Bình tĩnh và xử lý như thế nào đối với F0, F1 tại trường

Những ngày vừa qua, cùng với học sinh toàn thành phố Hà Nội, học sinh cả 3 khối của Trường THPT Cao Bá Quát-Quốc Oai đã trở lại học trực tiếp tại trường trong điều kiện sẵn sàng xử lý khi phát hiện học sinh nhiễm COVID-19 tại trường. Bình tĩnh xử lý như thế nào là điều mà giáo viên, cha mẹ học sinh và học sinh quan tâm.

Ngày 10/02/2022 Thủ tướng chính phủ đã phát biểu chỉ đạo “việc trở lại trường học trực tiếp là tất yếu khách quan”. Trước đó, Thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có những chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và quyết liệt việc dạy học trực tiếp tại trường và đảm bảo an toàn phòng chóng dịch bệnh. Nhà trường cũng đã chủ động công tác chuẩn bị và đón HS trở lại trường học trực tiếp với yêu cầu thích ứng và an toàn. Đặc biệt, các hoạt động dạy học trực tiếp tại trường có sự kết hợp với hình thức trực tuyến; đó là kết nối lớp tại trường với giáo viên (GV) và học sinh (HS) diện cách ly hoặc HS khu vực có cấp độ dịch mức 3 và 4. Bên cạnh đó, Nhà trường tiếp tục tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể và hoạt động giáo dục chủ đề bằng hình thức trực tuyến đến 100% HS.

Ảnh: HS yên tâm học trực tiếp tại trường

Để xử lý trường hợp HS được phát hiện nhiễm COVID-19 tại trường, chúng ta cần tuân thủ quy trình đã được hướng dẫn trong Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học (sửa đổi, bổ sung) ban hành kèm theo Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT ngày 27/01/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể như sau:

Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Tổ An toàn COVID-19 nhà trường và CMHS; tiếp tục cách ly tạm thời F0; thông báo cho Trạm y tế xã địa phương (xã Tân Hòa) các biện pháp triển khai phòng chóng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì tư vấn, hướng dẫn CMHS đưa HS về nhà để được trạm y địa phương tiếp cận xử lý theo đúng quy định. (Đây là tình huống thường gặp hơn nên GV chủ nhiệm và CMHS cần lưu ý)

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ HS và GV có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu hộp không quá 3 người). Các lớp học khác hoạt động bình thường.

Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo thời gian cách ly y tế (theo CV 647/MP-VP ngày 16/11/2021 của Bộ Y tế). Cụ thể theo các nhóm đối tượng sau:

- Người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19): Thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày, tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn 03 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 3 và lần 3 vào ngày thứ 7).

- Người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1: Thực hiện cách ly y tế 10 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong thời gian 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn 03 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 5 và lần 3 vào ngày thứ 10).

- Người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19: Thực hiện cách ly y tế 14 ngày; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn 03 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7 và lần 3 vào ngày thứ 13).

Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau: (1) Hai lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng. (2) Hai lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà. (3) Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.

Minh họa: Một số biện pháp phòng chống COVID-19 theo quy định

Đánh giá đúng thực trạng, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống COVID-19 và tuân thủ hướng dẫn trên đây là một số cách để đảm bảo an toàn trong điều kiện dạy học trực tiếp tại trường, góp phân nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm học 2021-2022. Các CMHS, HS cần tự chăm sóc tốt sức khỏe, tự theo dõi sức khỏe tại nhà, thực hiện 5K, sử dụng dung dịch ngăn ngừa vi rút (như chai xịt, gel, nước súc miệng công nghệ nano bạc…) để hiệu quả phòng chống vi rút cao hơn; đặc biệt là luôn có tâm lý vững vàng, bình tĩnh đối diện khi phát hiện F0, không kỳ thị F0 để cùng vượt qua mọi thử thách và vươn tới thành công.

Thực hiện: Danh Chiến

Bình luận :