cách đây 1O5 năm về trước.
ChHôm nay trong không khí vui mừng và phấn khởi chào đón ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Thay mặt Cho Ban chấp hành đoàn trường tôi xin gửi tới toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên nữ nhà trường và các em nữ sinh lời chúc sức khỏe hạnh phúc và thành đạt chúc các em nữ sinh luôn xinh tươi, chăm ngoan học giỏi.
Kính thưa các thầy cô!
Thưa toàn thể các em học sinh thân mến!
Lịch sử ngày 8-3 bắt đầu từ phong trào đấu tranh đòi quyền sống của nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8-3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt may tại hai thành phố Chi-ca-gô và Nữu Ước. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ.Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của nữ lao động Mỹ. Đến tháng 2 năm 1909 lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức “ Ngày phụ nữ” mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Những cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban "Thư ký quốc tế phụ nữ". Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.
Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới, tháng 8 năm 1910, Đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8-3 làm ngày "Quốc tế phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:
- Ngày làm 8 giờ.
- Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau.
- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Từ đó ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới.
Ở nước ta, vào ngày 8/3 hàng năm còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước, trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Ý chí kiên cường và lòng yêu nước của Hai Bà đã được đúc kết lại bằng những vần thơ bất hủ:
“ Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, nghĩa quân đã đập tan chính quyền đô hộ. Tên tướng đô hộ là Tô Định phải cải trang bằng cách cắt tóc, cạo râu tìm đường tẩu thoát về nước.
Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).
Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lần này chỉ kéo dài được 2 năm do thế và lực của ta và địch chênh lệch quá lớn. Hai Bà đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng để giữ tròn khí tiết của mình, bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc. Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang sử oanh liệt này sẽ mãi mãi được lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nam một phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó.
Kính thưa Quý thầy cô và các em học sinh thân mến
Kế thừa tinh thần của Phụ nữ Quốc tế và khí phách Bà Trưng -Bà Triệu- Từ xưa đến nay PNVN đã phát huy tốt truyền thống dân tộc, bản lĩnh của mình trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong thời chiến cũng như thời bình. Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi những con người đã làm nên huỳền thoại tạo nên dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ.
Là phụ nữ không ai quên được hình ảnh hiên ngang, bất khuất của chị Võ Thị Sáu trên pháp trường xử bắn. Dũng cảm là thế ! nhưng trước cái chết chị vẫn lạc quan, mỉm cười nhẹ nhàng cài lên mái tóc thề chùm hoa của quê hương. Đó là hình ảnh của chị Út Tịch với câu nói nổi tiếng “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” “ Đánh đến cái lai quần cũng đánh”, là hình ảnh người con gái Việt Nam-Nguyễn Thị Lý; Nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng với đội quân tóc dài đã bao phen làm kẻ thù ăn không ngon, ngủ không yên, kinh hồn bạt vía...
Những cô TNXP tuổi 18, đôi mươi “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhưng! có lẽ đẹp nhất và cao cả nhất vẫn là những bà mẹ Việt Nam “ Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng-Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời” Khi Tổ Quốc lâm nguy, họ sẵn sàng cống hiến chồng, con vì sự bình yên của đất nước.
Kính thưa Quý thầy cô và các em học sinh thân mến
Với tinh thần Quốc tế Phụ nữ 8/3 và tinh thần khởi nghĩa Hai Bà Trưng quật khởi, phụ nữ Việt Nam nói chung, CBGV, NV, nữ sinh trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai nói riêng sẽ phát huy tinh thần tự chủ, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, đoàn kết, đồng thuận, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng của phụ nữ Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển, góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ mà nhà trường đề ra trong năm học 2014-2015.
Kính thưa Quý thầy cô và các em học sinh thân mến
Con người là hoa của đất, mà người phụ nữ lại được ví là hoa của muôn loài hoa. Nhân dịp này, một lần nữa tôi xin trân trọng gửi tới các cô, các chị em phụ nữ, các em nữ sinh lời chúc sức khoẻ, luôn tươi trẻ, hạnh phúc và thành đạt trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn!
NGÀY XƯA CÓ MẸ
Thanh Nguyên
Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm con muỗng cháo
Khi con đòi ngủ
Mẹ là người thức hát ru con
Bầu trời trong mắt con
Ngày một xanh hơn
Là khi tóc mẹ
Ngày thêm sợi bạc
Mẹ có thành hiển nhiên trong trời đất
Như cuộc đời không thể thiếu trong con
Nếu có đi vòng quanh quả đất tròn
Người mong con mỏi mòn
Vẫn không ai ngoài mẹ
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé
Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên
Mẹ là người đã đặt cho con cái tên riêng
Trước cả khi con bật lên tiếng mẹ
Mẹ là tiếng từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành
Con vẫn chưa hiểu hết chiều sâu
Mẹ có nghĩa là bắt đầu
Cho sự sống, tình yêu và hạnh phúc
Mẹ có nghĩa là duy nhất
Một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng
Mẹ không sống đủ trăm năm
Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát
Mẹ có nghĩa là ánh sáng
Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim
Mẹ có nghĩa là mãi mãi
Là cho đi không đòi lại bao giờ
Nhưng có một lần mẹ không ngăn con khóc
Mẹ không thể nào lau nước mắt cho con
Là khi mẹ không còn
Hoa hồng đỏ từ đây hóa trắng
Cổ tích thường khi bắt đầu
Xưa có một vị vua hay một nàng công chúa
Nhưng cổ tích con
Bắt đầu từ ngày xưa có mẹ
Thanh Nguyên
Bình luận :