Các “kịch bản” sinh hoạt lớp mới mẻ, hấp dẫn, sáng tạo

 Một trong những hướng thay đổi “kịch bản” giờ sinh hoạt lớp là tăng tính chủ động của học sinh, nâng cao vai trò của tập thể lớp. Với hướng này, có thể “biến” giờ sinh hoạt lớp thành một trò chơi tập thể mang đầy giáo dục.

Là người đưa ra ý tưởng này, thầy Cao Đức Bình - Giáo viên THPT Mường Chà (Điện Biên) – làm rõ: Trong kịch bản mới, lớp trưởng sơ kết tuần, giáo viên (GV) chủ nhiệm ghi nhận những học sinh (HX) có thành tích tốt, nhắc nhở HS vi phạm và nhận xét chung, phổ biến kế hoạch tuần tới. Sau đó là hoạt động tập thể theo chủ đề và kịch bản đã được GV chuẩn bị trước.

Sinh hoạt lớp với trò chơi

Một trong những trò chơi được thầy Bình sử dụng có hiệu quả trong giờ sinh hoạt lớp là trò “Mong muốn, hi vọng, quan tâm”.

 
 

 

Với trò chơi này, GV chuẩn bị một hộp không có nắp đậy (bằng giấy hoặc bằng nhựa hoặc bằng sắt), một tờ giấy A0 và một cây bút dạ. Tất cả các HS trong lớp tham gia, mỗi em lấy ra một mảnh giấy trắng và cầm bút chuẩn bị.

Các em HS làm việc độc lập, không nhìn và chép đáp án của nhau. Trong vòng 3 phút, các em viết ra những mong muốn riêng của mình về một môn học hoặc một hoạt động nào đó, nói lên những điều mình hi vọng sẽ đạt được và cả những điều mà mình quan tâm đến.

GV yêu cầu lớp trưởng thu lại tất cả những mảnh giấy này để lẫn vào hộp, sau đó yêu cầu mỗi HS chọn ra một mảnh giấy trong hộp và đọc lên những mong muốn, hi vọng, quan tâm cho HS cả lớp cùng nghe.

GVCN chọn một HS lên dùng bút dạ viết ra những thông tin đó lên giấy A0 treo sẵn trên bảng.

GVCN tổng hợp lại những mong muốn, suy nghĩ, tâm tư và nguyện vọng của các HS. Từ đó GV đưa ra lời nhận xét về những điều mà các em đang cần và đang quan tâm, những mơ ước và hoài bão của các em HS.

Với trò chơi này, HS được mạnh dạn nêu lên những suy nghĩ, mong muốn của mình. GV cũng có cơ hội thấu hiểu HS, từ đó đề ra biện pháp dạy học và giáo dục phù hợp.

Tuy nhiên, thầy Cao Đức Bình cũng lưu ý, giáo viên không nên sa đà vào việc tổ chức các trò chơi mang tính giải trí đơn thuần, sẽ làm sai lệch mục đích của việc lồng ghép nội dung giáo dục trong giờ sinh hoạt. GV phải chuẩn bị trước và tham khảo thêm các trò chơi cho phù hợp, thay đổi nội dung và phương thức sinh hoạt.

Việc tổ chức trò chơi cũng khiến lớp ồn ào, gây ảnh hưởng lớp kế bên. Vì vậy Ban giám hiệu cần tổ chức tiến hành sinh hoạt đồng thời tất cả các lớp và hãy chấp nhận sự ồn ào có định hướng chứ không phải ồn ào mất trật tự.

Xem phim trong sinh hoạt lớp

Những phim ngắn “Quà tặng cuộc sống” có nhiều ý nghĩa giáo dục. GV có thể chọn chiếu một phim phù hợp với mục đích của giờ sinh hoạt.

Thầy Bình ví dụ, khi chiếu phim ‘Câu chuyện chiếc bình nứt, GV có thể đặt câu hỏi: Sự khiếm khuyết có giá trị không? Hình ảnh chiếc bình nứt tượng trưng cho ai trong cuộc sống? Trong cuộc sống, khi gặp những khiếm khuyết của bản thân hay của người khác, chúng ta thường làm gì?Ai sẽ đóng vai trò “người gánh nước” trong cuộc sống của bạn? Em có suy nghĩ gì về việc chọn nghề liên quan đến khiếm khuyết của bản thân?

Các HS thảo luận, suy nghĩ, đưa ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên. GV sẽ phân tích thêm nội dung, ý nghĩa của từng đáp án để các em hiểu rõ hơn từ đó rút ra được bài học cho bản thân và vận dụng vào cuộc sống.

Bài học rút ra từ đoạn video là: Mỗi người trong chúng ta đều có những khuyết điểm riêng biệt. Ai cũng đều là “Chiếc bình nứt” cả. Nhưng chính các vết nứt và khuyết điểm đó của từng người mới khiến cho đời sống chung của chúng ta trở nên thú vị và làm chúng ta thỏa mãn. Chúng ta phải chấp nhận cá tính của từng người trong cuộc sống và tìm cho ra cái tốt trong họ.

Thầy Bình cho rằng: Phương pháp này đem lại hiệu quả GD rất lớn mà GV không phải “nói nhiều”, “giáo huấn nhiều”. Nên lựa chọn sử dụng những phim gần gũi liên quan với những kỹ năng sông mà GV đang lựa chọn giáo dục cho HS. Điều này là rất quan trọng vì nếu chọn sai nội dung thì việc giáo dục sẽ giống như “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Mỗi giờ sinh hoạt, GV chỉ cần chiếu một đến hai đoạn video, không nên chiếu quá nhiều mà không để thời gian cho HS suy nghĩ, thảo luận.

Hải Bình (ghi)

Bình luận :