Ngoại khóa chủ đề “Biển - Đảo quê hương”

         Thực hiện Kế hoạch năm học 2021 -2022 và được sự nhất trí của Ban giám hiệu nhà trường sáng ngày 09/5/2022 Tổ Lý - Hóa - Địa đã tổ chức thành công buổi ngoại khóa chủ đề “Biển Đảo quê hương”
         Buổi ngoại khóa chủ đề “Biển Đảo quê hương” được tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền về kiến thức biển đảo cho học sinh; bồi đắp cho các em lòng tự hào dân tộc, tình yêu đối với biển đảo, quê hương; có ý thức và chung tay bảo vệ, giữ gìn hải đảo biên cương của Tổ quốc, đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển, đặc biệt để thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền “Trường Sa- Hoàng Sa là của Việt Nam” đến CBGV, NV và học sinh tham dự. Bên cạnh đó  nhằm đa dạng hóa các hình thức dạy và học; giúp phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh; làm phong phú thêm các hình thức sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, môn Địa lí nói riêng.


Tổ Lý - Hóa - Địa cùng CBGV và học sinh trong buổi ngoại khóa

         Có thể nói từ bao đời nay biển đảo Việt Nam đã gắn bó với đất nước và con người Việt Nam như một bộ phận không thể tách rời. Cuộc sống của bao thế hệ người dân gắn liền với biển, gắn liền với những con thuyền lênh đênh trên sóng nước để từ đó đánh dấu chủ quyền liêng thiêng của mình trên những “bãi cát vàng” lịch sử. Chủ quyền ấy đã được lịch sử chứng minh với những luận cứ không thể chối cãi qua nhiều chứng cứ xác thật. Hiểu được điều đó nên hàng năm Nhà trường đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền kiến thức về biển đảo Việt Nam qua nhiều hình thức khác nhau.

           Năm học 2021 -2022, Kế hoạch tuyên truyền kiến thức về biển đảo Việt Nam được tổ chức thông qua chương trình ngoại khóa chủ đề “Biển Đảo quê hương” do Tổ Lý - Hóa - Địa phụ trách. Nội dung buổi ngoại khóa gồm 2 phần chính: Tuyên truyển về kiến thức biển đảo Việt Nam; Tổ chức trò chơi tìm hiểu kiến thức về biển đảo Việt Nam.


Thầy giáo Phùng Văn Minh Tổ Lý - Hóa - Địa  MC của buổi ngoại khóa

           Nội dung tuyên truyền kiến thức về biển đảo Việt Nam góp phần nâng cao nhận thức của CBGV, NV và học sinh về vai trò, vị trí chiến lược về biển đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các lợi ích của Việt Nam trên biển Đông đồng thời tăng cường thêm  các thông tin đối ngoại, chuyển tải kịp thời, chính xác các quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề biển Đông trong Nghị quyết Đại hội Đảng lầm thứ XIII đã khẳng định.

           Tiếp theo là phần trò chơi tìm hiểu kiến thức về biển đảo Việt Nam diễn ra rất sôi nổi và hào hứng vì thật sự đây là nội dung đã truyển được cảm hứng, niềm tự hào về biển đảo đối với các em. Thông qua các câu hỏi của trò chơi một lần nữa các em khắc sâu thêm một số kiến thức của bộ môn Địa lí như vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam ; Các vùng biển nào thuộc chủ quyền quốc gia ven biển và các vùng biển nào mà nước ta có quyền và quyền tài phán; Các hoạt động nào đe dọa an ninh vùng biển hay Việt Nam chính thức tham gia Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển vào năm nào; Nước ta có bao nhiêu tỉnh, Thành phố giáp biển; Khu vực nào tập trung nhiều hải sản thuận lơi cho ngành đánh bắt...Với nội dung và hình thức được đổi mới, kiến thức đòi hỏi không quá dễ cũng không quá khó nên đã thu hút được đông đảo các em học sinh tham gia trả lời rất tự tin, hiệu quả và được Ban tổ chức trao những phần quà hết sức ý nghĩa.

    
Học sinh tích cực trả lời các câu hỏi tìm hiểu kiến thức biển đảo Việt Nam

          Qua buổi ngoại khóa một lần nữa giúp các em học sinh có thêm cơ hội để hiểu sâu  về kiến thức Địa lí Việt Nam; Định hướng lòng yêu nước chân chính và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo; Tạo sự say mê, hứng thú, cho học sinh về bộ môn Địa lí ; Giúp các em có thêm động lực hơn và tích cực tu dưỡng, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh; Chung tay gìn giữ biển đảo, bảo vệ tài nguyên biển, có ý thức tự giác trong việc bảo vệ môi trường; Chung tay chia sẻ những khó khăn với các cư dân ven viển khi gặp thiên tai, tích cực tham gia các phong trào ủng hộ “Vì biển, đảo Việt Nam”;  “Vì Trường Sa- Hoàng Sa thân yêu”; Sẵn sàng những sứ mệnh làm cầu nối truyển tải những tình cảm chân thành của người dân đất liền tới các chiến sỹ nơi đảo xa đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc; Luôn nguyện hướng trọn trái tim mình về biển đảo để lắng nghe “Tổ Quốc gọi tên mình bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá”./.

Thực hiện : Tống Thị Hà
Duyệt bài: DangNguyen

Bình luận :