Ngoại khóa tổ Văn- Sử - GDCD
Sáng ngày 6/3/2023 tổ Văn- Sử- GDCD thực hiện ngoại khóa với chủ đề “Tự hào phụ nữ Việt Nam”. Buổi ngoại khóa được diễn ra trong không khí của tuần lễ hưởng ứng mặc áo dài và chào mừng kỷ niệm 113 năm ngày quốc tế phụ nữ, 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Buổi ngoại khóa được thực hiện nhằm giúp các em biết ơn và ghi nhớ công lao, đóng góp, biết đến những sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ đã làm rạng danh non sông gấm vóc, để tự đó luôn tự hào về những đóng góp ấy.
Đại thi hào người Nga Macxim Gorki từng viết:
“Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?”
Thực tế từ xưa đến nay, theo dòng chảy của lịch sử, những người phụ nữ không chỉ là những người mẹ hiền vợ đảm họ còn là những chứng nhân, chung tay tô thêm những trang sử vàng của quê hương. Họ là niềm tin, là hy vọng, khi đất nước chiến tranh họ trở thành những người lính kiên cường, bất khuất “ đánh giặc còn cái lai quần cũng đánh”, rồi những người phụ nữ ấy lại trở thành những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, là những con người sinh ra thế hệ anh hùng. Những con người ấy bước ra từ trong thơ ca, truyện ngắn, bài hát hay bình dị trong đời thường. Khi đất nước độc lập những người phụ nữ ấy không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Phụ nữ Việt Nam ta đã và đang ngày càng chủ động, tự tin khẳng định bản lĩnh của mình trong cả việc lãnh đạo, quản lý, làm kinh tế và nghiên cứu. Bởi thế chúng ta có quyền TỰ HÀO PHỤ NỮ VIỆT NAM. Thế hệ sau luôn ghi lòng tạc dạ biết ơn và tự hào về họ.
Các tiết mục biểu diễn trong chương trình ngoại khóa
Mở đầu chương trình ngoại khóa là một ca khúc do nhạc sĩ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn về những người mẹ đã lặng thầm cống hiến và hy sinh cho dân tộc Việt Nam đó là bài hát “Huyền thoại mẹ”. Ca khúc này do cô Nguyễn Thị Diệp và em Nguyễn Thị Lan HS lớp 12A1 trình bày
Tiếp nối chương trình, qua trò chơi nhận diện nhân vật lịch sử, học sinh toàn trường đã rất hào hứng và sôi nổi tìm ra chân dung của những người phụ nữ đã có những đóng góp cho dân tộc trên nhiều phương diện như kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao, xã hội… Trò chơi đã giúp các em hiểu rõ hơn về các nhân vật đã từng xuất hiện trong các tác phẩm văn học, bước ra từ những bài thơ, hay từ những đóng góp cho dân tộc qua các việc làm. Họ là những chứng nhân lịch sử, là minh chứng về khát vọng làm chủ bản thân, yêu nước trung hậu, đảm đang.
HS trả lời câu hỏi của chương trình
Buổi ngoại khóa được thực hiện trong 1 tiết học nhưng cũng đã giúp học sinh hiểu rõ những hy sinh, cống hiến của những người phụ nữ, dù họ là ai, dù trong chiến tranh, hay hòa bình, dù họ ở đâu và ở bất cứ nơi nào, họ vẫn đã và đang có những đóng góp cho gia đình đất nước. Họ trở thành niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam với tám chữ vàng: “ Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.
Để xứng đáng với thế hệ đi trước, sự hi sinh của những người phụ nữ Việt Nam, trước hết các em cần biết trân trọng những người bà, người mẹ, người chị, …đó là những người phụ nữ luôn bên cạnh, yêu thương chúng ta một cách vô điều kiện. Các em hãy nỗ lực học, rèn luyện thật tốt để góp phần nhỏ bé của mình viết tiếp những trang sử đáng TỰ HÀO CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM.
BGH chụp ảnh lưu niệm cùng tổ Ngữ Văn-Lịch sử-GDCD
Thực hiện: Nguyễn Thị Thanh Hải
Người duyệt: DangNguyen
Bình luận :