Nhận diện biển báo giao thông mới nhất

Giao thông hiện là một vấn đề nhức nhối đối cả xã hội và giáo dục an toàn giao thông là nhiệm vụ cấp thiết đối với nhà trường. Một trong những nguyên nhân dẫn tới vi phạm giao thông là thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ. Một bộ phận người dân khi tham gia giao thông, không có thói quen tìm hiểu kỹ và nhận diện được các loại biển báo.

Mỗi ngày, chúng ta chứng kiến rất nhiều học sinh và cha mẹ học sinh đưa con tới trường, điều này khiến lượng người tham gia giao thông tăng vọt vào giờ cao điểm. Đây chính là lúc mà các nhà quản lý đang phải tìm các giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông, hạn chế các nguy cơ xảy ra tại nạn. Đồng thời, các nhà trường cũng tăng cương công tác giáo dục cho học sinh về thực hiện an toàn giao thông.

Dưới đây là hệ thống biển báo giao thông đường bộ thông dụng tại Việt Nam và ý nghĩa của từng loại biển báo.

Các biển báo giao thông đường bộ hay còn được gọi là hệ thống báo hiệu đường bộ là hệ thống rất nhiều biển báo giao thông cung cấp thông tin cụ thể cho người tham gia giao thông và được chia thành 6 nhóm chính như sau:

1. Biển báo cấm: Có dạng hình tròn, viền đỏ, nền trắng, hình vẽ màu đen.

Tác dụng: Đây là loại biển báo giao thông để biểu thị các điều cấm. Người tham gia giao thông phải chấp hành các điều đã được báo trên biển.Nhóm biển báo cấm, bao gồm các biển báo giao thông được đánh số từ 101 đến 137.

2. Biển báo nguy hiểm: Có dạng hình tam giác đều, viền đỏ, nền vàng, hình vẽ màu đen. Tác dụng: Biển báo nguy hiểm để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra được dùng để báo cho người sử dụng đường, chủ yếu là người lái xe cơ giới biết được tính chất của sự nguy hiểm trên tuyến đường phía trước để phòng ngừa. Khi gặp biển báo nguy hiểm người lái xe phải giảm tốc độ.

3. Biển báo hiệu lệnh: Nhóm các biển báo giao thông có dạng hình tròn, nền xanh với hình vẽ màu trắng. Loại biển báo giao thông đường bộ này nhằm báo các hiệu lệnh cho người tham gia giao thông thi hành theo. Biển báo hiệu lệnh gồm 10 kiểu và được đánh thứ tự từ 301 đến 310.

4. Biển báo chỉ dẫn: Có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, nền xanh, hình vẽ màu trắng. Biển chỉ dẫn nhằm dẫn hướng cho người tham gia giao thông biết những định hướng cần thiết hoặc những điều có ích khác, giúp họ tham gia giao thông thuận lợi trên đường.

5. Biển báo phụ: Có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, viền đen, nền trắng, hình vẽ màu đen, thường nằm dưới các biển chính để bổ sung làm rõ ý nghĩa các biển chính. Biển phụ thường được kết hợp cùng với các loại biển báo giao thông khác như biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển chỉ dẫn và biển báo hiệu lệnh để thuyết minh rõ hơn về các biển đó.

6. Vạch kẻ đường

Vạch kẻ đường cũng được coi là một dạng biển báo giao thông nhằm hướng dẫn, điều khiển giao thông trên đường giúp đảm bảo khả năng thông xe cũng như an toàn cho người tham gia giao thông. Vạch kẻ đường có 2 loại là vạch kẻ đường nằm đứng và vạch kẻ đường nằm ngang.

Hiểu được ý nghĩa của các biển báo giao thông trên sẽ giúp bạn đi đường an toàn và tránh bị phạt vì thiếu hiểu biết khi tham gia giao thông. Đối với học sinh trường THPT Cao Bá Quát, việc tìm hiểu và nhận diện được các loại biển báo từ nhà đến trường, chính là trách nhiệm của mỗi cá nhân phải thực hiện khi tham gia giao thông.

Người thực hiện: Nguyễn Thị Thanh Hải

Người duyệt: Nguyễn Thị Huệ

Bình luận :