Cụm trường THPT Thạch Thất - Quốc Oai tổ chức Hội thảo, tập huấn công tác tham vấn tâm lý trường học năm học 2021 - 2022

Thực hiện Kế hoạch số 03/KH- THPTTT-QO ngày 07 tháng 12 năm 2021 của cụm trường THPT huyện Thạch Thất - Quốc Oai . Hôm nay ngày 10/12/2021 cụm trường THPT Thạch Thất - Quốc Oai đã tổ chức buổi Hội thảo, tập huấn công tác tham vấn tâm lý trường học năm học 2021 -2022.

          Buổi hội thảo, tập huấn công tác tham vấn tâm lý được tổ chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham vấn, giáo viên chủ nhiệm trong các nhà trường, đồng thời bổi dưỡng cho giáo viên những kiến thức cơ bản về công tác tư vấn tâm lý, những kỹ năng tham vấn, kỹ năng nhận diện những vấn đề thường gặp ở tâm lý học sinh cũng như giúp Cán bộ tham vấn, giáo viên chủ nhiệm các trường trong cụm có điều kiện chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác tham vấn tâm lý.


Các thầy cô giáo trong cụm Thạch Thất- Quốc Oai tham dự buổi Hội thảo

        Tại buổi Hội thảo, Ban tổ chức rất vinh dự được đón tiếp đại diện Lãnh đạo, Bí thư đoàn trường; Cán bộ tham vấn tâm lý; Giáo viên chủ nhiệm các trường trong cụm Thạch Thất – Quốc Oai tham dự.
        Phát biểu khai mạc thầy giáo Nguyễn Danh Chiến - Hiệu trưởng trường cụm trưởng nhấn mạnh mục đích của buổi Hôi thảo mang lại, đồng thời còn là diễn đàn cho các Cán bộ tham vấn, giáo viên chủ nhiệm các trường có cơ hội trao đổi, chia sẻ về những  kinh nghiệm, những vẫn đề cụ thể ở mỗi nhà trường và vai trò của các Cán bộ tham vấn đối với việc đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả trong việc trợ giúp học sinh có các vấn đề về tâm lý, thầy Nguyễn Danh Chiến cũng đề nghị các trường cần cụ thể hóa, thực hiện các nội dung, kiến thức tiếp thu được từ buổi Hội thảo vào thực tế của mỗi trường, tăng cường sự phối kết hợp của các tổ chức, các bộ phận trong công tác giáo dục, giúp đỡ học sinh.


 Thầy giáo Nguyễn Danh Chiến phát biểu khai mạc

           Mở đầu buổi Hôi thảo PGS- TS Trần Thành Nam; Chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, trao đổi về những yêu cầu trong việc thành lập phòng tham vấn học đường tại các trường học, giúp các thành viên tham dự buổi Hội thảo hiểu rõ hơn chức năng của công tác tham vấn nhằm thúc đẩy sự phát triển, tối đa hóa tiềm năng, giúp các cá nhân giải quyết vấn đề, chiếm lĩnh các mục tiêu cá nhân; giảm nhẹ những khó khăn, căng thẳng trên các phương diện học tập, xã hội, cảm xúc, hành vi… của các em học sinh.     
         PGS- TS Trần Thành Nam cũng chỉ ra cho các cán bộ tham vấn trong nhà trường cần phải làm gì; mô hình tư vấn học sinh 3 tầng thực hiện như thế nào, thiết lập, vận hành phòng tham vấn ra sao để đạt hiệu quả, các cấp độ can thiệp khủng hoảng trong trường học. Theo PGS- TS Trần Thành Nam chức năng, nhiệm vụ của các cán bộ tham vấn tại trường học cần được xây dựng trên 6 lĩnh vực: Sàng lọc, chuẩn đoán các vấn đề tâm lý xã hội; Tư vấn và phát triển tâm lý; Các hoạt động hỗ trợ tâm lý dự phòng; Các vấn đề khủng hoảng cần can thiệp; Các hoạt động tham vấn với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh; Các hoạt động điều phối trong trường học; Chuyển tuyến với các trường hợp nặng hay có nguy cơ cao.


