Chuyển biến toàn diện nhờ đổi mới quản lý

Năm học 2013-2014 của ngành GD-ĐT Thủ đô khép lại với nhiều dấu ấn đáng tự hào về sự chuyển biến toàn diện ở các lĩnh vực công tác. Không chỉ phát triển mạnh về quy mô và chất lượng giáo dục, Hà Nội đã chấn chỉnh được nhiều vấn đề bức xúc, tạo được lòng tin với nhân dân. Dấu ấn từ đổi mới quản lý

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Một trong những chuyển biến mạnh mẽ của ngành GD-ĐT Thủ đô năm học 2013-2014 là những đột phá trong công tác quản lý, góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc tồn tại qua nhiều năm. Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã tham mưu với thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu quản lý giáo dục trong giai đoạn mới và cụ thể hóa được thành những công việc cụ thể, có chất lượng. Đơn cử là văn bản số 51/2013/QĐ-UBND quy định cụ thể về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; quyết định 22/2013/QĐ-UBND quy định về dạy thêm, học thêm. Sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên quyết và nghiêm khắc trong công tác quản lý đã cơ bản chấn chỉnh được những vi phạm về dạy thêm, thu chi, góp phần làm lành mạnh môi trường giáo dục. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên xây dựng và ban hành tiêu chuẩn trường chất lượng cao và các quy định liên quan về cơ chế tài chính, chương trình giáo dục chất lượng cao… Với nguyên tắc học tự nguyện và chỉ phát triển mô hình trường chất lượng cao ở những nơi đã có đủ chỗ học cho HS học phổ cập, mô hình này đã đáp ứng được nhu cầu học tập có chất lượng của một bộ phận phụ huynh. 

 
Thực hành trên máy tính của học sinh Trường TH Quang Trung (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Bảo Kha
Thực hành trên máy tính của học sinh Trường TH Quang Trung (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Bảo Kha


Trong năm học vừa qua, việc tăng cường quản lý đối với hệ thống trường học trên địa bàn thành phố được thực hiện quyết liệt, hiệu quả và thực chất. Sở GD-ĐT đã ban hành và áp dụng 5 tiêu chuẩn về điều kiện tuyển sinh của các trường ngoài công lập; tham mưu với UBND thành phố ban hành Chỉ thị 25/CT-UBND về quản lý hoạt động của loại hình trường này, từ đó chấn chỉnh được nhiều tồn tại, kiên quyết xử lý các sai phạm, đưa hoạt động của các trường ngoài công lập vào nền nếp, góp phần tạo thêm nhiều môi trường học tập có chất lượng cho HS. 

Năm học 2013-2014 cũng là năm ghi dấu những hiệu quả tích cực từ công tác thanh tra, kiểm tra của ngành GD-ĐT Thủ đô. Việc chuyển từ hình thức thanh tra chuyên môn của giáo viên sang thanh tra hành chính nhà trường đã giúp cho ban giám hiệu các trường nâng cao trách nhiệm trong công tác điều hành cả về chuyên môn và các mặt hoạt động một cách toàn diện. Hình thức thanh tra mới cũng giúp các cấp quản lý ngành bao quát toàn bộ các hoạt động của cơ sở để kịp thời có những điều chỉnh trong chỉ đạo, quản lý. 

Đội ngũ là khâu đột phá 

Năm học 2014-2015, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ngành GD-ĐT Thủ đô xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành và sẽ từng bước triển khai bằng các công việc cụ thể, đối với từng cấp học, ngành học. Nội dung được quán triệt trong toàn ngành trong lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, coi đây là khâu đột phá của năm học 2014-2015 để nâng cao chất lượng giáo dục. Lãnh đạo ngành xác định đây là khâu đột phá là bởi nhận thức rõ rằng nghị quyết có thành công hay không có phần công sức rất lớn của đội ngũ nhà giáo, họ là những người trực tiếp "thi công", triển khai cụ thể các phần việc được quy định. Đó là vinh dự của đội ngũ nhà giáo Thủ đô, song cũng đặt lên vai những người thầy trọng trách không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ. 

Nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ này, trong năm học 2014-2015, Sở GD-ĐT tiếp tục thực hiện Kế hoạch 111-KH/ UBND của UBND thành phố về: "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2011-2016"; tích cực bồi dưỡng năng lực ứng dụng CNTT, sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên; tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp của Bộ GD-ĐT theo hướng thực chất. Tinh thần được quán triệt tới tất cả các nhà trường trong quá trình xếp loại, đánh giá giáo viên là không chỉ căn cứ theo bằng cấp được đào tạo, mà phải dựa trên "sản phẩm" thực tế. Cách thức tuyển dụng giáo viên tiếp tục được đổi mới nhằm bảo đảm hài hòa giữa kết quả học tập tại trường ĐH và kỹ năng thực hành của thí sinh, từ đó chọn được những giáo viên hội tụ các điều kiện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

Bên cạnh việc quan tâm đến sự phát triển số lượng giáo viên, ngành GD-ĐT còn tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này nhằm đáp ứng có chất lượng với yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông thời gian tới. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học này đối với đội ngũ giáo viên toàn ngành là đổi mới phương pháp dạy học theo hướng từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của HS, giúp HS chủ động, tích cực hơn trong việc học. Các phương pháp dạy học theo nhóm, theo dự án, phương pháp "Bàn tay nặn bột"… sẽ tích cực được chỉ đạo triển khai trong năm học 2014-2015. Theo đó, phương pháp của người thầy cũng sẽ thay đổi, từ chỗ chỉ dạy học nay sẽ tập trung tổ chức các hoạt động giáo dục, hướng dẫn HS chủ động chiếm lĩnh kiến thức, từ đó hình thành các kỹ năng cơ bản.

 
Một số kết quả tiêu biểu: 
- Hà Nội có 2.527 cơ sở giáo dục, gần 1,6 triệu HS. 
- 137 HS THPT đoạt giải quốc gia, tăng 7 giải so với năm trước. 
- 16 HS đoạt huy chương trong các kỳ Olympic Châu Á và quốc tế. 
- Xây mới 15 trường học; 4 trường được công nhận đạt tiêu chí trường chất lượng cao; 134 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu 7 trường. 
- Hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi trước 1 năm so với kế hoạch của thành phố, trước 2 năm so với kế hoạch của toàn quốc.
 

Bình luận :