Cần chuẩn bị tâm lý cho học sinh quay trở lại trường.

Thực hiện công văn số 227/SGDĐT-CTTT-KHCN, ngày 25/01/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về Tổ chức hoạt động dạy học cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố. Theo đó các em học sinh lớp 7,8,9,10,11,12 các trường THPT, các trường THCS, các Trung tâm GDNN-GDTX,…sẽ đi học trực tiếp từ ngày 08/02/2022.

Tuy nhiên khi học sinh trở lại trường trong điều kiện số f0 trong cộng đồng vẫn tăng cao, tâm lý lo lắng của cha mẹ học sinh, học sinh về tình hình dịch bệnh là không thể tránh khỏi.

 Các em sẽ đối diện với nhiều cảm xúc lẫn lộn, vừa vui mừng vừa lo lắng, nhất là việc thiết lập lại các thói quen mới như dậy sớm đi học, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, áp lực học tập.... Thậm chí, ở nhà lâu ngày, việc thay đổi môi trường từ gia đình đến trường học cũng khiến một số em cảm thấy không an toàn, ngại đi học.

Tuy nhiên vào thời điểm này, việc đi học trở lại là cần thiết với các em. Nếu học trực tuyến kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của học sinh, nhất là với lứa tuổi thanh thiếu niên. Các hoạt động giao tiếp bên ngoài, các hoạt động thể chất, tinh thần gần như dừng lại. Bên cạnh đó lại tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá nhiều, các em học sinh sẽ mất dần đi cảm xúc, cảm nhận, không học hỏi được kỹ năng, thái độ sống. Chưa kể các hệ lụy khác về sức khỏe tâm thần, thể chất như dễ lo âu trầm cảm, rối loạn cảm xúc, dễ tổn thương, hay bực bội, cáu gắt. Nhiều em học sinh có nguy cơ mắc các bệnh như cận thị, béo phì, cong vẹo cột sống, thiếu canxi… do ngồi máy tính học trực tuyến dài ngày, ít vận động.

Đối với các em học sinh trường THPT Cao Bá Quát-Quốc Oai đã được tiêm vắc xin  mũi 2 phòng  COVID-19 và ở nhà trong một thời gian dài, nhu cầu giao tiếp bị hạn chế nên khi đi học trực tiếp sẽ có tâm lý chủ quan phòng dịch, và cho phép mình thoải mái giao lưu, gặp gỡ vui chơi. Chính vì vậy các thầy cô GVCN cần thường xuyên nhắc nhở các em về biện pháp phòng dịch, giáo viên và gia đình cần có sự quan tâm, động viên hỗ trợ giúp các em giảm bớt áp lực về học tập, điểm số. Bên cạnh đó, trước khi học sinh đi học trở lại các em cần chuẩn bị cho mình tâm lý cũng như thiết lập cho mình những thói quen như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang trong giờ học; tuân thủ 5K…Trong tháng 01/2022 các thầy cô GVCN đã triển khai cho học sinh tiết Sinh hoạt lớp chủ đề “Kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ khi bị bạo lực ở trường và trên đường tới trường” để giúp các em học sinh có thể phòng ngừa Bạo lực học đường có thể xảy ra sau một thời gian dài không tương tác bạn bè; Áp lực gây căng thẳng trong thời gian đầu trở lại trường; Kỷ luật tích cực lỏng lẻo do ở nhà quá lâu; Kết quả học tập sụt giảm...   

Các em vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý, hạn chế đi lại giao tiếp, học tập trực tuyến kéo dài, khiến cho các em học sinh trở thành nhóm đối tượng dễ mắc những vấn đề tâm lý nhất.  Vì vậy khi đi học trực tiếp trở lại, bên cạnh các biện pháp bảo đảm an toàn cho thầy và trò thì việc hỗ trợ tâm lý cho các em cũng rất quan trọng. Ngoài ra cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh và thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách cho các em học sinh, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện.

Các em học sinh cũng đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình, thầy cô, bạn bè khi gặp những khó khăn về tâm lý trong những ngày đầu đi học trở lại . Đặc biệt các em có thể tìm đến phòng Tư vấn tâm lý nhà trường để gặp các cô trong tổ tư vấn luôn sẵn sang hỗ trợ các em.  Sự hỗ trợ kịp thời về tâm lý sẽ giúp các em thích nghi với cuộc sống trường học, trao đổi về những lo âu khi quay trở lại trường học và cách ứng phó. Trong thời gian này sức khỏe tinh thần của học sinh quan trọng hơn là kiến thức. Không gây áp lực, quá tải đối với học sinh là việc các thầy cô giáo viên bộ môn cần phải cân nhắc, trong đó có việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian học sinh đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức.

Tâm lý thích nghi cần có từ chính cha mẹ học sinh. Để học sinh đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, sự ủng hộ và đồng hành của cha mẹ học sinh bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch từ nhà trường sẽ giúp cho các em bình tĩnh và thích ứng an toàn hơn khi đến trường. Các bố, mẹ thường có tâm lý lo ngại con đi học sẽ không may mắc bệnh, nên tìm hiểu kỹ và tin tưởng những khuyến cáo về bệnh tật cũng như hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Các bậc cha mẹ cũng cần xác định rõ cần phải thích nghi trong hoàn cảnh “bình thường mới”, không thể nào để con ở mãi trong nhà được. Chúng ta cần cho con một bối cảnh rộng hơn để phát triển tâm lý cũng như thể chất của các em.

Các em học sinh đã có khoảng thời gian rất dài ở nhà, không được tham gia các hoạt động xã hội, chính vì vậy ngoài việc chuẩn bị an toàn cho con thì việc chuẩn bị tâm thế cũng như năng lực thích ứng với môi trường mới cũng cần được chú trọng.  Việc trở lại trường học cha mẹ cần lưu ý để con có giờ giấc học tập hợp lý, tránh bị xao nhãng bởi các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại. Khi con đã yêu thích đến trường thì việc điều chỉnh hành vi, thay đổi thói quen để các con bắt nhịp với môi trường mới kỉ cương, nề nếp hơn hoàn toàn không phải là vấn đề trở ngại.
Để học sinh quay trở lại trường học trực tiếp cần sự phối hợp cả từ phía nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh.Về phía nhà trường cần có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, tuyên truyền, hỗ trợ tâm lý học sinh, công tác phòng dịch đảm bảo an toàn cho cả giáo viên và học sinh để cha mẹ học sinh và học sinh yên tâm.  Phía cha mẹ học sinh nên có sự chuẩn bị cũng như hỗ trợ tâm lý cho con, để các em trở lại trường trong tâm thế tốt nhất cả về học tập lẫn sinh hoạt. Bên cạnh đó, sự ủng hộ và đồng hành của cha mẹ cùng các biện pháp phòng chống dịch từ nhà trường sẽ giúp cho các em bình tĩnh và thích ứng an toàn hơn khi đến trường./.

Người thực hiện: Nguyễn Thị Huệ.

 

Bình luận :