Công tác chủ nhiệm: Khó mà không khó

Bên cạnh công  tác giảng dạy thì người giáo viên cũng phải làm các công việc kiêm nhiệm khác, trong đó có công tác chủ nhiệm. Ngoài việc hàng ngày lên lớp truyền đạt kiến thức cho các em học sinh (HS), người giáo viên chủ nhiệm (GVCN) cũng có nhiều cơ hội để tiếp xúc thêm với các em. Thông qua công tác chủ nhiệm, giúp người giáo viên nắm bắt được tình hình, đặc điểm về hoàn cảnh của từng HS, từ đó hiểu được những tâm tư, tình cảm và những suy nghĩ của các em. Tạo ra sự tin tưởng của các em vào thầy, cô giáo, giúp rút ngắn khoảng cách giữa người giáo viên và HS.

Cũng từ đây, người giáo viên sẽ đưa ra các phương pháp giáo dục tốt hơn, phù hợp với đặc điểm từng HS của từng khu vực, giúp mang lại hiệu quả trong quá trình giảng.

Song để làm tốt công tác này không phải là một công việc dễ dàng, đặc biệt đối với những giáo viên trẻ. Đây cũng là một thách thức mà các giáo viên trẻ cần phải vượt qua để khẳng định được sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nghề được coi là “cao quý nhất trong các nghề cao quý”

Từ những thực tế trên, bản thân tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm sau gần 10 năm làm công tác chủ nhiệm xin được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp như sau:

- Trước hết, người làm công tác chủ nhiệm phải là người có lòng nhiệt tình với công việc được kiêm nhiệm, với các công tác của nhà trường và của lớp. Phải có trách nhiệm và tinh thần cao đối với công việc được giao, tránh làm qua loa cho xong việc.

- Thứ hai, GVCN cần nắm bắt được các thông tin quan trọng của từng HS trong lớp một cách nhanh nhất. Cần có được sự tin tưởng của HS, của CMHS nhanh nhất. Với cá nhân tôi, ngay  từ đầu năm học, với mục tiêu làm cách nào đó để nắm bắt thông tin HS một cách nhanh nhất, chính xác nhất, tôi đã lên kế hoạch thực hiện cấp tốc các việc sau:

+ Lập các nhóm liên lạc qua các kênh mạng xã hội (facebook, zalo, message)

+ Thiết kế biểu mẫu để thu thập toàn bộ thông tin học sinh mà mình cần thiết

+ Xử lý và phân loại các thông tin để tiện trong việc quản lý và theo dõi

 
Thiết kế biểu mẫu để thu thập toàn bộ thông tin học sinh mà mình cần thiết

+ Cùng đại diện lớp đến thăm từng gia đình học sinh trong lớp. Hoặc nếu hoàn cảnh không cho phép (dịch bệnh…) có thể gọi điện trao đổi với CMHS để năm bắt tình hình, xác nhận các thông tin HS chia sẻ.

 
GVCN đến thăm gia đình học sinh trong lớp sau khi nhận lớp dịp đầu năm học

Việc làm này mang lại hiệu quả tuyệt vời, vừa giúp tôi nắm bắt chính xác thông tin HS và nhanh chóng ghi nhớ (họ tên, xã, anh chị em, nghề nhiệp bố mẹ...), nắm được hoàn cảnh gia đình, có cơ hội trao đổi trực tiếp với CMHS về HS của mình, được CMHS chia sẻ những thông tin quý giá, và đặc biệt tôi cảm nhận được sự trân trọng, quý mến, tin tưởng của CMHS dành cho mình và chắc chắn sẽ giúp việc phối hợp giữa CMHS và GVCN, với nhà trường được hiệu quả hơn rất nhiều.

- Sau khi nắm bắt được đặc điểm tình hình của lớp, cần:

+ Bầu ra ban cán sự lớp (dựa vào thông tin mà HS chia sẻ điểm mạnh, điểm yếu…để lựa chọn ra Ban cán sự có năng lực, có trách nhiệm, đảm bảo đúng người đúng việc)

+ Tổ chức họp ban cán sự để phân công nhiệm vụ, chỉ rõ công việc cụ thể cần làm là gì, bàn bạc cách làm đỡ tốn công sức mà hiệu quả nhất….

 
Bầu ban cán sự lớp và phân cộng nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng

+ Lập kế hoạch chủ nhiệm với các mục tiêu rõ ràng kèm theo các giải pháp thực hiện cụ thể bám sát các kế hoạch của Nhà trường.

+ Ngoài các chủ đề ngoại khóa theo kế hoạch của Nhà trường, tôi còn dự kiến tổ chức thêm 1 vài chủ đề Sinh hoạt lớp phù hợp với thực tế, sự cần thiết của HS lớp mình.

 
Tổ chức thêm các nội dung sinh hoạt lớp theo chủ đề phù hợp với thực tế HS trong lớp

- Trong quá trình thực hiện kế hoạch suốt năm học, Cần quan tâm sát sao tới các hoạt động của lớp chủ nhiệm, chủ động nắm được tình hình của lớp ở từng thời điểm, đặc điểm của HS trong lớp để có những biện pháp tác động khen thưởng, phê bình nhắc nhở kịp thời.

 
Có hình thức khen thưởng – phê bình kịp thời

- Cần kết hợp các biện pháp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội,thường xuyên trao đổi, cập nhật thông tin tới CMHS. Nhóm CMHS của lớp sẽ thường xuyên cập nhật các hoạt động chung của lớp, về quá trình rèn luyện của HS với CMHS chứ không để cuối kì, cuối năm mới nhận xét, thông báo hoặc chỉ HS nào có vấn đề mới liên lạc với CMHS. Tất nhiên các thông tin riêng, tế nhị của từng HS sẽ trao đổi riêng với CMHS. Thiết nghĩ, bản thân chúng ta có con đi học, khi được thầy cô cập nhật thường xuyên các hoạt động của con em mình ở trường, ở lớp qua các hình ảnh, video cũng sẽ thấy phấn khởi và yên tâm hơn. Đặc biệt đầu tư về nội dung các buổi họp CMHS.

 
Cập nhật thông tin tới CMHS thường xuyên

- Không chỉ vậy, Thời buổi bùng nổ CNTT, đôi khi người GVCN cũng cần bắt kịp xu thế để đến gần với HS hơn, vừa giúp nắm bắt được tâm lí HS, vừa giúp nâng cao hiệu quả quản lí, giáo dục HS. Và tôi tự nhận thấy mình là người khá theo kịp vấn đề này qua việc  lập nhóm lớp qua kênh Facebook,  Messeger, nhóm Cán bộ lớp...thường xuyên chia sẻ với HS các vấn đề trong học tập và cuộc sống, đương nhiên việc này sẽ chiếm không ít thời gian nhưng với tôi đó là niềm vui, hạnh phúc khi được HS tin tưởng để sẻ chia.

- Cuối cùng, mỗi người thầy, cô giáo hãy là tấm gương về đạo đức và nhân cách (đặc biệt là không ngừng trau dồi về chuyên môn nghề nghiệp) để HS nhìn vào, từ đó có sự tin tưởng đối với những người giáo viên chủ nhiệm.

Thiết nghĩ, công việc nào cúng có những khó khăn vất vả riêng, nhưng khi vượt qua được những khó khăn đó thì sẽ thành công, và công tác chủ nhiệm cũng vậy, cần bỏ ra nhiều mồ hôi, công sức nhưng thu lại cúng thật nhiều trái ngọt./.

Thực hiện:  Nguyễn Thị Minh Nguyệt
Duyệt bài: Nguyễn Thị Huệ

Bình luận :