Sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học môn Toán

Chúng ta đã biết rằng Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục chú trọng giúp người học hình thành phát triển 10 năng lực và 5 phẩm chất. Trong môn Toán năng lực nhìn thấy rõ nhất là năng lực giải quyết vấn đề, năng lực tính toán, sáng tạo, ngoài ra rèn luyện tư duy lô gic, phản xạ, …. Một trong những phương pháp giúp học sinh có thể học tốt môn toán cũng như góp phần hình thanh những năng lực và phẩm chất là sử dụng sơ đồ tư duy.

1) Giới thiệu về sơ đồ tư duy

 

Sơ đồ tư duy là một công cụ tổ chức tư duy. Đây là cách dễ nhất để chuyển tải thông tin vào bộ não rồi đưa thông tin ra ngoài bộ não. Nó là một phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và rất hiệu quả nhằm “Sắp xếp” ý nghĩ.

2) Ưu điểm

- Sơ đồ tư duy giúp học sinh có cái nhìn bao quát, tổng quát về bài học, sự liên kết logic đơn vị kiến thức, có phương pháp học mới.

- Sơ đồ tư duy giúp học sinh học tập một cách tích cực, sẽ hiểu sâu, nhớ lâu , tiết kiệm được thời gian.

- Việc học sinh tự vẽ Sơ đồ tư duy có ưu điểm là phát huy tối đa tính sáng tạo của học sinh , phát triển năng khiếu hội họa, sở thích của học sinh.

- Sơ đồ tư duy sẽ giúp học sinh  dần dần hình thành cách ghi chép có hiệu quả, cách thức tổ chức, sắp xếp.

- Sơ đồ tư duy chính là phương tiện dạy học hiện đại đã góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp dạy học.      

3) Cách thức tổ chức xây dựng sơ đồ tư duy

Bước 1. Xác định chủ đề chính: Chủ đề cần tìm hiểu.

Bước 2. Phát triển ý tưởng tự do.

Từ một chủ đề lớn, tìm ra các chủ đề nhỏ liên quan (chủ đề nhỏ). Từ mỗi chủ đề nhỏ lại tìm ra những yếu tố/nội dung liên quan (Chủ đề nhỏ hơn),...

Bước 3. Xem xét và thảo luận để loại bỏ nội dung trùng lặp, thiếu chính xác.

Bước 4. Hoàn thiện sơ đồ tư duy. Tạo ra một “bức tranh tổng thể” mô tả về chủ đề lớn một cách đầy đủ và rõ ràng.

4) Cách vẽ sơ đồ tư duy

Bước 1 : Xác định từ khóa

Bước 2 : Vẽ chủ đề ở trung tâm

 Bước này các bạn sẽ sử dụng một tờ giấy trắng (không kẻ ô) đặt nằm ngang và vẽ chủ đề ở chính giữa tờ giấy. Giấy trắng không kẻ ô sẽ giúp cho bạn sáng tạo hơn, không bị những ô vuông cản trở suy nghĩ của bạn. Vẽ trên giấy nằm ngang sẽ giúp bạn có được không gian rộng lớn hơn để triển khai các ý.

Bạn cần vẽ chủ đề ở chính giữa tờ giấy, từ đó mới phát triển ra các ý khác ở xung quanh nó.

Bạn có thể tự do sử dụng tất cả các màu sắc mà bạn thích, chủ đề trung tâm có thể là chữ hoặc là hình, nếu kết hợp cả 2 thì càng tốt.

Chủ đề trung tâm cần gây sự chú ý để chúng ta dễ nhìn nhận vấn đề.

Bước 3 : Vẽ thêm các tiêu đề phụ (nhánh cấp 1)

Tiêu đề phụ nên được viết bằng CHỮ IN HOA nằm trên các nhánh dày để làm nổi bật.

Tiêu đề phụ nên gắn liền với trung tâm.

Tiêu đề phụ nên được vẽ theo hướng chéo góc chứ không nằm ngang, như vậy nhiều nhánh phụ khác có thể được vẽ tỏa ra một cách dễ dàng hơn.

Bước 4 : Vẽ các nhánh cấp 2, cấp 3, …

Ở bước này, các bạn vẽ nối tiếp nhánh cấp 2 vào nhánh cấp 1, nhánh cấp 3 vào nhánh cấp 2, v.v… để tạo ra sự liên kết.

Chỉ nên tận dụng từ khóa và hình ảnh, ở mỗi nhánh chỉ sử dụng 1 từ khóa. Việc này giúp cho nhiều từ khóa mới và những ý khác được nối thêm vào các từ khóa sẵn có một cách dễ dàng.

Bạn hãy dùng những biểu tượng, cách viết tắt để tiết kiệm không gian và thời gian bất cứ lúc nào có thể.

Tất cả các nhánh của một ý nên tỏa ra từ một điểm và có cùng 1 màu.

Bước 5 : Thêm các hình ảnh minh họa

Ở bước này, các bạn nên để trí tưởng tượng của mình bay bổng hơn bằng cách thêm nhiều hình ảnh nhằm giúp các ý quan trọng thêm nổi bật, cũng như lưu chúng vào trí nhớ mình tốt hơn vì não bộ của con người có khả năng tiếp thu hình ảnh cao hơn chữ viết.

5) Áp dụng

- Tóm tắt nội dung, ôn tập một chủ đề;

- Trình bày tổng quan một chủ đề;

- Chuẩn bị ý tưởng cho một báo cáo hay buổi nói chuyện, bài giảng;

- Ghi chép khi nghe bài giảng;

- Thường sử dụng trong các kỹ thuật dạy học như: Hoạt động nhóm, khăn trải bản, bể cá..

6) Hạn chế của sơ đồ tư duy

- Tốn nhiều thời gian, kinh phí;

- Những đơn vị kiến thức độc lập không có sự liên hệ nhau không nên áp dụng.

Sơ đồ tư duy không phải là một sản phẩm mỹ thuật để treo cho đẹp. Sơ đồ tư duy giúp người dạy và học tiết kiệm thời gian học tập, chuyển tải tri thức. Đồng thời, nó rèn luyện khả năng nắm bắt và sáng tạo, tổ chức và phân loại. Học tập bằng sơ đồ tư duy là trải nghiệm khoa học nghiêm túc để tìm kiếm góc nhìn tổng thể nhanh nhất, đánh giá vấn đề chính xác nhất.

Do đó sử dụng sơ đồ tư duy trong dạy học cũng góp phần tích đổi mới phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học của học sinh.

                  

Thực hiện: Nguyễn Đăng Thuyết                  

Người duyệt: Nguyễn Văn Đằng

Bình luận :