Bí kíp nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn
GD&TĐ - Chất lượng hoạt động của tổ chuyên môn là điểm mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy làm thế nào để nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn?
Dưới đây là những chia sẻ của cô Lê Thị Nguyệt – Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Quang Phục (Hưng Yên).
Triển khai các chuyên đề
Đây là nội dung sinh hoạt thường xuyên và rất cần thiết, các chuyên đề cần tập trung vào những đề tài như đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện các kỹ năng bộ môn, dạy các bài khó, ứng dụng CNTT trong dạy học, sử dụng thiết bị dạy học, làm mới đồ dùng dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu,...
Ở tổ chuyên môn của trường phổ thông nên hạn chế những chuyên đề nặng về lý luận mà việc triển khai trong thực tế còn khó khăn.
Việc triển khai các chuyên đề cần được thực hiện có kế hoạch, được tổ chức, được kiểm tra, đánh giá thì mới có chất lượng và hiệu quả tốt. Trong một năm học cần cơ cấu hợp lý các mảng đề tài.
Mỗi GV chỉ nên đảm trách một chuyên đề, phân bổ thời gian phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường. Sau khi xác định được các chuyên đề, việc triển khai nên gồm các bước:
Phân công cá nhân chuẩn bị chuyên đề; Tổ trưởng duyệt bản thảo; Báo cáo chuyên đề ở tổ, nhóm, các tổ viên góp ý, phản biện; Cá nhân phụ trách hoàn thiện chuyên đề; Nhân bản cho toàn thể tổ viên áp dụng và lưu hồ sơ để áp dụng nhiều năm.
Khi trao đổi, thảo luận ở tổ cần làm rõ những vấn đề tế nhị. Chẳng hạn, chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về dạy học tích cực. Tránh hiểu sai lầm, thuyết trình là không tích cực, chỉ có tổ chức dạy học theo nhóm mới là tích cực.
Vấn đề là làm sao để HS suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn, hợp tác nhiều hơn, bày tỏ ý kiến nhiều hơn. Cũng vậy, chuyên đề về ứng dụng CNTT trong dạy học cần quan tâm đến liều lượng và hiệu quả:
Sử dụng CNTT đến mức độ nào trong bài giảng cụ thể này? Kết hợp giữa viết bảng và trình chiếu trên màn hình như thế nào để đạt hiệu quả?
Điều quan trọng là, trong mỗi tiết dạy, GV biết lựa chọn phương pháp thích hợp, biết kết hợp các phương pháp hiện đại với các phương pháp truyền thống tùy thuộc vào từng bài giảng, không nên lạm dụng phương pháp nào.
GV phải coi trọng các thủ pháp dẫn dắt HS tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên, lôgic.
Rèn luyện kỹ năng sư phạm của GV
"Trong lớp tránh đi lại quá nhiều, vung tay quá mạnh. Nói chung, GV cần chú ý đến cả yếu tố phi ngôn ngữ. Tổ chuyên môn nên chọn GV có tác phong lên lớp tốt làm mẫu để các tổ viên học hỏi và xây dựng cho mình một phong cách phù hợp"- cô Lê Thị Nguyệt.
Nâng cao chất lượng giờ dạy là khát vọng của các GV, tổ chuyên môn và nhà trường. Điều này được thực hiện qua nhiều biện pháp khác nhau. Kỹ năng sư phạm của GV có ảnh hưởng lớn đến việc chất lượng giờ dạy.
Ở các buổi sinh hoạt tổ có thể trao đổi, góp ý, giúp nhau sửa chữa những tồi tại, những nhược điểm như phong cách lên lớp, ngôn ngữ diễn đạt, trình bày bảng của GV, ...
Hoạt động này nhằm hoàn thiện kỹ năng sư phạm của nhiều GV, trong khi góp ý sau tiết dự giờ, thao giảng thường hướng tới từng cá nhân cụ thể.
Phong cách lên lớp mà chúng ta mong muốn là chững chạc, tự tin, làm chủ bài giảng. Chú ý đến giọng nói, cử chỉ đi đứng, động tác tay, ánh mắt, nụ cười, ...
Ngôn ngữ (nói và viết) là kênh quan trọng để HS lĩnh hội kiến thức. Những GV dạy tốt, cuốn hút HS không chỉ họ có ưu thế về kiến thức và thủ thuật sư phạm mà họ còn sử dụng lời nói chính xác, với âm lượng vừa phải, rõ ràng, truyền cảm, có ngữ điệu.
