Đại tướng Võ Nguyên Giáp đại diện cho "một thế hệ Vàng"

VOV.VN-Thân thế, sự nghiệp, cống hiến và những giá trị tốt đẹp mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại mãi là tài sản vô giá cho dân tộc.

Hung tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam từ trần đã khiến cho toàn thể nhân dân, kiều bào ta ở trong nước và nước ngoài cũng như bạn bè trên thế giới hết sức bàng hoàng. Sự ra đi của Đại tướng không chỉ là niềm mất mát to lớn đối với người dân Việt Nam mà còn là sự tiếc thương của nhân loại trên toàn thế giới.

Tên tuổi, sự nghiệp, cống hiến, sự hy sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi ghi vào lịch sử cũng như là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam kế thừa và phát huy.

Để hiểu hơn về con người, thân thế và tầm ảnh hưởng của vị tướng tài ba, xuất chúng-Võ Nguyên Giáp, phóng viên báo Điện tử VOV có cuộc phỏng vấn Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara tại Hà Nội năm 1995 (Ảnh: AFP)

PV: Là người nghiên cứu lịch sử lâu năm, ông có thể cho biết tầm ảnh hưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với lịch sử dân tộc như thế nào?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trước hết, cá nhân tôi muốn nhìn nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam từ góc độ một nhân vật làm nên lịch sử, đồng thời cũng là một đồng nghiệp lớn. Trước khi trở thành một nhà hoạt động chính trị, một vị  Đại tướng Tổng tư lệnh, ông từng là một nhà báo, một thầy giáo dạy sử và cuối cùng đã trở thành một nhà sử học lớn.

Là người hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ trọng đại trong sự nghiệp Cách mạng giải phóng dân tộc, có mặt ở tất cả những biến cố trọng đại nhất của lịch sử dân tộc ở thế kỷ XX, góp phần làm nên những chiến công hiển hách nhất. Đại tướng cũng là người có những đóng góp to lớn trong việc tổng kết và tôn vinh lịch sử của sự nghiệp cách mạng ấy.

Những tư duy lịch sử, phẩm chất của một nhà sử học chắc chắn đã tác động đến tính cách, nhận thức, sức sáng tạo trong hoạt động chính trị và quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong những tác phẩm tổng kết, trong những pho hồi ký  của mình, Đại tướng luôn nhắc đến những bài học lịch sử.

Là người tham gia cách mạng từ rất sớm trong tổ chức yêu nước tiền thân của Đảng, sau đó trải qua thời kỳ hoạt động của Mặt trận Bình dân với tư cách là một nhà báo cộng sản. Nhưng bước ngoặc quan trọng nhất, chính là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ông vào vị trí của của người đứng đầu lực lượng vũ trang cách mạng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là người đạt tới đỉnh cao của quyền lực nhưng ông là nhân vật lịch sử đã đạt tới một tầm cao về uy tín và lòng yêu kính của nhân dân cũng như sự nể trọng của bạn bè quốc tế, kể cả với những người từng là đối thủ của ông"

Trước khi trở thành người đứng đầu của Lực lượng vũ trang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được biết đến với vai trò hết sức quan trọng trong những năm đầu tiên xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập với cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ.  Ông còn là người đứng mũi chịu sào để gìn giữ và bảo vệ thể chế Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ.

Đương nhiên, tên tuổi của  Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với hai cuộc kháng chiến “đánh bại hai đế quốc to” ở cương vị  Tổng Tư lệnh. Lịch sử sẽ không bao giờ quên hai quyết định quan trọng gắn với việc chuyển đổi phương châm chỉ đạo từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) và tư tưởng “thần tốc, thần tốc hơn nữa...” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thức thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1975). Và đến  thời điểm này, chúng ta càng hiểu rõ hơn tầm nhìn chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta khi đưa ra quyết sách cùng với cuộc chiến tranh giải phóng trên đất liền đã kịp thời giải phóng biển, đảo, củng cố chủ quyền quốc gia ở Trường Sa trên Biển Đông.  

Sau này, theo sự phân công của Đảng, ông phụ trách nhiều công việc khác về khoa học, giáo dục… Đại tướng càng phát huy được phẩm chất và trí tuệ của một trí thức cách mạng có tầm nhìn chiến lược nhưng luôn phát huy những giá trị truyền thống dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là đại diện cho một “thế hệ Vàng”  trải nghiệm qua những thử thách vô cùng to lớn của lịch sử biết phát huy giá trị truyền thống của dân tộc và của thời đại.

Thế giới “nghiêng mình” trước Tướng Giáp

PV: Không chỉ có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với dân tộc, ông có thể cho biết tầm ảnh hưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với thế giới như thế nào?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi không có dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp sớm mà chủ yếu là từ khi ông đã rời khỏi những cương vị của một nhà lãnh đạo.