 PGS - TS Trần Thành Nam chia sẻ trong buổi Hội thảo

       Nội dung tiếp theo ông cũng trao đổi về việc tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch Covid -19 và sau khi quay lại trường học, những nguy cơ trẻ dễ bị tổn thương về sức khỏe tinh thần trong mùa dịch...Vì vậy mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo cần để tâm đến kỹ năng nhận diện được sự căng thẳng của các em, xem các em đang gặp khó khăn gì. Bên cạnh đó tập trung hướng dẫn, thực hành các kỹ năng tư vấn hỗ trợ cho các học sinh gặp phải những khó khăn về tâm lý, cần thực hiện các biện pháp gì để giảm căng thẳng cho các em sau khi trở lại trường học…Qua phần chia sẻ của thầy mỗi cán bô tham vấn, giáo viên chủ nhiệm cũng như tất cả các bộ phận trong các nhà trường thấy được điều cần thiết của việc phải thật sự lắng nghe với tinh thần hợp tác cùng học sinh, thấu hiểu thay vì trách phạt, cần nhẹ nhàng, kiên nhẫn vì hiểu học sinh mới hóa giải được áp lực, vì khi lắng nghe và thể hiện sự thấu hiểu các em sẽ dễ dàng bày tỏ những điều đang chất chứa trong lòng, cùng phối hợp giải quyết sự việc sao cho có tình có lý mà vẫn đảm bảo kỷ cương trong trường học.

 
PGS - TS Trần Thành Nam chia sẻ trong buổi Hội thảo

        Phần thứ hai của buổi Hội thảo là ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của cán bộ tham vấn, giáo viên chủ nhiệm các trường trong cụm diễn ra khá sôi nổi. Cô giáo Nguyễn Thị Vinh - Cán bộ tham vấn tâm lý trường THPT Phùng Khắc Khoan Thạch Thất chia sẻ : công tác làm cán bộ tham vấn của mình như một cái duyên dù cô chưa được đào tạo chuyên sâu chỉ qua các lớp tập huấn của Sở giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhưng với trách nhiệm, lòng yêu nghề cùng sự cố gắng nỗ lực học hỏi của bản thân cô đã nhận được sự tin tưởng của học sinh, cha mẹ học sinh, các đồng nghiệp và giờ cô cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã giúp đỡ, hỗ trợ được nhiều học sinh, cha mẹ học sinh tìm ra cách khắc phục những khó khăn, trở ngại, tìm ra hướng giải quyết, hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân và gia đình.


 Đại diện các trường chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác tham vấn tại các đơn vị

        Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt- Cán bộ tham vấn trường THPT  Cao Bá Quát chia sẻ cô làm công tác tham vấn được hai năm nhưng cũng để lại trong cô nhiều cảm xúc tích cực vì ít nhiều cô đã giúp đỡ, chia sẻ cho học sinh nhà trường giải quyết một phần những khó khăn trong việc phát triển nhân cách, năng lực, kỹ năng học tập, định hướng nghề nghiệp, rèn luyện sức khỏe thể chất, xây dựng các mối quan hệ tích cực, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội cho các em … tất cả những điều cô làm đã góp phần  quan trọng trong việc phòng ngừa những vấn đề tâm lý bất ổn xảy ra.
        Buổi Hội thảo về công tác tham vấn tâm lý trường học đã mang lại nhiều giá trị bổ ích, thiết thực cho các nhà trường trong đó đặc biệt là các bộ tham vấn, giáo viên chủ nhiệm của các trường trong cụm Thạch Thất- Quốc Oai. Để công tác tham vấn tâm lý trường học ngày một phát triển, hoạt động quy mô, bài bản hiệu quả thì rất cần sự đồng thuận từ nhiều phía mà cụ thể là sự quan tâm, đồng bộ và chính thức như một nhiệm vụ của các nhà trường, chứ không phải là một hoạt động ngoài giờ, một chương trình bổ sung. Vấn đề đào tạo nhân lực, vấn đề cơ sở vật chất, vấn đề phát triển nhân lực, viêc động viên khích lệ, tạo cơ hội cho các giáo viên làm công tác tham vấn là rất quan trọng và cần được xem xét để công tác này sẽ được phát triển một cách đúng nghĩa và mang tính lâu dài./.

 Thực hiện : Tống Thị Hà
Người duyệt: NTH

Bình luận :