Do vậy, trong sinh hoạt tổ chuyên môn, cần làm cho GV có ý thức rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, khi góp ý các giờ dạy cần chú trọng đến yếu tố này. Làm sao để trên lớp, GV có giọng nói chuẩn, chỉ dùng từ phổ thông, ít trùng lặp, ít sai sót.
Ứng dụng CNTT, trình chiếu trong dạy học là cần thiết nhưng không thể thay thế phấn và bảng. Trình bày bảng cùng với trình chiếu nhờ CNTT là kênh thông tin chữ viết - hình ảnh quan trọng tới HS.
Trình bày bảng cẩn thận, đẹp, đúng chính tả, ngữ pháp, rõ ràng có ảnh hưởng chẳng những đến chữ viết, đến bài làm của HS, mà còn ảnh hưởng tốt hay xấu đến bệnh về mắt của HS.
Một số lời khuyên khi viết bảng là: Chữ viết rõ ràng, đúng chính tả, ngữ pháp, cỡ chữ vừa phải làm sao để HS ở cuối lớp thấy được bình thường; tên bài, tên tiểu mục nên viết bằng phấn màu khác để HS dễ phân biệt; không nên viết quá nhiều, chữ quá dày; hạn chế viết tắt, xóa bảng nhiều lần.
Trong sinh hoạt chuyên môn, các tổ, nhóm cần lưu ý để GV rèn luyện kỹ năng trình bày bảng khoa học, chuẩn xác, chữ viết đẹp sẽ góp phần hình thành nhân cách cho HS.
Ngoài ra, kỹ năng phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học: cá nhân, nhóm, lớp; chính khóa và ngoại khóa, tham quan thực tế ...; tích cực sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học; tự làm đồ dùng dạy học; thống nhất mức độ ứng dụng CNTT trong từng tiết dạy theo yêu cầu từng bài giảng cũng là các nội dung sinh hoạt tổ, nhóm nhằm rèn luyện kỹ năng sư phạm của GV.
Tổ chức dự giờ, thao giảng theo hướng đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn
Dự giờ là hoạt động quan trọng đối với việc phát triển chuyên môn của mỗi GV. Dự giờ sẽ giúp cho GV được dự giờ chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình.
"Các tổ chuyên môn cần tăng cường quản lý, định hướng tổ chức dự giờ, thao giảng coi đây là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giờ dạy" ...cô Lê Thị Nguyệt.
Dù thế nào đi nữa thì mỗi khi có người đến dự giờ, các GV đều chuẩn bị bài kĩ hơn, đôi khi còn có sự trao đổi về bài dạy trước khi lên lớp, đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa đối với mỗi GV.
Khi có người đến dự giờ, lớp học cũng diễn ra sôi nổi hơn, ý thức học tập của HS tốt hơn, đây là điều kiện tốt nhất để GV phát huy tính sáng tạo của HS.
Việc dự giờ còn giúp cho GV đi dự giờ học tập, rút kinh nghiệm từ tiết dạy của đồng nghiệp, thông qua việc xử lí tình huống của đồng nghiệp, GV sẽ khắc phục được những thiếu xót trong quá trình giảng dạy...
Bởi vậy, ngoài mục đích đánh giá năng lực của GV thì điều quan trọng là các tổ, nhóm cần tổ chức tốt việc góp ý, rút kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy, về kiến thức, về phong cách lên lớp, về tổ chức lớp học.
Tổ chức thao giảng phải có ít nhất 2/3 thành viên của tổ, nhóm tham dự, phải có mục tiêu, rút ra được những kinh nghiệm.
Dự giờ rồi đánh giá, rút kinh nghiệm giờ dạy là việc làm thường xuyên của tổ chuyên môn, nếu được tổ chức tốt sẽ xóa bỏ được tình trạng còn có GV chưa tự giác, tích cực dự giờ đồng nghiệp hoặc tâm lí cho rằng đi dự giờ là kiểm tra tiết dạy của GV.
Cần tránh dự giờ để đối phó nhằm đạt chỉ tiêu số lượng theo quy định. Nên tăng cường các tiết dạy mẫu và quan tâm dự giờ các tiết ôn tập, trả bài cho HS.
