Cách thức nhận dạng và trả lời câu hỏi mở trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý
Cách thức nhận dạng và trả lời câu hỏi mở trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý
GD&TĐ - Đề thi tốt nghiệp các môn xã hội trong đó có môn Địa lí đã được đổi mới theo hướng tăng cường các câu hỏi mở để góp phần điều chỉnh cách dạy, cách học, nâng cao chất lượng dạy học.
Trong những năm qua đổi mới giáo dục phổ thông đã được thực hiện theo hướng đổi mới đồng bộ các yếu tố của quá trình dạy học. Trong đó, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh luôn được xã hội quan tâm và có tác động lớn đến việc đổi mới cách dạy của thầy và cách học của trò.
Đề thi tốt nghiệp các môn xã hội trong đó có môn Địa lí đã được đổi mới theo hướng tăng cường các câu hỏi mở để góp phần điều chỉnh cách dạy, cách học, nâng cao chất lượng dạy học.
PGS. TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cũng đề nghị các thầy cô và các em lưu tâm hơn đến các câu hỏi mở. Bởi dạng câu hỏi đó đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp và hiểu biết xã hội để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo theo tư duy của mình chứ không phải theo khuôn mẫu có sẵn hoặc phải ghi nhớ máy móc các số liệu và sự kiện.
Xu hướng chung là đề thi tốt nghiệp có nhiều câu hỏi mở và điều đó sẽ góp phần hạn chế tình trạng học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc các số liệu và sự kiện địa lí.
Làm thế nào để nhận dạng và trả lời tốt các câu hỏi mở trong đề thi tốt nghiệp môn Địa lí? Bài viết này sẽ góp phần trao đổi để làm rõ những vấn đề trên.
1. Thế nào là câu hỏi mở?
Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về câu hỏi mở: “Câu hỏi mở là câu hỏi không có câu trả lời cố định”, “là câu hỏi khai thác, đào sâu thêm thông tin”, “là câu hỏi yêu cầu học sinh tự bảo vệ ý kiến và giải thích lí do của mình”, “là câu hỏi kích thích học sinh đào sâu suy nghĩ và đưa ra nhiều quan điểm”, “là câu hỏi đặt ra với mục đích để biết kiến thức và cảm xúc của người được hỏi về một điều gì đó”, “là những câu hỏi không giới hạn phạm vi trả lời”.
Tiếp cận quan điểm đánh giá năng lực của người học và nghiên cứu các đề thi tốt nghiệp môn Địa lí THPT những năm qua của Bộ GD&ĐT, chúng tôi quan niệm: Câu hỏi mở là những câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng tổng hợp vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn học tập hoặc cuộc sống. Xét về mức độ tư duy đó là những câu hỏi mang tính chất vận dụng, so sánh, phân tích, tổng hợp và đánh giá.
Câu hỏi mở có một số đặc điểm sau:
- Về mục đích của câu hỏi: Là những câu hỏi nhằm đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào giải quyết một vấn đề đặt ra trong thực tiễn học tập hoặc cuộc sống. Những câu hỏi mở hạn chế cách học vẹt, ghi nhớ máy móc của HS. Thông qua một số câu hỏi mở còn góp phần đánh giá được nhận thức, thái độ của HS về một vấn đề nào đó đang được xã hội quan tâm.
- Về tính chất của câu hỏi: Là những tư duy ở mức độ cao: Vận dụng, so sánh, phân tích, tổng hợp, đánh giá và cả kỹ năng quan sát, tư duy Địa lí.
- Về hình thức thể hiện: Các câu hỏi mở thường là những câu hỏi có chứa các từ để hỏi như Tại sao? Như thế nào? Hãy giải thích. Tại sao nói?…
2. Một số dạng câu hỏi mở trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí
Do nội dung của môn Địa lí lớp 12 là những vấn đề tự nhiên, dân cư, kinh tế xã hội của quê hương, đất nước nên có nhiều thuận lợi cho việc liên hệ thực tiễn và tích hợp các nội dung giáo dục qua bài học. Hơn nữa, bản đồ, Atlát Địa lí, biểu đồ, bảng số liệu thống kê là những phương tiện dạy học đặc trưng của môn Địa lí lớp 12. Do vậy, các câu hỏi mở trong đề thi tốt nghiệp môn Địa lí THPT thường có các dạng sau:
- Dạng câu hỏi gắn với các bảng số liệu thống kê (bài tập). Các bài tập dạng này trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí thường có 2 dạng cụ thể sau:
+ Dạng bài tập yêu cầu tính toán, nhận xét từ các số liệu thống kê. Dạng bài tập này thường cho bảng số liệu thống kê sau đó yêu cầu HS tính toán với các số liệu (Câu I.2.a. Đề thi môn Địa lí – Giáo dục THPT năm 2011). Hoặc yêu cầu thí sinh rút ra nhận xét từ bảng số liệu thống kê (Câu I.3. Đề thi môn Địa lí – Giáo dục thường xuyên năm 2012).
