Dạy học tích cực

Vấn đề phát huy tính tích cực học tập của học sinh đã được đặt ra trong ngành giáo dục Việt Nam từ những năm 1960. Ở thời điểm này, các trường sư phạm đã có khẩu hiệu: “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai, năm 1980, phát huy tính tích cực đã là một trong các phương hướng cải cách, nhằm đào tạo những người lao động sáng tạo, làm chủ đất nước. Từ đó, trong nhà trường xuất hiện ngày càng nhiều tiết dạy tốt của các giáo viên giỏi, theo hướng tổ chức cho học sinh hoạt động, tự lực chiếm lĩnh tri thức mới. Tuy vậy, phương pháp dạy học (PPDH) ở trường phổ thông và phương pháp đào tạo giáo viên ở trường sư phạm phổ biến vẫn là cách dạy thông báo kiến thức “đọc - chép” hay còn được gọi là truyền thụ một chiều. PPDH này dẫn đến sự thụ động của người học, nặng về ghi nhớ lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành áp dụng.

Vì sao ?

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự thách thức của quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu đòi hỏi phải có nguồn nhân lực, người lao động có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới. Người lao động phải có khả năng thích ứng, khả năng thu nhận và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tri thức của nhân loại vào điều kiện hoàn cảnh thực tế, tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Để có nguồn nhân lực trên, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới mục tiêu giáo dục, đổi mới nội dung giáo dục và phương pháp dạy và học. Định hướng đổi mới PPD&H đã được xác định trong Nghị Quyết Trung ương 4 khóa VII (1-1993), Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (12- 1996) và được thể chế hóa trong Luật Giáo dục sửa đổi ban hành ngày 27/6/2005, điều 2.4, đã ghi “ Phương pháp giáo dục phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học; Bồi dưỡng cho người học năng lực tự học, khả năng thực hành, lòng say mê học tập và ý chí vươn lên”.


Là gì?

 
 

Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh (HS) có nghĩa là phải thay đổi cách dạy và cách học. Chuyển cách dạy thụ động, truyền thụ một chiều “đọc- chép”, giáo viên làm trung tâm sang cách dạy lấy học sinh làm trung tâm hay còn được gọi là dạy và học tích cực (D&HTC). Trong cách dạy này học sinh là chủ thể hoạt động, giáo viên là người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học. D&HTC là điều kiện tốt khuyến khích sự tham gia chủ động, sáng tạo và ngày càng độc lập của học sinh vào quá trình học tập.

Tính tích cực (TTC) là một phẩm chất vốn có của con người. Con người sản xuất ra của cải vật chất cần thiết cho sự tồn tại, phát triển của xã hội, sáng tạo ra nền văn hoá mỗi thời đại.

TTC của con người biểu hiện trong các hoạt động. Học tập là hoạt động chủ đạo ở lứa tuổi đi học. TTC trong hoạt động học tập là TTC nhận thức, đặc trưng ở khát vọng hiểu biết, cố gắng trí tuệ và nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Lĩnh hội những tri thức của loài người đồng thời tìm kiếm “khám phá” ra những hiểu biết mới cho bản thân. Qua đó sẽ thông hiểu, ghi nhớ những gì đã nắm được qua hoạt động chủ động, nỗ lực của chính mình.

Học qua thực hành
Học qua thực hành

TTC nhận thức trong học tập liên quan với động cơ HT. Động cơ đúng tạo ra hứng thú. Hứng thú là tiền đề của tự giác. Hứng thú và tự giác là hai yếu tố tâm lí tạo nên TTC. TTC sản sinh ra nếp tư duy độc lập. Suy nghĩ độc lập là mầm mống của sáng tạo và ngược lại.

TTC học tập biểu hiện ở những dấu hiệu như: hăng hái, chủ động, tự giác tham gia các hoạt động HT, thích tìm tòi khám phá những điều chưa biết dựa trên những cái đã biết. Sáng tạo vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống …

TTC được biểu hiện qua các cấp độ:

  • Bắt chước: cố gắng thực hiện theo các mẫu hành động của thầy của bạn…
  • Tìm tòi: độc lập giải quyết vấn đề nêu ra, tìm kiếm cách giải quyết khác nhau về một vấn đề …
  • Sáng tạo: tìm ra cách giải quyết mới độc đáo hữu hiệu.

 

Dấu hiệu đặc trưng của D&HTC:
1. Dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động học tập của học sinh

Học hát có múa minh họa
Học hát có múa minh họa

Trong D&HTC, người học được cuốn hút tham gia vào các hoạt động học tập do GV tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó, tự lực khám phá, tìm tòi kiến thức không thụ động trông chờ vào việc truyền thụ của giáo viên. Người học được hoạt động, được trực tiếp quan sát, thảo luận, làm thí nghiệm, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống theo khả năng nhận thức, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

2. Dạy và học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học
D&HTC xem việc rèn luyện phương pháp học tập cho học sinh không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả học tập mà còn là một mục tiêu dạy học.

Trong xã hội hiện đại với sự bùng nổ thông tin, sự phát triển như vũ bão của khoa học, kĩ thuật, công nghệ, thêi gian trên lớp học khụng đủ để trang bị cho người học mọi tri thức và không thể nhồi nhét vào đầu óc người học quá nhiều kiến thức. Vì vậy cần phải dạy PP học ngay từ bậc tiểu học và càng lên bậc học cao hơn thì càng phải được chú trọng.

