Chương trình tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật: Phòng chống ma tuý; chống kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS
Có thể nói bên cạnh việc trang bị những kiến thức, kĩ năng cần thiết cho học sinh thì công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho học sinh luôn là việc làm cần thiết cho học sinh trong nhà trường và toàn xã hội, đồng thời là yêu cầu khách quan chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, góp phần xây dựng một thế hệ học sinh có kỷ cương, nề nếp.
Hưởng ứng ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam 9/11/2019, Ban tuyên truyền pháp luật trường THPT Cao Bá Quát – Quốc Oai gửi đến các em học sinh chủ đề: “Phòng chống ma túy, phòng, chống kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS”.
(Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hải – GV môn GDCD trong buổi tuyên truyền)
Trong khoảng thời gian 30 phút tuyên truyền, cô Thanh Hải đã gửi đến các học sinh về một nội dung không mới về ma túy, nguyên nhân và hậu quả của việc sử dụng ma túy. Với tư cách là HS đang ngồi trên ghế nhà trường, mỗi cá nhân cần phải nâng cao trách nhiệm, nói không với việc sử dụng ma túy dưới bất kỳ hình thức nào. Hãy: Học tập, nghiên cứu nắm vững những quy định của pháp luật đối với công tác phòng, chống ma tuý và nghiêm chỉnh chấp hành. Không tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc làm những việc khác liên quan đến ma tuý. Khuyên nhủ bạn học, người thân của mình không sử dụng ma tuý hoặc tham gia các hoạt động vận chuyển, mua bán ma tuý. Khi phát hiện những học sinh, sinh viên có biểu hiện sử dụng ma tuý hoặc nghi vấn buôn bán ma tuý phải báo cáo kịp thời cho thầy, cô giáo để có biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, ký cam kết không vi phạm pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma tuý.
(Học sinh khối chiều và sáng, hào hứng tham gia phần giao lưu khán giả)
Bên cạnh, công tác đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống ma túy thì phòng, chống kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS là vấn đề nhức nhối mà cả xã hội quan tâm. Với câu hỏi đặt ra: “Giả sử ngày hôm qua em được biết về người bạn thân của mình ngồi cùng bàn bị nhiễm HIV, cảm xúc và hành động của em ra sao?” Có rất nhiều câu trả lời khác nhau, có em cho rằng mình thấy “sốc”, “ngỡ ngàng” và thậm chí xin “đổi chỗ” ngay hôm sau. Còn có em, thì cho rằng việc bạn bị nhiễm HIV/AIDS là “bình thường”, đồng thời “chia sẻ, động viên”, yêu thương” bạn, giúp cho bạn lạc quan tin tưởng vào cuộc sống với căn bệnh thế kỷ mà hiện chưa có thuốc chữa.
Qua phần giao lưu, các em hiểu kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV. Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV. Cho dù là kỳ thị hay phân biệt thì chính sự kỳ thị và phân biệt đã và đang đẩy người nhiễm HIV/AIDS bị hạn chế một số quyền cơ bản của công dân như quyền được chăm sóc sức khoẻ, làm việc, học hành, tự do đi lại… là những quyền mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ.
(Thông điệp do học sinh 12D5, 11A4 thực hiện)
Không nên kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, cũng như có thái độ cảm thông, yêu thương khi tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS. Với thông điệp“ HIV/AIDS không phải là tệ nạn xã hội ”, “ Làm ơn đừng phân biệt chúng tôi những người nhiễm HIV/AIDS ” hay “ Sống không kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS”. Qua thông điệp, giúp các em có hành động thiết thực trong công tác truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Hãy quan tâm, chăm sóc, người nhiễm HIV/AIDS và cùng nhau bảo vệ cộng đồng.
Người viết: Nguyễn Thị Thanh Hải
Người duyệt: Nguyễn Thị Huệ
Bình luận :