Sinh hoạt lớp chủ đề “Kỹ năng hỗ trợ bạn bè khi bị bạo lực”

     Học sinh, phụ huynh và giáo viên trường THPT Cao Bá Quát-Quốc Oai đều vui mừng khi UBND thành phố quyết định cho học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ kéo dài để phòng dịch COVID-19.  Trước niềm vui và sự hân hoan thì đồng thời cũng có những nỗi lo và băn khoăn ở nhiều khía cạnh. Bên cạnh những nỗi lo về dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm thì một trong số đó chính là những vấn đề về tâm lý của học sinh sau thời gian nghỉ dịch, những thói quen thay đổi, những mâu thuẫn phát sinh trong lớp, trong trường, việc học tập, rèn luyện và trải nghiệm của học sinh tại nhà trường, đặc biệt là với các em học sinh khối lớp 10, khi mà sau nhiều tháng phải học online tại nhà, các em lần đầu được đi học trực tiếp tại trường THPT, chắc hẳn có rất nhiều bỡ ngỡ và lo lắng. Nắm bắt và thấu hiểu tâm lý đó của các em học sinh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục học sinh thông qua các chủ đề giáo dục theo từng tháng. Và trong tháng 2 vừa qua các thầy cô giáo viên chủ nhiệm khối 10 đã triển khai sinh hoạt lớp chủ đề  “ Kỹ năng hỗ trợ bạn bè khi bị bạo lực” .

Mở đầu buổi Sinh hoạt lớp các thầy cô đều giúp các em học sinh hiểu được khái niệm “Bạo lực học đường”. Học sinh hiểu ra rằng bạo lực học đường được diễn ra theo nhiều cách thức khác nhau và khó kiểm soát. Thầy cô cũng đã lắng nghe, thầu hiểu và đồng cảm với những chia sẻ của các bạn rằng những nỗi lo bắt nạt tâm lý còn lớn hơn bắt nạt về thể chất. 

    

Những hình ảnh, câu chuyện về nỗi đau, tổn thương mà các nạn nhân của bạo lực học đường phải chịu đựng cũng đã được truyền tải đến các học sinh. Những câu chuyện cụ thể, hình ảnh rõ ràng hơn bao giờ hết đã tô đậm lên những hậu quả nặng nề mà vấn nạn bạo lực học đường mang lại. Lắng nghe trực tiếp ý kiến của học sinh khi đứng trước những hiện trạng này, các em đều có tâm lý chung cảm thấy đồng cảm với nạn nhân và lên án hành động xấu. Đây là một hiệu ứng tốt khi mà các em đã có những nhìn nhận đúng đắn, không sai lệch trong câu chuyện bạo lực học đường.

Đứng trước những hiện trạng về hậu quả nặng nề của bạo lực học đường như vậy thì câu hỏi đặt ra là nguyên nhân xuất phát từ đâu và cần làm gì để có thể hạn chế và giảm thiểu tình trạng này. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của buổi sinh hoạt chủ đề mà các thầy cô mong muốn có thể truyền đạt đến học sinh. Các bạn đều đã đưa ra những ý kiến của mình, từ thực tế bản thân đã trải qua và chứng kiến để tìm lời giải cho câu hỏi bạo lực học đường bắt đầu từ đâu. Mỗi học sinh có các ý kiến khác nhau, có sự đóng góp và bổ sung cho nhau để cả lớp có được một cái nhìn hoàn chỉnh rõ ràng nhất về những nguyên nhân là sự bắt đầu của bạo lực học đường.

    

Một nội dung vô cùng quan trọng nữa đó chính là làm thế nào để các em học sinh có thể bảo vệ bản thân cũng như những bạn bè xung quanh để mình không phải trở thành một trong những nạn nhân của vấn nạn bạo lực học đường. Với nội dung này, các thầy cô đã có sự chia sẻ và phân tích rất rõ ràng với học sinh để các em có thể thấy rằng các em nên và không nên làm gì, hành động ra sao cho đúng đắn. Các em học sinh cũng đã nhận ra được sự quan trọng của việc chia sẻ và xin sự hỗ trợ của mọi người xung quanh khi rời vào tình trạng bị bạo lực học đường để tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, các em học sinh cũng có thể an tâm khi học tập và rèn luyện tại trường THPT Cao Bá Quát – Quốc Oai, hiện tượng bạo lực học đường tại nhà trường luôn được các thầy cô chú trọng và hạn chế đến mức tối thiểu, tạo cho các em một điều kiện học tập an toàn và năng động. 

Một buổi sinh hoạt chủ đề được tổ chức trong những ngày đầu các em học sinh quay trở lại trường một cách kịp thời và cần thiết. Cô và trò đã có buổi sinh hoạt vô cùng sôi nổi và ý nghĩa. Những kiến thức mà thầy cô mang lại, cũng như những giải pháp mà các em học sinh thảo luận đưa ra đã trở thành những hành trang bổ ích cho các em cho những năm học tại trường và cả sau này. Buổi sinh hoạt diễn ra thành công sẽ là công cụ hỗ trợ các em học sinh trong việc phòng chống bạo lực học đường ./.

Thực hiện: Phạm Thị Thon
Duyệt bài: Nguyễn Thị Huệ

 

Bình luận :