40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979- 17/2/ 2019)
Lịch sử sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến ngày 17/2/1979, ngày mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra. Một lần nữa lịch sử lại thử thách dân tộc ta. Trong cuộc chiến chính nghĩa đó, hàng ngàn ông cha chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Ngày hôm nay và mai sau nhắc lại để biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh như chúng ta vẫn luôn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Chiến tranh biên giới phía Bắc là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử.Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ với hiện thực khách quan và không thể lãng quên.
Lịch sử sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến ngày 17/2/1979 ngày mà cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã nổ ra.Một lần nữa lịch sử lại thử thách dân tộc ta.Trong cuộc chiến chính nghĩa đó, hàng ngàn ông cha chúng ta đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Ngày hôm nay và mai sau nhắc lại để biết ơn và tôn vinh những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh như chúng ta vẫn luôn tôn vinh bao nhiêu anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Không những dân ta cần hiểu, mà nhân dân Trung Quốc cũng như bạn bè quốc tế cũng phải hiểu đúng: đâu là sự thật, đâu là lẽ phải và coi đó là bài học.
Nhiều người dân Trung Quốc đã hiểu sai cơ bản về cuộc chiến tranh biên giới đó.Nhưng tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đó là sự thật không thể chối cãi.
Có thể nào nghĩ rằng Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt kéo dài 30 năm, đang tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh và đứng trước vô vàn khó khăn lại có thể khiêu khích Trung Quốc, một nước lớn, một nước XHCN đã ủng hộ và giúp đỡ mình trong cuộc chiến tranh cứu nước vừa qua? Thực tế là quân dân Việt Nam khi đó đã phải chống lại một cuộc chiến tranh biên giới to lớn để bảo vệ biên cương tổ quốc.
Ngay từ những năm đầu Việt Nam thống nhất đất nước, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, khiêu khích và xâm lấn đất đai ( từ 234 vụ năm 1975 đến 2.175 vụ năm 1978), gây tình hình căng thẳng, phức tạp trên vùng biên giới phía Bắc.
Từ tháng 5/1978, Trung Quốc vô cớ dựng nên sự kiện “ nạn kiều”; thực chất là dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép ép gần 20 vạn Hoa kiều đang sống yên ổn ở Việt Nam phải về nước; trắng trợn vu cáo Việt Nam khủng bố, xua đuổi họ, cắt viện trợ, rút chuyên gia… ráo riết đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở biên giới phía Bắc nước ta.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta kiên trì chủ trương giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đồng thời khẩn trương tăng cường lực lượng, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trên phạm vi cả nước, đặc biệt là 6 tỉnh biên giới phía Bắc : Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tuyên ( Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn( Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu.
Bất chấp nỗ lực giải quyết căng thẳng bằng con đường hòa bình của ta, dưới sự chỉ đạo của nhà cầm quyền Trung Quốc, 3giờ 30 phút ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã huy động một lực lượng lớn : 9 quân đoàn chủ lực, 32 sư đoàn bộ binh, cùng 550 xe tăng, xe bọc thép, 2558 pháo, 676 máy bay… với quân số 600.000 quân với chính sách xâm lược “ biển người, thọc sâu phá hoại”. “Quân dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”
Hình ảnh thị xã Cao Bằng tan hoang sau khi bị quân Trung Quốc bắn phá.
Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường
Với tính thần “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do” “ phía trước không tiếc máu xương, phía sau không tiếc của, quân và dân ta nhất là các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc một lần nữa phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”
Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng công bố lệnh Tổng động viên trong cả nước để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đáp lại lời kêu gọi của BCH Trung ương Đảng và Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, cả nước hết lòng, hết sức chi viện cho tiền tuyến.
Trong quá trình chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta tiếp tục nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nước XHCN, các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới.
Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới giáng trả mạnh mẽ, bị tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới lên án mạnh mẽ, ngay 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải rút quân trên tất cả các hướng.
Tiếp nối truyền thống nhân nghĩa, bao dung của dân tộc và mong muốn củng cố hòa bình , tình hữu nghị giữa hai nước, Trung ương Đảng và Chính phủ ta đã chỉ thị cho lực lượng vũ trang và nhân dân các vùng biên giới phía Bắc ngừng mọi hoạt động quân sự để quân Trung Quốc rút toàn bộ lực lượng và phương tiện chiến tranh về nước.
Từ ngày 6/3/1979, phía Trung Quốc vừa rút quân, vừa đánh phá, thảm sát nhân dân một số vùng biên giới.Đến ngày 18/3/1979, về cơ bản quân Trung Quốc đã rút khỏi nước ta.
Cầu sông Bằng (Cao Bằng) bị quân Trung Quốc đánh sập trên đường rút quân (giai đoạn 17/2/1979 - 18/3/1979).Nhà cửa, bệnh viện, trường học, cầu cống bị phá hủy, người dân bị giết hại. Ảnh: NAG Trần Mạnh Thường
Mặc dù tuyên bố rút quân nhưng trên thực tế, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tuyên, có nơi sâu đến 500m, thương xuyên gây xung đột vũ trang, làm cho tình hình luôn căng thẳng.
Từ tháng 4/1984 đến tháng 5/1989, Trung Quốc đã đưa 500.000 quân đánh chiếm biên giới Vị Xuyên. Mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến chống xâm lấn biên giới…
Khép lại quá khứ mất mát, đau thương, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam từ năm 1991 đến nay đã được khôi phục nhanh, phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Điều này phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Vậy bài học rút ra từ quá khứ của chúng ta là gì?Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu.Xưa đến nay, ta rất chú trọng xây dựng quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc dù trong lịch sử hai nước đã có bao lần xung đột. Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần một môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước và cần những bạn bè tốt để hợp tác nên Việt Nam càng coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc – một nước lớn đang có những bước phát triển nhanh chóng.
Nhưng như bất cứ dân tộc nào, chủ quyền quốc gia đối với Việt Nam là thiêng liêng và chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá, đồng thời chúng ta chủ trương mọi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết bằng phương pháp hòa bình, có sự tôn trọng lẫn nhau.
Trong đấu tranh, chúng ta đã làm đúng theo lời dạy của Bác Hồ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, luôn giữ vững lập trường nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, nhưng vẫn linh hoạt, mềm dẻo trong sách lược.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khó để bảo vệ chủ quyền nếu đất nước không có nội lực, không có nền tảng vững chắc về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với đoàn kết dân tộc mạnh mẽ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất mà Đảng, Nhà nước và dân tộc cần phấn đấu.
Lật giở những trang sử hào hùng của dân tộc với những tượng đài sừng sững của lòng quả cảm vì nước quên thân, của chính nghĩa… những người con đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ càng thêm tự hào và ý thức hơn nữa trách nhiệm của bản thân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hãy tin vào những người Việt trẻ, họ sẽ kế thừa truyền thống của dân tộc, tiếp tục xây dựng nên những “tượng đài” theo cách riêng của mình để góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế như lời dặn của Bác năm xưa “ …sánh vai cùng các cường quốc năm châu…”
Thực hiện: Nguyễn Thị Thắm
Duyệt: Nguyễn Thị Huệ
Bình luận :