+ Dạng bài tập dựa vào bảng số liệu thống kê vẽ và nhận xét biểu đồ. Đây là bài tập bắt buộc đối với các thí sinh trong đề thi tốt nghiệp môn Địa lí và thường có thang điểm từ 2 – 3 điểm.
- Dạng câu hỏi gắn với Atlát Địa lí Việt Nam. Các câu hỏi gắn với Atlat thường có điểm số từ 2 - 3 điểm.
- Dạng câu hỏi nguyên nhân – kết quả. Đây là dạng câu hỏi thường xuất hiện sau các câu hỏi dạng trình bày một vấn đề nào đó và thường có các từ để hỏi: Vì sao, nguyên nhân nào, hãy giải thích, gây ra hậu quả gì…
Dạng câu hỏi này nhằm đánh giá năng lực tư duy ở mức độ cao của học sinh. Ví dụ: “Cho biết tại sao trong quá trình phát triển kinh tế ở Đông Nam Bộ phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường?”, “Tại sao tỉ lệ dân thành thị của Việt Nam còn thấp hơn mức trung bình của thế giới?”…
- Dạng câu hỏi liên hệ thực tiễn. Đây là dạng câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã học để giải thích một sự vật hiện tượng tự nhiên hoặc kinh tế - xã hội trong thực tiễn đang là vấn đề nóng được xã hội quan tâm.
Đề thi tốt nghiệp một số năm qua đã có những câu hỏi: “Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng?”, “Tại sao các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển?”…
4. Cách nhận dạng và trả lời các câu hỏi mở
- Cách nhận dạng các dạng câu hỏi mở trong đề thi môn Địa lí THPT
+ Căn cứ vào hình thức trình bày của câu hỏi: Các câu hỏi mở là những câu hỏi gắn với các bảng số liệu thống kê và atlát. Các câu hỏỉ mở thường có từ để hỏi: tại sao, vì sao, hãy giải thích, nguyên nhân nào, do đâu, như thế nào. Các câu hỏi này thường xuất hiện sau những câu hỏi yêu cầu học sinh trình bày, nêu, kể tên, …
+ Căn cứ vào nội dung, tính chất của câu hỏi: Các câu hỏi mở có nội dung khó hơn, thường yêu cầu thí sinh phải phân tích, so sánh, đánh giá nhằm tìm ra các mối liên hệ bản chất của các sự vật, hiện tượng địa lí (thường là các mối liên hệ nhân quả)
- Cách trả lời các câu hỏi mở
+ Đối với các câu hỏi gắn với bảng số liệu, atlat. Đây được xem là những câu hỏi mở bởi việc trả lời các câu hỏi này không yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng và ghi nhớ máy móc, nhưng hải có các kĩ năng làm việc với bảng số liệu thống kê và átlat.
Với các dạng câu hỏi này, thí sinh cần đọc kĩ đề, xác định đúng yêu cầu, nắm vững các thao tác thực hiện các kĩ năng tính toán, vẽ biểu đồ, nhận xét, giải thích và kĩ năng lập dàn ý kết hợp với đọc bản đồ để trình bày.
+ Đối với các câu hỏi yêu cầu xác lập các mối liên hệ địa lí. Đây là những câu hỏi khó, song thường có thang điểm thấp (dành cho học sinh khá, giỏi).
Do vậy, trong quá trình làm bài thí sinh cần phải phân tích mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng và quá trình địa lí để giải thích một cách logic khoa học, tránh nhầm lẫn giữa nguyên nhân và kết quả, tránh viết dài dòng, lan man ảnh hưởng đến thời gian thực hiện những câu hỏi khác.
+ Đối với các câu hỏi liên hệ thực tiễn. Để trả lời các câu hỏi này, trước hết thí sinh cần phải nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, đồng thời phải luôn quan tâm tới những vấn đề trong thực tiễn có tính thời sự, thường được đề cập đến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với môn Địa lí lớp 12 những vấn đề hiện đang rất được quan tâm như: Vấn đề chủ quyền và phát triển kinh tế vùng biển đảo; Vấn đề gia tăng dân số, lao động việc làm, đô thị hóa; Một số vấn đề nổi bật của từng ngành, từng vùng kinh tế; Vấn đề biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thiên tai và các biện pháp phòng tránh thiên tai; …
Muốn đạt điểm cao, đòi hỏi thí sinh phải có khả năng hiểu, có kĩ năng phân tích, so sánh, tổng hợp, biết vận dụng kiến thức của môn học để giải thích các sự vật, hiện tượng tự nhiên, kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, học sinh cần phải cập nhật thông tin để trả lời những ý của câu hỏi mở; Cần phải xác định rõ ý của người hỏi trong câu hỏi mở, tránh suy diễn theo ý chủ quan của người viết. Xác định được mức điểm của từng ý trong câu hỏi mở, qua đó hạn chế việc viết dông dài.
Để làm tốt bài thi tốt nghiệp, học sinh cần nắm vững các đặc điểm của câu hỏi mở để có phương pháp học, ôn tập và làm bài hiệu quả.
Nguyễn Hữu Xuân, Lê Thị Lành (Trường ĐH Quy Nhơn)
Bình luận :