Cách sử dụng, khai thác Atlat Địa lý Việt Nam

Cách sử dụng, khai thác Atlat Địa lý Việt Nam

GD&TĐ - Muốn khai thác, sử dụng Atlat nói chung và Atlat Địa lý nói riêng có hiệu quả, trước hết phải hiểu rõ bản chất và những đặc điểm của Atlat; cấu trúc, nguyên tắc xác định nội dung, cơ sở Toán học và ngôn ngữ bản đồ.

Việc sử dụng, khai thác Atlat Địa lý Việt Nam, đầu tiên phải nghiên cứu bảng kí hiệu chung để hiểu được bản chất, khả năng thể hiện của các kí hiệu bản đồ, cũng như bản chất của các phương pháp, hình thức biểu hiện trên bản đồ và khả năng thể hiện của các phương pháp biểu hiện.

Nghĩa là muốn sử dung, khai thác Atlat Địa lý Việt Nam, phải hiểu và đọc được các kí hiệu bản đồ. Nhưng kí hiệu bản đồ và màu sắc trên bản đồ cũng chỉ là những phương tiện của phương pháp thể hiện bản đồ.

Do vậy, người sử dụng bản đồ và Atlat Địa lý Việt Nam nhất thiết phải hiểu được các phương pháp thể hiện, những nội dung Địa lý trên bản đồ.

Khi thể hiện bản đồ, ngoài việc thể hiện đặc điểm hình dáng bên ngoài của đối tượng và hiện tượng địa lý, còn phải chỉ ra được sự phân bố, những đặc trưng định tính, định lượng, cấu trúc và động lực phát triển của các đối tượng và hiện tượng nữa. Vì vậy, mỗi đối tượng và hiện tượng địa lý đòi hỏi phải có những phương pháp thể hiện thích hợp.

Trang Kí hiệu chung của Atlat Địa lý Việt Nam bao gồm những kí hiệu phản ánh đầy đủ nội dung của toàn tập, từ những yếu tố tự nhiên, dân cư, kinh tế, hành chính…

Bố cục của trang Kí hiệu chung gồm 4 phần:

Các yếu tố tự nhiên: Phân tầng địa hình, các yếu tố địa hình, thủy hệ và khoáng sản.

Công nghiệp: Các trung tâm công nghiệp, quy mô và các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và các ngành công nghiệp khác.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản: Các vùng nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi.

Các yếu tố khác.

Đối với các yếu tố tự nhiên, trước hết phải hiểu nguyên tắc phân loại bậc thang phân tầng địa hình để từ đó đọc được tốt các trang bản đồ Hình thể và Các miền tự nhiên.

Nội dung công nghiệp bao gồm các kí hiệu thể hiện các trung tâm công nghiệp, các ngành công nghiệp, công nghiệp khai thác khoáng sản. 

Các trung tâm công nghiệp thể hiện quy mô theo giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế năm 2007 (nghìn tỷ đồng) theo bậc thang cấp bậc (tương đối) quy ước.

Các ngành công nghiệp được thể hiện bằng kí hiệu hình học và kí hiệu trực quan; công nghiệp khai thác dung kí hiệu hình học và kí hiệu chữ; nhưng chú ý phân biệt kí hiệu khoáng sản và kí hiệu khai thác khoáng sản ở chỗ là kí hiệu khai thác khoáng sản có vòng tròn bao lấy kí hiệu khoáng sản.

Nội dung nông, lâm nghiệp, thủy sản dùng kí hiệu điện để thể hiện cho vùng nông nghiệp, và kí hiệu trực quan thể hiện sự phân bố các cây trồng và vật nuôi chính.

Các yếu tố khác, đặc biệt là các điểm dân cư được thể hiện theo chức năng hành chính ở các tỷ lệ khác nhau bằng kí hiệu hình học và kiểu, kích thước chữ…

Khi đọc, khai thác từng trang bản đồ phải vận dụng đúng đắn các nguyên tắc, phương pháp và nội dung phân tích, sử dụng bản đồ và thường đề cập tới những nội dung chính:

Nội dung bản đồ, phương pháp và các phương tiện, phương án (kí hiệu, màu ắc, chữ…) để thực hiện phương pháp và từ đó nêu lên những đặc điểm chính của đối tượng, mối quan hệ giữa các đối tượng, hiện tượng Địa lý.

Biết cách khai thác bản đồ của từng ngành kinh tế, biểu đồ giá trị tổng sản lượng, biểu đồ diện tích và sản lượng.

Biết tính toán giá trị trên các biểu đồ, biết nhận xét biểu đồ và giải thích trên cơ sở vận dụng kiến thức đã học…

Vì Atlat Địa lý Việt Nam có tính thống nhất cao nên khi sử dụng Atlat có thể đối chiếu, kết hợp nhiều trang bản đồ để giải thích và nêu lên những đặc điểm của từng đối tượng phân tích.

Ví dụ, khi phân tích một hiện tượng Địa lý nào đó, trước hết khai thác bản đồ chính biểu hiện hiện tượng đó để thấy được đặc điểm của hiện tượng, sau đó sử dụng các trang bản đồ khác có những nội dung liên quan để mở rộng và lý giải các nguyên nhân dẫn đến những đặc trưng của hiện tượng, đồng thời thấy được mối quan hệ của các hiện tượng đó với các hiện tượng Địa lý khác.

Lược ghi từ "Hướng dẫn sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam"(Theo Giáo dục thời đại)

 

Phòng Giáo dục Trung học

Bình luận :