Trong PP học thì cốt lõi là PP tự học điều quan trọng là phải giúp người học biết cách khai thác, lựa chọn tìm kiếm thông tin bằng cách hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu.Khi người học có phương pháp, thói quen, ý chí tự học thì sẽ ham học, thích học, đó là điều kiện tốt để khơi dậy nội lực, khả năng vốn có của mỗi cá nhân, kết quả học tập sẽ nâng cao. Thói quen tự học được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, học trên lớp, học ở nhà, học trong thư viện và học ngoài thực tiễn cuộc sống, thông qua các phương tiện: tài liệu, sách báo, truyền hình, phim ảnh, internet, thực tiễn, thày cô giáo và những người xung quanh. 

3. Tăng cường học tập cá thể, phối hợp với học tập hợp tác

Học sinh trình bày kết quả làm bài tập
Học sinh trình bày kết quả làm bài tập

Trong một lớp học, trình độ kiến thức, khả năng tư duy của học sinh không đồng đều vì vậy không thể áp dụng cách dạy đồng loạt. Cách dạy này hạn chế khả năng nhận thức của học sinh. HS khá giỏi không có điều kiện để phát triển. HS yếu kém cũng không có cơ hội để vươn lên.

Để phát huy tính tích cực của người học đòi hỏi phải có sự phân hóa về trình độ, cường độ, tiến độ hòan thành nhiệm vụ học tập. Cần tăng cường cá thể hoá hoạt động học tập theo nhu cầu và khả năng của mỗi học sinh. Các bài học được thiết kế thành một chuỗi nhiệm vụ phù hợp với khả năng nhận thức của từng đối tượng người học. Như vậy học tập cá thể đáp ứng được trình độ của người học, phù hợp với phong cách học của mỗi cá nhân. Qua đó người học rèn luyện ý thức tự lực, ý thức trách nhiệm với kết quả học tập của mình.

Tuy vậy, lớp học là môi trường giao tiếp thầy - trò, trò - trò, tạo nên mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức.Thông qua thảo luận, tranh luận trong nhóm, ý kiến mỗi cá nhân được bộc lộ và được chia sẻ. HS không chỉ có điều kiện học tập với nhau mà còn học tập lẫn nhau.Kiến thức mà người học thu được là sự đóng góp của nhiều người. Đồng thời qua học tập hợp tác, các kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết phục, kĩ năng lắng nghe tích cực, ý thức tổ chức, tinh thần tương trợ được rèn luyện và phát triển.

Học tập hợp tác theo nhóm
Học tập hợp tác theo nhóm

Dạy học thông qua hợp tác nhóm tạo nên mối quan hệ tương tác giữa trò với trò, giữa thày với trò, tạo nên sự bình đẳng trong quan hệ giữa các thành viên và tạo nên môi trường học tập an toàn. Trong môi trường đó mỗi cá nhân được phép thể hiện tối đa khả năng nhận thức và kinh nghiệm của mình một cách tự tin và thoải mái bởi cảm giác an toàn. Học tập hợp tác theo nhóm còn phát triển ở HS kỹ năng tổ chức, kỹ năng điều khiển và lãnh đạo. Thông qua đó hình thành ở HS những phẩm chất của người lao động mới.

4. Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò
Trong dạy - học, việc đánh giá HS không chỉ nhằm mục đích nhận định kết quả thực trạng và để điều chỉnh hoạt động học của trò mà còn đồng thời nhận định kết quả thực trạng và để điều chỉnh hoạt động dạy của thầy.

Trong dạy học thụ động, GV giữ độc quyền đánh giá HS. Trong D&HTC, học sinh được tạo điều kiện phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau để điều chỉnh cách học. Tự đánh giá và tự điều chỉnh hành vi, hoạt động kịp thời là năng lực rất cần cho sự thành đạt trong cuộc sống mà nhà trường phải trang bị cho HS.

Để đào tạo những con người năng động, sớm thích nghi với đời sống xã hội, thì việc kiểm tra, đánh giá không thể dừng lại ở yêu cầu tái hiện các kiến thức, lặp lại các kỹ năng đã học mà cần khuyến khích phát triển trí thông minh, óc sáng tạo trong việc giải quyết những tình huống thực tế.

Thông qua việc đánh giá, học sinh không chỉ được rèn luyện kĩ năng xem xét, phân tích vấn đề mà trên cơ sở đó tự điều chỉnh cách học, điều chỉnh hành vi phù hợp.


Như thế nào?

D&HTC là một thuật ngữ rút gọn, được dùng ở nhiều nước, để chỉ những PPDH theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. D&HTC là sự kết hợp linh hoạt nhiều PPDH phù hợp với nội dung, trình độ nhận thức của HS và điều kiện thực tế để đạt được mục tiêu của bài học. Trong đó có những PPDH quen thuộc như: dùng lời, trực quan, minh hoạ, vấn đáp, thảo luận nhóm, dạy học nêu và giải quyết vấn đề, trò chơi, động não thực hành, thí nghiệm và một số PP có tên gọi mới hiện tại đang được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới như: Học theo góc, học theo hợp đồng, học theo dự án…

Mỗi PPDH đều có những ưu điểm và hạn chế, không có phương PPDH nào là phương pháp tối ưu. Trong khi đó D&HTC đòi hỏi cần kết hợp giữ lý thuyết với thực hành và tăng cường liên hệ với thực tế cuộc sống. Vì vậy việc vận dụng PHDH đạt được hiệu quả còn tuỳ thuộc vào năng lực sư phạm và khả năng vận dụng sáng tạo của giáo viên.


Theo: Dự án Việt-Bỉ


Bình luận :