Khi đánh giá, rút kinh nghiệm các tiết dạy cần thẳng thắn, chân tình với tinh thần giúp nhau cùng tiến bộ, phải đánh giá thực chất, nêu ra được những điểm mạnh, những hạn chế của người dạy về kiến thức, kỹ năng, thái độ, về nội dung, phương pháp, phong cách.
Cần phê phán lối dạy đọc chép, dạy chay trong khi có và cần sử dụng đồ dùng dạy học. Đối với những tiết học mà GV gặp nhiều khó khăn thì cần trao đổi kỹ, có thể tổ chức cho một GV có kinh nghiệm trong nhóm dạy mẫu tiết đó để cùng nhau học hỏi.
Các giờ được dự cần được xếp loại và lưu lại ý kiến cũng như kết quả xết loại; đối với tiết dạy được thanh tra hoặc dùng để xếp loại GV cần lưu cả phiếu đánh giá giờ dạy.
Chú ý đến nhiều yếu tố khi đánh giá giờ dạy
Đánh giá giờ dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Chẳng hạn khi phân tích khía cạnh rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức của HS, các GV đã lưu ý đến đặc điểm môn học.
Đối với các môn khoa học xã hội, GV thấy hạn chế của nhiều HS trong viết và trình bày bài; bài viết thường dài dòng, không rõ ý, chữ viết xấu, viết sai ngữ pháp, trình bày cẩu thả.
Do vậy, rèn luyện rèn luyện kỹ năng viết bài, vận dụng kiến thức đã học vào bài viết của mỗi em là rất quan trọng. Cần thay đổi cách viết khuôn sáo theo bài mẫu, ít sáng tạo.
Trong dạy học cần chấm dứt tình trạng đọc chép, cần hạn chế việc ghi nhớ máy móc, ghi nhớ nhiều số liệu, nhiều sự kiện; trong các tiết ôn tập chú ý rèn luyện hành văn; chấm trả bài cần kỹ hơn, chỉ lỗi cụ thể từng em để giúp các em sửa chữa.
Đối với các môn khoa học tự nhiên thì lại chú trọng đến việc giúp HS vận dụng kiến thức vào giải các bài tập ở các cấp độ khác nhau tùy theo yêu cầu.
Các tiết luyện tập, ôn tập phải phân loại được hệ thống các các bài tập theo dạng phù hợp. Mỗi dạng bài tập cần chỉ ra định hướng và các bước giải.
Tổ chức tiết dạy ôn tập có hiệu quả
Dạy tiết ôn tập có chất lượng là điều không dễ. Có những GV cho là không khó, bởi vì họ cho rằng HS đã có sẵn các kiến thức đã học, GV chỉ việc hệ thống lại dưới hình thức các bảng hay sơ đồ là xong.
Thế nhưng, dạy tiết ôn tập làm sao để không lặp lại những gì đã giảng ở các bài học trước một cách máy móc, dễ gây nhàm chán cho HS và cho cả chính bản thân GV; làm sao để HS học tiết ôn tập một cách thích thú và có nhiều kết quả?
Mục tiêu của các bài ôn tập nói chung là vừa củng cố các kiến thức đã học của một chương hay một phần nào đó, vừa mở rộng, nâng cao, so sánh đối chiếu với các kiến thức có liên quan, vừa góp phần bồi dưỡng một số kỹ năng nhất định cho HS.
Bởi vậy, tổ chức tiết dạy ôn tập có hiệu quả cũng là vấn đề các tổ chuyên môn cần thảo luận, bàn bạc để chọn cách ôn tập phù hợp cho từng chương, từng phần, phù hợp với mục tiêu của bài ôn tập cũng như phù hợp với các đối tượng HS của lớp.
Cần tránh dạy tiết ôn tập như là một tiết dạy lại, nhàm chán, hiệu quả thấp, ít tác dụng. Trong sinh hoạt tổ chuyên môn cần thống nhất về nội dung, phương pháp, thời lượng ôn tập.
Yêu cầu của tiết ôn tập là hệ thống được kiến thức trong phần ôn tập, có thể nâng cao, mở rộng tùy mục đích, đối tượng ôn tập, rèn luyện được kỹ năng cần thiết cho HS. Ở đây, GV nên bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng mà Bộ GD&ĐT đã ban hành.
Hải Bình (ghi)
Bình luận :