5.000 học sinh hưởng ứng Chiến dịch Xóa bỏ bạo lực giới

Từ ngày 25 - 30/11, hơn 5.000 học sinh, giáo viên và phụ huynh tại bốn trường cấp 2 và cấp 3 tại Hà Nội tham gia hưởng ứng Ngày Quốc tế Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và Chiến dịch quốc tế 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực giới đối với phụ nữ và trẻ em gái.


 
 
5.000 học sinh hưởng ứng Chiến dịch Xóa bỏ bạo lực giới
Một trong những hoạt động của chiến dịch. Ảnh: TQ

 

Chuỗi chương trình truyền thông mang tên "Thúc đẩy bình đẳng, gắn kết yêu thương" do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Tổ chức Plan Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện. 

Đây là một hoạt động nằm trong Dự án "Trường học thân thiện và bình đẳng" do Plan Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiến hành, quỹ ủy thác của UN Women, Plan tại Pháp và Hà Lan tài trợ và tư vấn bởi UN Women Việt Nam.

 Một trong những hoạt động của chiến dịch. Ảnh: TQ

Trước đó, ngày 25/11, hơn 1.500 học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh của Trường PTTH Cao Bá Quát, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội, đã tổ chức thành công chương trình truyền thông với chủ đề "Vai trò của giới trẻ trong phòng chống bạo lực giới" do chính các bạn học sinh của trường chuẩn bị và thực hiện nhằm nâng cao nhận thức và lên tiếng xóa bỏ mọi hành vi bạo lực giới trong trường học.

"Các tiết mục truyền thông của các em học sinh đã nói lên một thực trạng rằng rất nhiều học sinh đã và đang phải chịu bạo lực giới tại trường học và gia đình. Thông qua các tiết mục, các bạn học sinh đã nói lên mong muốn chấm dứt bạo lực giới và nâng cao nhận thức của tất cả bạn bè, thầy cô giáo và phụ huynh về nguyên nhân và ảnh hưởng của bạo lực giới đối với học sinh" - ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát biểu.  

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết, nghiên cứu cho thấy trẻ em chứng kiến bạo lực hoặc thường xuyên trải qua bạo lực giới sẽ có nhiều khả năng trở thành nạn nhân và người gây ra bạo lực khi trưởng thành. 

Việc đưa giáo dục về bình đẳng giới vào chương trình học của các em học sinh là việc rất cần thiết. Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong mô hình Trường học thân thiện và bình đẳng sẽ được áp dụng tại tất cả trường học tại Hà Nội và xa hơn là trên toàn quốc. 


Một trong những hoạt động của chiến dịch. Ảnh: TQ 

Tại Việt Nam, bạo lực giới đang là rào cản lớn cản trợ sự phát triển phụ nữ và trẻ em gái. Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê năm 2010, 58% phụ nữ đã từng kết hôn phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong đời. 

Khảo sát của Tổ chức Plan Việt Nam với 3.000 học sinh tại 30 trường học tại Hà Nội vào tháng 3/2014 cho thấy, 78% số em tham gia khảo sát chia sẻ rằng các em đã chịu ít nhất một hình thức bạo lực giới tại trường học. Trong đó, bạo lực tinh thần là hình thức phổ biến nhất. 

Bạo lực tinh thần bao gồm các hành động cố ý tẩy chay một người nào đó; đánh giá về ngoại hình, tôn giáo, điều kiện gia đình; gán ghép tên gọi dựa trên ngoại hình hoặc gia cảnh; bắt phạt đứng trong góc lớp hoặc bên ngoài lớp học; bị nhốt trong lớp; sỉ nhục thông qua ngôn ngữ xúc phạm.

theo Trần Quý (báo thanh tra)

Bình luận :