Năm 1988, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lời làm Chủ tịch danh dự Hội Sử học Việt Nam nên tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với ông. Năm 1992, tôi có vinh dự giúp việc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuẩn bị tài liệu cho chuyến ông đi thăm Ấn Độ. Sau này, Đại tướng cũng dành cho tôi sự ưu ái được tham dự những sự kiện hiếm hoi như các cuộc gặp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.McNamara vào năm 1995 và 1997; buổi tiếp con trai của cố Tổng thống Mỹ Kennedy cùng với nhiều hoạt động sử học khác.

Đối với thế giới, tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước tiên  gắn với lịch sử dân tộc Việt Nam. Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân cho vị thế của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hiện đại của thế kỷ XX, thời đoạn lịch sử mà dân tộc ta có những đóng góp rất to lớn, như cách nói của giới khoa học và truyền thông là “làm thay đổi bộ mặt thế giới”.

Nhiều nhà xuất bản lớn của phương Tây khi tổng kết về lịch sử chiến tranh, tuyển chọn những danh tướng qua mọi thời đại lịch sử đều nhắc đến tên tuổi của vị đại tướng Việt Nam như một trong những danh tướng kiệt xuất nhất. Và cho đến trước ngày 4/10 vừa qua thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một nhân vật hiếm hoi còn... sống.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải là người đạt tới đỉnh cao của quyền lực nhưng ông là nhân vật lịch sử đã đạt tới một tầm cao về uy tín và lòng yêu kính của nhân dân cũng như sự nể trọng của bạn bè quốc tế, kể cả với những người từng là đối thủ của ông.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm lại Điện Biên Phủ năm 1994

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954

PV: Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đề cập đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ông có thể nghĩ rằng, làm nên chiến thắng lừng lẫy này là do sự tin tưởng tuyệt đối của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tin cậy giao trọng trách nắm toàn bộ quyền chỉ huy quân sự với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội và Bí thư Quân ủy Trung ương.

Nếu như trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tin tưởng khi giao cho Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp toàn quyền trên Mặt trận Điện Biên Phủ thì những quyết định sáng suốt, kịp thời của Đại tướng hẳn đã không có cơ hội trở thành chiến thắng lẫy lừng.

Nói cách khác mọi đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thể tách khỏi cái thời đại cũng như đội ngũ những người đồng chí của ông trong sự nghiệp chung, và như Đại tướng thường nói, linh hồn quyết định cho thắng lợi cuối cùng chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh và những tư tưởng để lại như một Di sản lịch sử.

Thế hệ trẻ cần phát huy những giá trị tinh hoa mà Tướng Giáp để lại

PV: Theo ông, những yếu tố nào đã hun đúc lên con người Võ Nguyên Giáp và chúng ta cần làm gì để thế hệ trẻ ngày nay kế thừa, học tập và phát huy những giá trị tinh hoa mà Tướng Giáp đã để lại?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là con người của thời đại, thế hệ gồm những người có lòng nồng nàn yêu nước, khát khao muốn nước nhà được độc lập tự do, được kế thừa những giá trị truyền thống dân tộc như: Huỳnh Thúc Kháng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Trần Đại Nghĩa …

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường kể cho những nhà sử học chúng tôi câu chuyện về vết đạn thực dân Pháp bắn thủng Thành cửa Bắc Hà Nội. Đối với người Pháp coi đó là biểu thị cho sức mạnh của chủ nghĩa thực dân.

Thế nhưng, đối với những người trẻ của thế hệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi đó như là một nỗi nhục lớn mà dấn thân vào cuộc chiến đấu rửa nỗi nhục cho dân tộc, Tổ tiên. Rồi Đại tướng liên hệ rằng, nếu chúng ta truyền cho các thế hệ trẻ hiện nay tinh thần yêu nước thể hiện như lòng tự trọng trước nỗi nhục nghèo hèn thì chúng ta có thể tin rằng, thế hệ trẻ ngày nay vẫn có thể làm nên những chiến công như thế hệ của ông.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến các bạn trẻ đón nhận cuốn nhật ký “Đặng Thùy Trâm” và nhiều thế hệ thanh niên “xe dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hướng tới biển đảo như thế nào để đừng quá lo rằng, giới trẻ quay lưng lại với lịch sử. Vấn đề là trách nhiệm của xã hội, của những người hay tổ chức có trách nhiệm, trong đó có cả giới sử học chúng tôi hãy mang đến cho giới trẻ những giá trị chân thực của lịch sử, trong đó có những tấm gương sống động không chỉ có trong quá khứ mà còn đòi hỏi ngay trong xã hội hiện tại. Đây không phải chỉ là câu chuyện của giới trẻ mà rất quan trọng ngay cả đối với những người đang giữ những trọng trách như thế hệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gánh vác và hoàn thành một cách xuất sắc.

Hơn bao giờ, ngày nay, thế hệ trẻ đang rất cần những tấm gương của những người lãnh đạo. Chắc chắn sự ra đi của vị Đại tướng huyền thoại sẽ để lại một niềm tiếc nuối về một “thế hệ Vàng” đã đi qua lịch sử và niềm mong ước về những thế hệ kế tục mà hình như vẫn còn là sự... chờ đợi.

PV: Xin cảm ơn Nhà sử học!./.

Theo VOV.VN

Bình luận :