Tập thể 04 lớp 11A4,11A5, 11D1, 11D2 phối hợp tổ chức thành công Chủ đề ngoại khóa “Ứng xử văn minh trong trường học”
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, văn hóa ứng xử trong trường học đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần hình thành nhân cách, đạo đức cho học sinh. Một môi trường học đường văn minh, thân thiện không chỉ giúp học sinh tiếp thu tri thức hiệu quả mà còn là nền tảng để các em trở thành những công dân tốt trong tương lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại nhiều trường học hiện nay, bên cạnh những hành vi ứng xử chuẩn mực, vẫn tồn tại không ít biểu hiện thiếu văn hóa như: lời nói thiếu tôn trọng, bạo lực học đường, phân biệt đối xử, thờ ơ trong giao tiếp, ứng xử lệch chuẩn... Những hành vi lệch chuẩn này không chỉ làm xấu đi hình ảnh học sinh mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường giáo dục chung.
Chính vì vậy, việc xây dựng, củng cố và lan tỏa văn hóa ứng xử văn minh trong trường học trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay của cả nhà trường, gia đình và bản thân mỗi học sinh. Xuất phát từ ý nghĩa đó, trường THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai hàng năm đều xây dựng kế hoạch tổ chức các sân chơi về các chủ đề liên quan đến công tác xây dựng môi trường sư phạm không chỉ Sáng- Xanh- Sạch - Đẹp - An toàn... Trong đó có chủ đề “Ứng xử văn minh trong trường học” nhằm nhìn lại thực trạng hiện tại, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động thiết thực trong mỗi cá nhân.
Hoạt động ngoại khóa chủ đề “Ứng xử văn minh trong trường học” được tập thể 4 lớp 11A4,11A5,11D1,11D2 phối hợp tổ chức thành công nhằm góp phần nâng cao nhận thức để hành động đúng, chuẩn mực cho học sinh trong giao tiếp hằng ngày.
Cán bộ, giáo viên và học sinh tham dự buổi ngoại khóa
Mở đầu chương trình là tiết mục nhảy Mashup sôi động mang tên “Và tôi hát đón ánh mặt trời”, tiết mục đã khuấy động không khí, tạo sự hào hứng cho thầy cô cùng các bạn học sinh. Tiếp theo các nội dung trọng tâm đã được lần lượt triển khai: từ tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đến việc trình bày thực trạng, vai trò và hậu quả của những hành vi ứng xử chưa văn minh trong trường học.
Điểm nhấn nổi bật của buổi ngoại khóa là phần video phỏng vấn trực tiếp một số thầy cô giáo và học sinh trong trường cùng kết quả khảo sát thực tế đối với gần 500 học sinh toàn trường. Kết quả cho thấy, đa số học sinh có ý thức tốt về văn hóa ứng xử cụ thể như: Việc “Chào hỏi giáo viên, khách khi gặp trong sân trường hoặc hành lang” kết quả có gần 400 học sinh ở mức độ luôn luôn, hơn 100 học sinh ở mức độ thường xuyên và dưới 50 học sinh thuộc mức độ thỉnh thoảng.
Việc“Giao tiếp với thầy cô bằng thái độ lễ phép, tôn trọng” có trên 400 học sinh ở mức độ luôn luôn và trên 50 học sinh ở mức độ thỉnh thoảng. Việc “Hỗ trợ hoặc hướng dẫn khách khi họ đến trường và cần sự giúp đỡ” kết quả gần 200 học sinh ở mức luôn luôn hoặc thường xuyên, gần 150 học sinh ở mức thỉnh thoảng và dưới 50 học sinh ở mức hiếm khi hoặc chưa bao giờ . “Giao tiếp với bạn bè bằng ngôn ngữ lịch sự, không thô tục, không xúc phạm” có khoảng 200 học sinh ở mức luôn luôn hoặc thường xuyên và dưới 50 học sinh ở mức thỉnh thoảng hoặc hiếm khi . Hành vi “Tránh gây ồn ào, xô đẩy, chen lấn ở cầu thang, hành lang, sân trường” có gần 400 học sinh ở mức luôn luôn, hơn 100 học sinh ở mức thường xuyên và dưới 30 học sinh ở mức thỉnh thoảng hoặc chưa bao giờ. Hay việc “Thực hiện nghiêm túc nội quy, mặc đồng phục và đeo thẻ học sinh đúng quy định của nhà trường” có gần 400 học sinh ở mức luôn luôn khoảng 100 học sinh ở mức thường xuyên và dưới 20 học sinh ở mức thỉnh thoảng. Rồi vấn đề“Vỗ tay đúng lúc, đúng cách, thể hiện sự tôn trọng khi tham gia chương trình có phát biểu chính thức” kết quả gần 400 học sinh ở mức luôn luôn, khoảng 100 học sinh ở mức thường xuyên và dưới 30 học sinh ở mức thỉnh thoảng…
Hình ảnh phỏng phấn giáo viên và học sinh về thực trạng văn hóa ứng xử trong trường
Khi tự đánh giá, 24,3% học sinh cho rằng mình có ứng xử “rất chuẩn mực”, và 68 % đánh giá hành vi của bản thân là “khá chuẩn mực”. Điều này cho thấy môi trường học tập tại trường đã và đang dần hình thành những chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp và ứng xử tích cực. Các hành vi thiếu văn hóa phổ biến như nói tục, gây ồn ào, mặc trang phục không đúng quy định cũng được thẳng thắn chỉ ra và cùng tìm được các giải pháp khắc phục. Đặc biệt, gần 94% học sinh bày tỏ sự sẵn sàng tham gia các hoạt động rèn luyện, tuyên truyền về văn hóa ứng xử trong tương lai đây là một tín hiệu rất đáng khích lệ.
Nội dung cuối của buổi ngoại khóa là các tình huống thực tế và giao lưu khán giả, do chính học sinh các lớp 11A4, 11A5, 11D1, 11D2 tham gia diễn xuất.Các tình huống xoay quanh những vấn đề phổ biến trong ứng xử học đường như: Cách ứng xử khi gặp thầy cô ngoài sân trường; ứng xử khi đi học muộn và xin phép vào lớp; ứng xử khi vi phạm nội quy và bị sao đỏ ghi tên; ứng xử trong các buổi sinh hoạt tập thể khi có đại biểu phát biểu…
Học sinh thực hiện các tình huống thực tế và khán giả ứng xử tình huống đưa ra của BTC
Thông qua việc hóa thân vào nhân vật, học sinh đã thể hiện sự hiểu biết về những cách ứng xử văn minh: biết chào hỏi lễ phép, biết xin lỗi và nhận lỗi khi vi phạm, biết thể hiện sự tôn trọng trong mọi tình huống. Các khán giả cũng đưa ra những giải pháp cụ thể như: bình tĩnh xử lý tình huống, tôn trọng bạn bè, không ngại nhận lỗi, và chủ động sửa đổi hành vi của mình. Phần giao lưu này không chỉ tạo không khí hào hứng, sôi nổi mà còn giúp mỗi học sinh tự soi chiếu lại hành vi ứng xử của bản thân, từ đó hình thành thói quen giao tiếp văn minh trong đời sống học đường.
Thông điệp buổi ngoại khóa
Buổi ngoại khóa đã khép lại trong không khí đầm ấm và nhiều cảm xúc, với thông điệp sâu sắc: "Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình." qua hoạt động này, mỗi học sinh đều nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường học đường giàu nhân văn, nơi tri thức và lòng nhân ái được vun đắp mỗi ngày./.
Thực hiện: Tống Thị Hà
Duyệt bài: NTH
Bình luận :