PHÒNG HỌC BỘ MÔN, MỘT TRONG CÁC GIẢI PHÁP GÓP PHẦN ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

Trong những năm qua, việc triển khai các phòng học bộ môn được thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, bước đầu đã phát huy được hiệu quả nâng cao chất lượng ở các cấp học. Bên cạnh các chương trình, dự án, các địa phương, trường học cũng tích cực xây dựng các phòng học bộ môn tạo nên một môi trường dạy học linh hoạt góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

 

 

Học sinh làm chủ các hoạt động thực hành tại giờ Hóa học của thầy Nguyễn Văn Triệu

          Dạy học bằng phòng học bộ môn là xu hướng chung mà các nước phát triển trên thế giới đang thực hiện. Với phòng học truyền thống chỉ bảng đen, phấn trắng , bàn, ghế, phòng học và học sinh không hề di chuyển theo mỗi môn khác nhau, chỉ có giáo viên bộ môn di chuyển theo thời khóa biểu; giáo viên tự mang thiết bị dạy học đến lớp nếu nội dung bài giảng cần thiết bị. Phương pháp dạy học này chỉ phù hợp với kiểu dạy chay, học chay, thầy đọc , trò chép, rất thụ động…Trong khi đó, phòng học bộ môn là phòng học được trang bị những tài liệu trực quan, những thiết bị học tập , bàn ghế và các dụng cụ khác phục vụ học tập mà ở đó chúng được sử dụng một cách tích cực trong bài học, trong giờ ngoại khóa,giáo trình tự chọn.

HS thực hành thí nghiệm Hóa học

Ở phòng học bộ môn, công tác giáo dục học sinh được tiến hành một cách có hệ thống, với mức độ khoa học cao về hoàn thiện quá trình giáo dục trong nhà trường. Thiết bị dạy học ở phòng học bộ môn được bố trí sẵn theo yêu cầu của môn học, có tủ đụng thiết bị dạy học để ngay trong khuôn viên lớp học, có phòng chuẩn bị các bài thí nghiệm thực hành của giáo viên và học sinh. Phòng học bộ môn còn có bàn ghế được thiết kế thuận lợi cho việc thực hiện các thí nghiệm thực hành, hoạt động nhóm của học sinh và dễ dàng sử dụng thiết bị dạy học.

HS thực hành thí nghiệm Vật lí

Giảng dạy, học tập tại phòng học bộ môn sẽ tạo được niềm hứng thú với việc học kiến thức. Qua đó tác động đến các giác quan, tạo nên hiệu quả cao không chỉ ghi nhớ mà còn tìm tòi sáng tạo. Dạy học trong phòng học bộ môn giáo viên và học sinh đều có điều kiện hoàn thiện thêm các phương pháp dạy học, gắn kết kiến thức sách vở và thực tiễn, khắc phục được những thói quen thụ động, chờ đợi, ỷ lại, tiếp thu một chiều trong học tập. Không những vậy, việc tổ chức học tập tại các phòng học bộ môn còn giúp các nhà trường có thể trang bị đồng bộ và chuyên sâu các loại thiết bị dạy học. Mặc dù còn một số khó khăn nhưng học tập trong các phòng học bộ môn đã giúp giáo viên kết hợp giảng dạy lý thuyết gắn với thực tế nhiều hơn, giảm đi những căng thẳng của lối dạy hàn lâm trước đây. Các giờ học đã tạo hứng thú cho học sinh. Học sinh đã tích cực chuẩn bị đồ dùng dạy học cho các giờ thực hành như: chuẩn bị hạt giống, cây giống, đất, nguyên liệu….

HS chuẩn bị thí nghiệm

          Dạy học trong phòng học bộ môn không chỉ mang lại kết quả cao trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy  tốt hiệu quả trang thiết bị, đồ dùng dạy học mà còn phát huy sự sáng tạo của thầy, cô giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường sự tham gia một cách tích cực tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh trong các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Đó chính là việc tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, tạo hứng thú cho học sinhtrong học tập, góp phần tăng cường khẳ năng thực hành của học sinh nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở tâp trung mọi nỗ lực của nhà trường vì người học, với các mối quan tâm thể hiện thái độ thân thiện và tinh thần dân chủ. Trong môi trường trường học thân thiện, các em học sinh sẽ cảm nhận được sự thoải mái khi việc học của mình vừa gắn với kiến thức trong sách vở, vừa thông qua thực tiễn sinh động từ các tài liệu học tập và từ sự sâm nhập, trải nghiệm của chính bản thân trong các hoạt động ngoại khóa, trong các hoạt động tập thể vui mà học.

          Trong môi trường phát triển toàn diện đó, việc triển khai các phòng học bộ môn sẽ giúp học sinh học tập hứng thú, chủ động tìm hiểu kiến thức dưới sự dẫn dắt của người thầy, người cô gắn chặt giữa học và hành, biết rèn luyện kỹ năng và phương pháp học tập để tạo nên sự tích cực rèn luyện, học tập sáng tạo giúp học sinh luôn có hứng thú trong tiếp nhận tri thức.

Thực hiện: Nguyễn Thị Hồng Phúc

Người duyệt: Nguyễn Văn Đằng

Bình luận :